Chiến lược Marketing nhỏ giọt trước ngày ra mắt
Thực ra chiến lược này đã được Apple áp dụng rất thành công trước khi ra mắt các phiên bản iPhone bằng cách dưa thông tin nhỏ giọt và úp mở trên các phương tiện truyền thông, nhưng BKAV lại bổ sung thêm một chút hương vị bằng cách thêm vào những phát ngôn gây sốc của mình như :
- “Đây là một chiếc điện thoại đẹp nhất nhì thế giới”
- “Bphone đẹp và cá tính hơn iPhone 6″ -> chọc tức fan của iPhone để gây tranh cãi & thu hút sự chú ý.
- “Smartphone của Samsung có chất lượng phần cứng bình thường, phần mềm mở nhưng không đủ tinh tế” -> fan samsung nghe là “nóng máu” rồi.
“- Bphone có chất lượng âm thanh hàng đầu thế giới”.
- So sánh chất lượng âm thanh với iPhone 6 trong 1 video để viral trên Youtube.
Đây là một chiến lược rất thành công khi thu hút sự quan tâm bước đầu về chiếc điện thoại Bphone mới toanh trên thị trường.
Tất nhiên trong giai đoạn này sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng của chiếc điện thoại này, nhưng do sản phẩm chưa ra mắt nên mọi tranh cãi chưa cần có sự can thiệp sâu của Seeder (người gieo mầm dư luận như hiệu ứng cánh bướm) để lèo lái dư luận với những chiến lược quan trọng trong phần tiếp theo.
Buổi ra mắt Bphone hoành tráng
Có thể nói chưa từng có một sản phẩm điện thoại nào của Việt Nam có buổi ra mắt hoành tráng như Bphone, từ chiếc thiệp mời đậm chất công nghệ với chất liệu bằng nhôm nguyên khối được xử lý bề mặt màu vàng gold tinh tế với chi phí lên đến cả trăm triệu cho 2000 khách mời. Chỉ với 1 tấm thiệp và sự tận tình trong cách mời mà BKAV đã làm người dùng tin tưởng và kỳ vọng hơn về chiếc Bphone thực sự cao cấp.
Buổi ra mắt vào ngày 26/5/2015 là một buổi thực sự hoành tráng với rất đông các phóng viên tham dự và được tường thuật trực tiếp trên Youtube và các trang báo điện tử hàng đầu.
Nhưng mọi người đã không được như kỳ vọng khi các tính năng và cấu hình của chiếc Bphone không có gì mới mẻ và đặc sắc so với các tên tuổi đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhưng Bphone thực sự rất xuất sắc trong lĩnh vực thu hút dư luận khi Mr.Quảng (hay còn gọi là “Quảng Nổ” ???? ) đã có phong cách trình bày gây sốc với sự lặp đi lặp lại của câu “Thật không thể tin nổi“, “Thật tuyệt vời” để “tâng bốc” chiếc điện thoại Bphone không có gì đặc sắc.
Nhưng có lẽ như vậy cũng chưa đủ để anh hài lòng về sự bùng nổ của Bphone bằng phong cách trình bày rất “tự tin” của mình. Để thêm hiệu ứng lan truyền hơn nữa, anh đã cố tình đưa vào “những hạ sạn không đáng có” như:
Hình ảnh được sử dụng giới thiệu tính năng chụp trước lấy nét sau của Bphone (Hình 1)
Hình ảnh giới thiệu tính năng cân bằng sáng tối nhanh chóng bị phát hiện lỗi. (Hình 2)
Sai thông số kỹ thuật của Camera trước và sau của Bphone (Hình 3)
Hình 1 là giới thiệu tính năng chụp trước lấy nét sau của Bphone nhưng lại được phát hiện ra là lấy hình của một bài báo trên mạng để chỉnh sửa bằng Photoshop.
Hình 2 giới thiệu tính năng cân bằng sáng tối của Bphone nhưng lại khác biệt quá thô giữa thực tế và hình ảnh có trong camera của Bphone.
Và cuối cùng là lỗi hết sức “ngớ ngẩn” (nhưng thực ra chẳng ngớ ngẩn chút nào) khi ghi sai thông số của camera trước và sau trong slide giới thiệu Bphone.
Ngoài ra BKAV còn gây sốc bằng cách so sánh trực tiếp Bphone với 2 “ông lớn” là iPhone và Samsung về cấu hình và tính năng sản phẩm, mặc dù họ biết chắc là có khả năng bị phạt vì vi phạm “Điều 109 Luật Thương mại 2005″ quy định về các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
“Nếu sản phẩm của bạn không có tính cạnh tranh cao thì hãy dùng phương thức marketing gây sốc để thu hút dư luận“
Với một buổi ra mắt hoành tráng với chi phí dự tính lên đến hàng tỷ đồng như vậy thì những lỗi như vậy rất khó xảy ra nếu không cố tình, và khoản tiền phạt nếu có cũng không đáng so với chi phí thực tế bỏ ra và hiệu quả thu hút dư luận của nó.
