Laptop

Dự luật “giết chết Internet” bị bãi bỏ

Dự luật “giết chết Internet” bị bãi bỏ
Trư
ớc những phản đối gay gắt từ phía người sử dụng Internet và ngay cả bản thân những “ông lớn" công nghệ, dự luật “giết chết Inernet” SOPA/PIPA đã chính thức bị bãi bỏ. Đây được xem là một chiến thắng vang dội bởi sự đồng lòng của cộng đồng Internet.
Bị phản đối gay gắt, dự luật “giết chết Internet” tạm thời bị hủy bỏ

Trước những phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng người dùng Internet  và bản thân các công ty công nghệ, Hạ nghị sĩ Lamar Smith, người đề xuất ra dự luật về chống vi phạm bản quyền SOPA đã đệ đơn lên Hạ viện Mỹ để xin rút lui dự luật này và sẽ quay trở lại “khi có một giải pháp nhận được nhiều sự đồng thuận hơn”.

Chân dung Lamar Smith, tác giả của dự luật gây tranh cãi SOPA

Trong thông báo đưa ra về quyết định xin rút lui dự luật gây tranh cãi của mình, Lamar Smith (nghị sĩ của bang Texas) cho biết: 

“Tôi đã nghe rất nhiều lời phê bình cũng như những ý kiến nghiêm túc của họ về dự luật được đề xuất về các vấn đề vi phạm bản quyền trực tuyến. Rõ ràng rằng chúng ta cần phải xem xét lại cách tiếp cận để có được giải pháp tốt nhất, giải quyết vấn đề của những tên trộm ở nước ngoài, đang ăn cắp và bán các sáng chế và sản phẩm của nước Mỹ”

Tuy nhiên, bên cạnh thông báo rút lui dự luật gây tranh cãi này, Lamar Smith vẫn cho thấy một quyết tâm để xây dựng một dự luật mới có tính chất tương tự như SOPA:

“Vấn đề vi phạm bản quyền là một vấn đề quá lớn để có thể bỏ qua. Ngành công nghiệp sở hữu trí tuệ Mỹ cung cấp 19 triệu việc làm thu nhập cao và chiếm hơn 60% doanh thu xuất khẩu của nước Mỹ. Các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ đã làm tổn thất hơn 100 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ và kết quả làm mất hàng ngàn việc làm cho người Mỹ. Quốc hội không thể đứng yên và không làm gì khi những sáng tạo và tài sản của nước Mỹ đang bị xâm hại”.

“Các hành vi trộm cắp trực tuyến các sở hữu trí tuệ của người Mỹ cũng tương tự như việc đánh cắp hàng hóa trong cửa hàng hay siêu thị. Điều đó là bất hợp pháp, và pháp luật phải được thực thi, như ở trong cửa hàng cũng như trên thế giới trực tuyến. Các nghị sĩ sẽ tiếp tục làm việc với các chủ sở hữu quyền tác giả, các công ty Internet, các tổ chức tài chính để phát triển các đề xuất để chống lại sự vi phạm bản quyền trực tuyến và bảo vệ tài sản trí tuệ của nước Mỹ. Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để giải quyết hiệu quả vấn đề này” - Lamar Smith kết luận.

Những thông điệp này cho thấy việc rút dự luật SOPA chỉ là một bước đi để nhằm làm xoa dịu sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận đồng thời tìm kiếm một giải pháp hiệu quả và có khả năng áp dụng rộng rãi hơn.

Sự lên tiếng và phản đối đúng lúc của các “ông lớn” công nghệ đã góp phần khiến cho 2 dự luật SOPA/PIPA bị bãi bỏ. Hình ảnh trang web bách khoa toàn thư Wikipedia đóng cửa và ngưng hoạt động trong ngày 18/1 để phản đối SOPA/PIPA

Bên cạnh sự rút lui của dự luật SOPA, một tin vui cho người dùng Internet khi dự luật tương tự với SOPA, PIPA cũng đã bị Thượng viện Mỹ tuyên bố tạm ngưng thực thi. 

“Trước những sự kiện và những sự phản đối gần đây, tôi đã quyết định sẽ hoãn bỏ phiếu để thông qua Đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (PIPA)” - Thượng nghị sĩ Harry Reid, người đứng đầu Thượng Viện Mỹ tuyên bố về quyết định tạm ngưng biểu quyết để thông qua dự luật PIPA.

