Nếu như ở những năm trước đây, Trung Quốc được coi là một mảnh đất màu mỡ đối với Samsung và các hãng điện thoại tầm trung như HTC hay Lenovo thì đến thời điểm này, thị phần di động tại Trung Quốc đã trở thành cuộc chiến riêng của Apple và những nhà sản xuất smartphone nội đia.
Từ vị trí của một kẻ nằm ngoài top 3, chỉ sau một thời gian ngắn, Apple đã trở thành doanh nghiệp nắm giữ vị trí số 1 với việc chiếm đến 14,7% về mặt thị phần. Sự thành công một cách chớp nhoáng của Apple và sự gục ngã đầy bất ngờ của Samsung khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về điều gì đã và đang diễn ra tại thị trường di động Trung Quốc. Hơn tất thảy mọi lý do, chiến lược chuyển hướng trọng tâm sang thị trường Trung Hoa của Tim Cook có lẽ là đáp án hợp lý nhất cho câu trả lời này.
Top 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại Trung Quốc tính đến thời điểm Q1/2015.
Chỉ cần là một người thường xuyên theo dõi các tin tức về công nghệ, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra kể từ thời điểm đầu năm 2015, tần suất xuất hiện của cặp từ khóa Trung Quốc và Apple tăng lên rất nhiều lần trên khắp các mặt báo.
Ngay từ tháng 1 của năm 2015, Apple đã cho thấy tầm ảnh hưởng của mình lên thị trường điện thoại Trung Hoa với sự xuất hiện của cửa hiệu Apple Store lớn nhất châu Á. Cửa hiệu Apple Store đặt tại Hàng Châu cũng là cửa hiệu Apple Store thứ 20 của Apple tại thị trường quốc gia đông dân nhất thế giới này
Lượng người sử dụng smartphone tại đây là rất lớn, nhưng nếu so với hơn 1,3 tỷ dân của họ, con số này vẫn chẳng là gì.
Bên cạnh chiến dịch truyền thông được quảng cáo rầm rộ, nhiều dòng Tweet về sự kiện này cũng được đăng tải trên trang Twitter cá nhân của Tim Cook, một người vốn kiệm lời. Cùng với đó là những câu nói đầy ẩn ý về việc sẽ mở thêm khoảng 25 cửa hàng Apple Store nữa tại quốc gia này (tức là gấp đôi con số hiện tại) trong khoảng thời gian từ nay cho đến hết năm 2016.
Cảnh người nằm xếp hàng la liệt trong buổi lễ khai trương cửa hàng Apple Store lớn nhất châu Á tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Không phải đơn giản khi Apple chuyển hướng trọng tâm của mình sang thị trường một quốc gia đang trong giai đoạn nóng nhất về phát triển như Trung Quốc. Sẽ là sai lầm lớn nếu một nhà phát triển các sản phẩm điện thoại thông minh lại bỏ qua một thị trường béo bở và tiềm năng như quốc gia này.
Theo những con số thống kê, dù tỷ lệ sở hữu tỷ lệ điện thoại di động trên đầu người ở Trung Quốc ở mức khá cao, thế nhưng với phần lớn người dân tại quốc gia này, smartphone vẫn còn là một khái niệm gì đó rất xa xỉ. Lượng người sử dụng smartphone tại đây là rất lớn, nhưng nếu so với hơn 1,3 tỷ dân của họ, con số này vẫn chẳng là gì.
Biểu đồ cho thấy lượng người sử dụng smartphone trên tổng số các thuê bao của 3 nhà mạng hàng đầu Trung Quốc
Tính đến hết năm 2014, lượng người sử dụng smartphone tại Trung Quốc chỉ chiếm 34% tại China Mobile, 62% tại China Unicom và China Telecom, 3 nhà mạng viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa, còn rất nhiều người cần đến sản phẩm của các nhà sản xuất thiết bị viễn thông. Và đây là món hời béo bở đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào có thể sở hữu nó.
Đa phần người Trung Quốc ưa thích các mặt hàng có giá rẻ tiền, tuy nhiên không vì thế mà có thể bỏ qua một lượng lớn tầng lớp nhà giàu mới nổi tại quốc gia này. Cái sĩ diện của người Trung Hoa cùng bản tính chơi ngông của những gã trọc phú, tất cả tạo nên một môi trường hoàn hảo cho những loại hàng hóa được người dân châu Á xếp vào dòng xa xỉ phẩm như các sản phẩm của Apple.
Có thể thấy rõ ràng nhất điều này thông qua các bài báo viết về những đám cưới xa xỉ ở Trung Quốc, khi mà những chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất được dùng làm quà tặng nhằm thể hiện độ chịu chơi và phú quý của chủ nhân.
Sức hút của một sản phẩm gắn mác xa xỉ, sự đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm cùng việc xuất hiện của những chiếc smartphone màn hình lớn vốn là sự lựa chọn ưa thích của người dân Trung Hoa, tất cả điều đó đã phần nào khiến Apple làm giới tiêu dùng cao cấp tại Trung Quốc quên đi ngay lập tức các sản phẩm của Samsung.
Cái sĩ diện của người Trung Hoa cùng bản tính chơi ngông của những gã trọc phú, tất cả tạo nên một môi trường hoàn hảo cho những loại hàng hóa được người dân châu Á xếp vào dòng xa xỉ phẩm như các sản phẩm của Apple.
Đó là về phía Apple, còn đối với các nhà sản xuất nội địa như Xiaomi hay Huawei, với lợi thế sẵn có về tư liệu sản xuất, nguồn nhân công giá rẻ cùng dòng tiền khổng lồ được bơm rót âm thầm từ phía chính phủ, người Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể chỉ là khán giá trên sân nhà.
Nắm được Trung Quốc không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất smartphone nội địa có thể trở thành những thế lực lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc có một thị phần chắc chắn tại quốc gia này đồng nghĩa với một suất nằm trong top 10 các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.
Xiaomi là nhà sản xuất smartphone với lượng tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc. Công ty này được ví von như một Apple của quốc gia này trong tương lai không xa.
Khi mà khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc vẫn còn rất lớn, một người trong số họ bỏ tiền ra để sở hữu một chiếc điện thoại cao cấp như iPhone, chắc chắn sẽ có 5 6 người khác tự hài lòng với một chiếc smartphone giá rẻ. Và đây cũng là những gì mà các nhà sản xuất nội địa tại quốc gia này hướng đến và mong chờ.
Xiaomi đang dần bước đi trên con đường trở thành một Apple của Trung Hoa, Huawei cũng đang cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc với vị trí thứ 3 tại thị trường di động trong nước. Sự cân bằng giữa các dòng sản phẩm giá rẻ cùng một nhãn hàng cao cấp, tất cả đã làm nên bức tranh tương phản của thị trường di động Trung Quốc năm 2015, nơi mà rất nhiều triệu phú đang bắt đầu nổi lên, nhưng khoảng cách về giàu nghèo vẫn còn rất lớn.