Sự sáng tạo của những kỹ sư thiết kế có thể nói là không có giới hạn, đặc biệt là qua những chiếc máy bay dưới đây.
De Lackner Aerocycle
Aerocycle đã được Quân đội Mỹ cân nhắc sử dụng như một công cụ trinh sát và được thử nghiệm lần đầu tiên tại cảng hàng không Quân đội Brooklyn vào năm 1955. Nó được thiết kế để có thể bay được 70 dặm một giờ với cách sử dụng vô cùng đơn giản khi một người lính chỉ cần 20 phút hướng dẫn đã có thể vận hành được một chiếc Aerocycle. Tuy nhiên sau nhiều cuộc thử nghiệm, dự án đã bị gạt sang một bên do quá nguy hiểm và dễ gây tai nạn.
Trông kỳ lạ nhưng De Lackner được biết lại khá dễ sử dụng. Ảnh: Tech Insider
Nemeth Parasol
Các sinh viên của trường Đại học Miami đã từng lắp ráp ra được một nguyên bản máy bay với hình thù vô cùng kỳ lạ, và thiết kế này đến từ nhà sáng chế Steven Nemeth. Ý tưởng ban đầu của ông chính là cánh tròn cũng có thể giúp cho máy bay vận hành một cách hiệu quả. Chiếc cánh này còn đóng vai trò như một cái dù bay lớn, giúp máy bay có thể hạ cánh xuống đất nhẹ nhàng trong trường hợp động cơ không hoạt động. Dù thử nghiệm thành công vào năm 1934, chiếc Nemeth chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt.
Đây là một chiếc máy bay được lắp bởi sinh viên Đại học Miami. Ảnh: Tech Insider
Avro Canada VZ-9 Avrocar
Nhìn hình bạn có thể thấy được chiếc Avrocar này trông như một chiếc đĩa bay hay phi thuyền ngoài Trái Đất tuy nhiên nó là một dự án máy bay chiến đấu dội bom được chính phủ Canada phát triển vào những năm đầu thập niên 50. Theo thiết kế, nó sẽ bay lên không trung theo chiều thẳng đứng nhờ vào những động cơ phản lực gắn phía dưới. Quân đội và Không lực Hoa Kỳ đã tiếp quản dự án vào năm 1958 và làm ra hai nguyên mẫu thế nhưng thiết kế này không vượt qua được những bài kiểm tra về khí động học và cuối cùng chúng bị bỏ ngỏ vào năm 1961. Hiện nay, cả hai nguyên mẫu này được trưng bày tại Bảo tàng Không quân và bảo tàng Không lực quốc gia Mỹ.
Nó được thiết kế với mục đích dội bom. Ảnh: Tech Insider
Caproni Ca.60 Noviplano
Được thiết kế bởi kỹ sư máy bay người Ý Gianni Caproni, chiếc Noviplano có đến 9 cánh và 8 động cơ. Không những vậy nó còn có 3 tầng và chứa được 100 hành khách. Đây cũng là một dự án thất bại khác và nó đã rơi ngay trong lần thử đầu tiên vào năm 1921. May mắn thay, phi công trên máy bay hoàn toàn bình an vô sự nhưng chiếc Noviplano thì không còn khả năng sửa chữa do chi phí quá đắt đỏ.
Chiếc máy bay này có đến 3 tầng và 8 động cơ. Ảnh: Tech Insider
Vought V-173
Vought V-173 được đặt biệt danh là “bánh kếp” do thiết kế tròn và dẹp của nó. Cha đẻ của nó là Charles Zimmerman đã sản xuất chiếc máy bay này để phục vụ cho Thế chiến thứ 2 chống lại Nhật Bản. Chance Vought, nhà sáng lập của hãng máy bay Vought, đã lắp ráp và cho bay thử nhưng sau đó, Hải quân Mỹ đã tặng nó lại cho Bảo tàng Hàng không quốc gia năm 1960. Mãi đến năm 2002, một vị giám đốc cấp cao của Vought đã tình cờ bắt gặp nó, ông đã tập hợp một nhóm những nhân viên cũ của hãng để phục chế chiếc máy bay trong vòng hơn 8 năm và đưa nó ra trưng bày lại vào năm 2012.
V-173 được phục chế và trưng bày lại vào năm 2012. Ảnh: Tech Insider
Northrop XB-35
Trong suốt Thế chiến thứ 2, Không lực Mỹ đã ra yêu cầu sản xuất một chiếc máy bay có khả năng bay 10.000 dặm và chuyên chở được gần 5 tấn bom đạn. Cánh của chiếc Northrop được phát triển bởi nhà thiết kế máy bay Jack Northrop, người sáng lập tập đoàn Northrop Corp., thế nhưng cánh quạt của nó vận hành không ổn định và chiến tranh kết thúc trước khi dự án hoàn thành. Cuối cùng thì chiếc Northrop cũng bị xếp xó vào năm 1950.
