Nhờ người có hiểu biết đi mua cùng
Nếu là người mới sử dụng máy ảnh và không có hiểu biết nhiều về các vấn đề thường gặp trên ống kính. Bạn nên nhờ một người quen để đi kiểm tra cùng. Điều này sẽ giúp bạn có được ống kính cũ với chất lượng tốt và giá thành hợp lý nhất.
Cầm theo laptop khi đi mua ống kính
Để có thể kiểm tra chất lượng ống kính một cách chính xác hơn, bạn nên cầm theo laptop để xem ảnh trên màn hình lớn thay vì màn hình nhỏ phía sau máy ảnh. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện hơn các lỗi mà ống kính có thể gặp phải.
Kiểm tra chất lượng quang học
Chất lượng các thấu kính sẽ quyết định nhiều nhất đến giá trị của ống kính. Chính vì vậy, đây là yếu tố bạn cần quan tâm và kiểm tra kỹ càng, nhất là khi mua ống kính đã qua sử dụng.
Bụi bẩn bên trong ống kính
Kiểm tra bụi bẩn: Đối với các ống kính prime (ống kính một tiêu cự), khả năng bụi bẩn lọt vào bên trong là ít hơn nhiều so với các ống kính zoom. Một cách kiểm tra đơn giản là bạn sử dụng đèn pin hay đèn flash trên smartphone rồi soi vào bên trong ống kính.
Tuy nhiên, nếu chỉ có một ít bụi bay vào, bạn không cần quá lo lắng vì thậm chí ngay cả các ống kính mới, vẫn có khả năng có một chút bụi trong quá trình thử nghiệm. Với một số ống kính cao cấp có khả năng chống chọi tốt với môi trường, nếu có quá nhiều bụi thì rất có khả năng ống kính đó đã được sửa chữa, trong quá trình lắp ráp lại, một bộ phận nào đó không được lắp ráp chính xác khiến bụi bay vào nhiều hơn. Bạn nên cân nhắc trước khi mua các ống kính có hiện tượng như vậy.
Các vết xước khiến chất lượng ống kính giảm sút
Kiểm tra các vết xước: Với thấu kính trước của ống kính, một vài vết xước nhỏ sẽ không thể ảnh hưởng tới chất lượng.Thông thường các thấu kính trước có độ bền rất cao. Còn với thấu kính sau, bạn nền cẩn thận vì các vết xước nhỏ ở thấu kính sau cũng làm giảm chất lượng.
Mốc và rễ tre là kẻ thù của ống kính
Kiểm tra hiện tượng mốc, rễ tre: Một điều tối kị mà các ống kính cần tránh gặp phải chính là mốc và rễ tre. Đây là hai nguyên nhân mài mòn lớp coating trên thấu kính và làm giảm chất lượng. Với những ống kính gặp mốc hay rễ tre nhẹ có thể sử dụng, bạn có thể tiếp tục sử dụng. Nhưng nếu mốc và rễ tre quá nặng ăn sau và các thấu kính bên trong, tốt nhất bạn nên bỏ qua các ống kính có hiện tượng như vậy. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý không để các ống kính bị mốc, rễ tre đặt gần các ống kính khác của mình.
Kiểm tra độ nét: Bạn có thể chụp thử từ nhiều góc độ, thử nhiều khẩu độ từ lớn nhất tới nhỏ nhất để kiểm tra độ nét của ống kính. Một ống kính chất lượng sẽ cho độ nét đều ra cả 2 vùng trái và phải so với vùng trung tâm. Tùy vào chất lượng của ống kính mà khi bạn chụp ngược sáng, ánh nắng không dễ dàng khiến flare và ghosting xuất hiện quá nhiều làm hỏng bức ảnh. Bạn có thể tham khảo trước ảnh chụp mẫu trên các diễn đàn và website.
Kiểm tra chất lượng cơ học
Kiểm tra thật kĩ các ống kính trước khi mua
Kiểm tra vỏ ngoài: Vỏ ngoài của ống kính có thể đánh giá khá chính xác mức độ sử dụng. Như đã nói, độ bền của các ống kính là rất cao, nhất là các ống kính cao cấp có thể tránh được va đập, chất lượng vỏ bên ngoài cũng như dòng chữ trên thân ống kính có thể “nói” cho bạn biết phần nào mức độ sử dụng từ chủ cũ.
Đối với các ống kính zoom, khi bị va đập mạnh, bạn sẽ cảm thấy ống kính bị cứng khi thay đổi tiêu cự. Điều này khá nguy hiểm vì có thể dẫn tới các thấu kính bên trong bị ảnh hưởng do va đập. Bạn cũng nên kiểm tra các nút gạt trên ống kính để xem các chức năng có thể sử dụng bình thường không.
Các chức năng trên ống kính cần hoạt động đầy đủ
Vòng lấy nét: Tùy thuộc vào thiết kế mà vòng lấy nét có thể đặt ở vị trí khác nhau. Tuy nhiên vòng lấy nét không được quá lỏng, cũng không được quá chặt để bạn dễ dàng thay đổi khoảng cách lấy nét khi chụp thủ công.
Kiểm tra quá trình lấy nét tự động
Kiểm tra lấy nét tự động trong nhiều điều kiện khác nhau
Tùy thuộc vào máy ảnh và giá thành của ống kính bạn sử dụng mà tốc độ lấy nét có phần khác nhau. Nhưng thông thường, hầu hết các ống kính cần lấy nét nhanh và mượt mà. Với các ống kính đời mới, tốc độ lấy nét rất nhanh và khi hoạt động, tiếng ồn phát ra từ motor lấy nét là rất nhỏ. Bạn nên thử cho ống kính lấy nét tự động trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau để đánh giá một cách chính xác nhất.
Một số ống kính khi chụp có gặp hiện tượng lấy nét sai như “front-focus”, “back-focus”, bạn có thể hiệu chỉnh lại bằng phần mềm đối với một số ống kính hỗ trợ như dòng Sigma Art. Hoặc cũng có thể do thân máy bạn sử dụng.
Ngoài ra, bạn cần thử trong chế độ lấy nét một điểm, theo vùng, chế độ chụp liên tiếp để có đánh giá chính xác nhất về khả năng lấy nét tự động của ống kính.