Những quyết định mới nhất này được đánh giá là một sự thành công vang dội của cộng đồng Internet, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ sự phản ứng gay gắt của người dùng Internet, đặc biệt là sự phản đối của các trang web lớn như Wikipedia, Wordpress… và cả những “gã khổng lồ công nghệ” như Google hay Facebook…

Nhóm hacker khét tiếng Anonymous nổi giận sau khi Megaupload bị đóng cửa

Tuy nhiên, trước khi SOPA/PIPA bị hủy bỏ, thì những dự luật này cũng đã gây nên một “hậu quả” không nhỏ đối với người dùng Internet, khi  một trong những dịch vụ chia sẻ file hàng đầu thế giới MegaUpload đã bị đóng cửa. Điều này đã khiến không ít người sử dụng Internet cảm thấy bất bình, đặc biệt trong đó có nhóm hacker khét tiếng Anonymous.

Chỉ ít phút sau khi trang web chia sẻ file hàng đầu thế giới Megaupload bị đóng cửa và các nhân viên của trang web này bị bắt giữ, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous đã có hành động đáp trả nhằm vào các trang web của chính phủ Mỹ và trang web các hãng giải trí.

Cụ thể, Anonymous đã lập tức đánh sập trang web của Sở tư pháp Mỹ cũng như trang web của hãng thu âm Universal Music Group. Không lâu sau đó, đến lượt trang web của Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ cũng bị đánh sập. Chịu chung số phận trong đợt phản công này của Anonymous còn có trang web của Hiệp hội điện ảnh Mỹ. 

Đoạn tweet phát động “chiến tranh” của Anonymous

Trước khi cuộc tấn công nổ ra, Anonymous đã đăng tải thông điệp thách thức trên trang Twitter của mình: “Megaupload đã bị hạ ngay cả khi luật SOPA chưa được thông qua. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu dự luật này trở thành sự thật? Internet mà chúng ta đang biết đến sẽ kết thúc. Hãy chiến đấu chống lại điều này.”

15 phút sau, Anonymous tiếp tục cập nhật mục tiêu mà mình nhắm tới trong đợt tấn công này: “Mục tiêu của chiến dịch: đánh sập justive.gov (trang chủ của Sở tư pháp Mỹ) - 15 phút sau khi có thông báo bắt giữ 7 thành viên của Megaupload”.

Tính đến thời điểm hiện tại, các trang web bị Anonymous nhắm đến vẫn chưa thể truy cập được, hoặc truy cập rất chậm và hình ảnh không thể hiển thị được.

Các trang web mục tiêu không thể truy cập được hoặc đang rất chập chờn

Trước đó, vào rạng sáng ngày 20/1 theo giờ Việt Nam, Sở tư pháp Mỹ đã truy tố 7 người và 2 công ty điều hành hoạt động của dịch vụ chia sẻ file Megaupload.com, đồng thời đã ngừng toàn bộ hoạt động của dịch vụ này.

Theo bản cáo trạng, Megaupload và các công ty liên quan bị cáo buộc đã làm thất thoát đến 500 triệu USD mỗi năm vì vi phạm bản quyền, đồng thời dịch vụ này cũng đã kiến được hơn 175 triệu USD mỗi năm vì chia sẻ dữ liệu phạm pháp. 

Trong số những người bị bắt giữ và truy tố có nhà sáng lập trang web Kim Dotcom (hay được biết đến với tên gọi Kim Schmitz), các nhân viên của dịch vụ Megaupload, bao gồm Bram van der Kolk (còn biết đến với tên gọi Bramos), Julius Bencko, Finn Bataso, Sven Echternach, Mathias Ortmann và Andrus Nomm.

Mặc dù những người bị truy tố hiện đang sống tại New Zealand, tuy nhiên chính quyền của New Zealand cũng đã bất giữ những người này theo yêu cầu  của chính phủ Mỹ.

Những người này sẽ phải đối mặt với các cáo buộc tham gia các tổ chức tội phạm để xâm hại quyền tác giả, tội phạm và rửa tiền trên quy mô lớn. Nếu bị kết án, 7 bị cáo này có thể sẽ bị giam giữ tối đa lên đến 20 năm.

T.Thủy
Tổng hợp