Thiết bị công nghệ

Tráo main ăn vạ cửa hàng và tiếng khóc của người trong cuộc

Những rắc rối xoay quanh vấn để bảo hành tại hệ thống của hàng CellphoneS đã trở thành tâm điểm trong suốt những ngày qua. Vấn đề về uy tín thương hiệu, trách nhiệm bảo hành của CellphoneS được đưa ra làm chủ đề bàn tán, thậm chí đã có những lời lẽ gay gắt từ phía người dùng, không ngoại trừ cả những đối thủ đang cạnh tranh trên thị trường của chuỗi cửa hàng này. Song, trên thực tế, mọi chuyện rắc rối cần nhìn một cách khách quan từ nhiều phía. Dẫu biết rằng chúng ta đang bảo vệ quyền lợi chính đáng của một người tiêu dùng nhưng không vì thế mà đánh mất đi sự công bằng, minh bạch vốn có.

Vụ việc gây tranh cãi trong thời gian qua. Ảnh: Internet

Trước khi đi tìm những dẫn chứng có liên quan, hãy cũng nhắc lại một chút về vụ việc từ chối bảo hành gây tranh cãi trong thời gian gần đây.

Vào ngày 30/4, sau 3 ngày sử dụng, anh Lợi – người mua iPhone 5S trước đó tại CellphoneS đến đổi máy tại showroom 45 Trần Quang Khải (TP.HCM) với lý do máy không thể hoạt động. Anh Lợi đã gặp phải sự bất hợp tác từ phía nhân viên cũng như quản lý của cửa hàng này và sau đó, anh đã đăng tải bài viết lên một loạt các diễn đàn khác nhau với mục đích tố cáo CellphoneS nhằm đòi lại sự công bằng cho mình.

Về phía CellphoneS, đơn vị này cho rằng không tồn tại khách hàng tên Lợi mà người mua hàng thực chất tên T.B.A – một cựu nhân viên của cửa hàng và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tháo lắp, sửa chữa và thay thế linh kiện điện thoại. Người có tên T.B.A đã nhiều lần đến mua hàng dưới nhiều tên khác nhau, sau đó về tráo linh kiện và thay thế vào đó là các linh kiện cũ rồi mang lại cửa hàng để đổi trả bảo hành. Cửa hàng cũng đưa ra những bằng chứng có phần xác đáng về trường hợp này.

Cả 2 số điện thoại đăng ký mua hàng, đổi trả hàng được cáo buộc là từ chung một người

Đầu tiên, CellphoneS chỉ ra khách hàng tên  Lợi đã đổi trả liên tục trong giai đoạn từ tháng 1/2015 cho đến thời điểm xảy ra vụ việc. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp tương tự với cái tên khác, song, khi tra số điện thoại trên nhiều diễn đàn, trang bán hàng online kết quả cho ra đều cùng một người là T.B.A (theo phía CellphoneS) và nickname tham gia Nhật tảo là Kyo113.

Kyo113 đã tham gia nhiều topic mua bán và trao đổi main

Thậm chí nickname có tên Kyo113 - người đăng tải sự việc trong mục xây dựng thương gia tại diễn đàn Tinhte.vn đã từng tham gia mua bán, trao đổi, sửa chữa các lại điện thoại với nhiều topic khác nhau. Như vậy, có thể khẳng định, Kyo113 là người rất có kinh nghiệm trong việc kiểm tra, am hiểu về iPhone.

CellphoneS cũng đã cho đăng tải clip kiểm tra số IMEI để xác định số Serial in trên main và kết quả cho thấy main đã bị thay hoàn toàn trước khi người khách T.B.A (hay Lợi) trả về cho cửa hàng. Rõ ràng, những bằng chứng mà CellphoneS công bố tỏ ra xác đáng hơn nhiều so với khách hàng của họ là Anh Lợi hay T.B.A.

CellphoneS cũng khẳng định hình thức mua iPhone mới, đổi lại main chết để có thể quay lại đem bảo hành không mới. Lợi dụng chính sách đảm bảo hàng nguyên zin, các thợ sửa chữa đã trục lợi từ hình thức này. Bởi vậy, rất nhiều các cửa hàng họ ko bảo hành trường hợp máy không lên nguồn/treo táo hoặc họ sẽ phải mở máy ra trước mặt khách để kiểm tra imei/series trên main với trên vỏ và hoá đơn mua hàng. Từ đó máy sẽ không còn khái niệm nguyên zin nữa, đây thực sự là một cái khó cho những thương gia tại thị trường xách tay.

Để làm rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã tìm đến những cửa hàng uy tín trên địa bàn Hà Nội và hầu hết đồng ý với những nhận định từ CellphoneS về trường hợp này.

Theo anh N., quản lý một cửa hàng tại Xã Đàn cho biết: “Trường hợp thay main rồi quay lại đổi bảo hành bên mình hiếm khi gặp, nhưng không phải là không có. Đối với trường hợp của CellphoneS lại càng có khả năng cao khi đối tượng là nhân viên kỹ thuật cũ, nắm được nhiều sơ hở của cửa hàng để khai thác nhằm trục lợi.”

Khi được hỏi về việc thay main sẽ ảnh hưởng đến tem trên ốc, anh N. cho biết thêm “Tem có nhiều loại, thông thường tem gắn trên ốc là loại tem vỡ. Đối với loại tem này, thợ sửa chữa chỉ cần hơ nóng bằng máy sấy, máy khò, tem sẽ rơi ra và sau đó có thể gắn lại một cách dễ dàng.”

"Trường hợp máy thay main rồi quay lại trả bảo hành như CellphoneS thì mình chưa từng gặp bởi chế độ, chính sách bảo hành cũng như quản lý imei, tem rất chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu đối tượng là người am hiểu cửa hàng, kỹ thuật thay thế linh kiện iPhone thì hoàn toàn có thể xảy ra." Anh T, đại diện chuỗi cửa hàng điện thoại lớn tại Thủ đô cho biết.

Điều đáng nói ở đây là khách hàng này đang nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trên cả nước bởi họ luôn bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Song, trên thực tế, mọi việc không bao giờ được kết luận từ một chiều, nếu những thông tin CellphoneS đưa ra là hoàn toàn chính xác thì chính chúng ta trở thành những kẻ phá hoại thương hiệu vốn có uy tín trên thị trường, đồng thời tiếp tay cho kẻ xấu và ngược lại, chúng ta đang bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Sự việc chưa được làm sáng tỏ, vẫn chưa thể kết luận được một cách chính xác ai đúng, ai sai trong trường hợp này. Người dùng cần phải chờ đợi những kết quả từ các cơ quan chức năng khi CellphoneS đã nhờ họ giúp đỡ để biết được những bình luận, lý lẽ của họ đã ảnh hưởng như thế nào đến đôi bên.

 

Thực hư quanh chuyện CellphoneS bị tố lừa đảo, từ chối bảo hành

(Techz.vn) Lời tố cáo hệ thống cửa hàng CellphoneS trốn bảo hành đã làm nóng cộng đồng mạng trong suốt vài ngày qua. Vậy đâu là thực hư xung quanh câu chuyện này? CellphoneS là nạn nhân hay thủ phạm?