Northrop không được sản xuất do cánh quạt không ổn định. Ảnh: Tech Insider
McDonnell XF-85 Goblin
Đây được biết là chiếc máy bay chiến đấu động cơ cánh quạt phản lực nhỏ nhất từng được lắp ráp. Chiếc Goblin được thiết kế để gắn vào máy bay dội bom và sẽ được phóng ra để bảo vệ máy bay mẹ phòng trường hợp bị tấn công. Chiếc Goblin bay khá tốt nhưng nó lại không có bộ phận hạ cánh, thế nên nó sẽ phải bay về và tự gắn lại với máy bay mẹ ngay trên không trung. Các phi công trong quá trình lái thử đã gặp rất nhiều trở ngại để nối chiếc Goblin về lại máy bay chủ thế nên dự án đã bị hủy bỏ vào năm 1949.
Chiếc Goblin không có hệ thống đáp. Ảnh: Tech Insider
Aero Spacelines B377PG Pregnant Guppy
Chiếc máy bay này được thiết kế để vận chuyển những kiện hàng quá khổ cho chương trình Apollo của NASA và nó đã được cho bay thử vào năm 1962. Chiếc B377PG này được sử dụng chủ yếu để chuyên chở những bộ phận của chiếc hỏa tiễn Saturn 5 đến mũi Canaveral. Những phiên bản sau của nó được gọi với cái tên Super Guppy và Super Guppy Turbine, dùng để vận chuyển nguyên vật liệu cho Trung tâm Phi hành gia Quốc tế từ những các xưởng sản xuất khắp nơi trên thế giới.
Nó được thiết kế để chuyên chở bộ phận hỏa tiễn. Ảnh: Tech Insider
Máy bay lội nước Liên Xô
Liên Xô đã từng dự định sản xuất một dòng máy bay lội nước để chống lại hạm đội tàu ngầm của Mỹ trong Chiến tranh lạnh. Nhà khoa học người Ý, Robert Bartini đã thiết kế chiếc máy bay này với khả năng lướt trên mặt nước để theo dõi những mục tiêu dưới nước. Nó chỉ được lắp hai nguyên bản duy nhất và chiếc đầu tiên được thử nghiệm vào tháng 9, 1972. Chiếc còn lại hiện nay đã được đưa về bảo tàng Không quân Nga ở Monino.
Chiếc máy bay này hiện tại đang nằm trong bảo tàng ở Monino. Ảnh: Tech Insider
Rutan Boomerang
Kỹ sư hàng không Burt Rutan đã thiết kế chiếc máy bay Boomerang vào năm 1996 như một sản phẩm phi cơ công suất cao có thể dễ dàng điều khiển được kể cả khi động cơ bị hư hỏng. Thiết kế không đối xứng giúp nó “không đụng hàng” với bất cứ chiếc phi cơ đôi nào và khiến nó an toàn hơn xét về mặt kỹ thuật. Chiếc Rutan Boomerang có khả năng bay đến 304 dặm một giờ.
Dù có hình thù kỳ lạ nhưng tốc độ của nó lên đến 304 dặm một giờ. Ảnh: Tech Insider
Phi cơ Proteus High-Altitude
Chiếc Proteus này cũng được thiết kế bởi Burt Rutan và nó hoạt động như một phương tiện chuyển tiếp thông tin do Proteus được trang bị ăng ten thu sóng băng thông rộng. Nó được bay thử lần đầu tiên vào năm 1998 và lần thứ hai vào năm 2000. Không những vậy, nó còn đạt 3 kỷ lục thế giới về khả năng bay cao với thành tích đáng nể là gần 20.000 mét.
Chiếc Proteus cũng do Burt Rutan thiết kế. Ảnh: Tech Insider
Tàu bay Lockheed Martin Hybrid
P-791 Lockheed Martin được cho bay thử vào năm 2006 để mô tả công nghệ tàu bay hybrid mới của công ty. Những chiếc tàu bay khinh khí này vận hành như một dụng cụ chuyên chở hàng hóa đến những địa điểm hẻo lánh. Nó có thể hạ cánh trên mặt nước hoặc trên đất liền và chỉ tiêu hao nguyên liệu bằng 1/10 những chiếc trực thăng. Công ty đã ký kết một bản hợp đồng sản xuất P-791 trị giá 480 triệu đô-la Mỹ với hãng hàng không Straightline vào tháng 3 vừa qua.
Hiện tại P-791 đang được sản xuất theo đơn đặt hàng. Ảnh: Tech Insider
Tham khảo: Tech Insider
Vì sao một hãng hàng không giá rẻ có thể tự tin bỏ ra hàng chục tỷ đô mua máy bay?
(Techz.vn) Trưa hôm qua (ngày 23/5) Vietjet Air đã ký hợp đồng đặt mua 100 chiếc máy bay của Boeing với trị giá hợp đồng lên tới 11,3 tỷ USD. Nhiều ý kiến cho rằng Vietjet Air không cần phải bỏ ra số tiền lớn đó cũng có thể được sử dụng 100 chiếc máy bay Boeing.