Có lẽ nếu dư luận không “bóc mẽ” các “hạt sạn không đáng có” này của BKAV, thì đội Seeder cũng sẽ “bóc mẽ” và lan truyền trên Internet để tạo hiệu ứng “thích chửi” để thu hút dư luận.
Và anh Quảng đã thu được kết quả ngoài mong đợi về sự bùng nổ của dư luận về chiếc Bphone của mình, trên mạng xã hội Facebook, trên các tờ báo, các blog đều nói về Bphone (cả mặt tốt lẫn mặt xấu, mà xấu thì nhiều hơn như đúng kế hoạch của BKAV), và câu nói của anh “Thật không thể tin được” trở thành “bất hủ” trong những ngày qua ????
Nhiệm vụ quan trọng của bộ phận PR và đội ngũ Seeder
Vai trò của anh Quảng và các nhân vật chủ chốt trong buổi thuyết trình ra mắt sản phẩm đã xong, và họ đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong việc “gây sốc” và thu hút dư luận vào những tuyên bố của mình.
Tiếp theo là công việc của phòng PR và đội ngũ Seeder nhằm thổi bùng lên ngọn lửa đang cháy từ buổi thuyết trình gây ra.
Có lẽ thuê báo để nói móc BKAV thì không cần nhiều vì thực tế vốn sẵn gây ra như vậy, nhiệm vụ chính của bộ phận PR lúc này sẽ là lèo lái dư luận sang một hướng khác. Họ sẽ viết bài trên các báo uy tín, các blogger nổi tiếng để nói về mặt tốt của sản phẩm Bphone cũng như niềm tự hào về 1 sản phẩm điện thoại đầu tiên của người Việt (đó là họ nói vậy, chứ trước Bphone đã có rất nhiều điện thoại thương hiệu Việt ra đời rồi, có điều không thu hút được như Bphone).
Đội Seeder có vai trò còn quan trọng hơn. Họ sẽ share trên Facebook, comment trên các bài viết về Bphone để gây lòng tự hào về 1 sản phẩm điện thoại đầu tiên của người Việt, nói những ý kiến chê bai khác là dìm hàng, là không yêu nước (???), là tôi chắc chắn sẽ ủng hộ và mua 1 chiếc.
Có thể lúc đầu những ý kiến chê bai về sự “nổ” của BKAV lấn át các ý kiến ủng hộ, nhưng với cách lèo lái dư luận về việc dìm hàng, về lòng tự hào dân tộc Việt, so sánh với vụ dìm hàng của Flappy Bird,… đã dần lật ngược thế cờ cho đến hiện tại do nắm bắt được tâm lý và hiệu ứng đám đông.
Kết luận
Bài học chúng ta có thể rút ra từ Bphone là : “Nếu sản phẩm của bạn không có tính cạnh tranh cao thì hãy dùng phương thức marketing gây sốc để thu hút dư luận“.
Mr.Quảng là một người thực sự thông minh và liều lĩnh khi chơi một ván cờ như vậy, và có thể đoán anh đã quan sát và học tập rất nhiều từ Apple trong mọi phương diện. Điều anh thực sự làm rất tốt bây giờ là đã xuất sắc thu hút được sự chú ý của dư luận và dần chuyển những quan điểm tiêu cực về Bphone thành những quan điểm tích cực thông qua sự nỗ lực của PR và Seeder.
Thông số thể hiện lượng tương tác với từ khóa BPhone.
Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu khá thành công trong một chặng đường dài với nhiều điều đang đợi chờ Bphone phía trước :
- Chuyển hoá sự quan tâm của dư luận thành doanh số bán hàng,
- Tập trung cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường và theo kịp chất lượng sản phẩm của 2 người khổng lồ là Apple và SamSung như anh đã “nổ” khi so sánh với họ,
- Chuyển biến nhiều hơn nữa những quan điểm tiêu cực thành tích cực thông qua những chiêu thức tiếp thị trong tương lai : chế độ chăm sóc khách hàng, chế độ bảo hành và đổi trả sản phẩm, những chương trình về cộng đồng,….
Riêng quan điểm của mình thì một sản phẩm thương mại vẫn chỉ là thương mại, tất cả đều quy ra tiền, tôi phải có được một giá trị (vô hình hay hữu hình) bằng hoặc cao hơn số tiền bỏ ra thì lúc đó bạn mới có thể “thò tay vào ví tiền của tôi”.
Chỉ những doanh nghiệp thực sự tôn trọng mồ hôi công sức (tiền lương) của khách hàng phải bỏ ra để mua sản phẩm của mình thì lúc đó họ mới thực sự có tâm và đạo đức kinh doanh để liên tục cải tiến và cho ra những sản phẩm chất lượng cao, đó mới thực sự là một doanh nghiệp tốt, một thương hiệu tốt mà chúng ta cần trao niềm tin
Nguyễn Minh
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.