Đúng 16h ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo quốc tế về việc TQ đưa giàn khoan xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.
Chủ trì buổi họp báo là ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, còn có ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh CSBVN; ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục Kiểm Ngư; ông Lê Hải Bình, Quyền vụ trưởng Vụ thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao).
Các tàu của Trung Quốc hung hãn đâm tàu của CSBVN
Tại buổi họp báo, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh CSBVN đã cho biết, tình hình tại hiện trường hiện giờ rất căng thẳng. Số lượng tàu Trung Quốc hiện đang hoạt động trong vùng biển, đặc quyền KT của Việt Nam tính đến ngày 7/5 là 80 tàu. Trong đó, có nhiều tàu quân sự, được trang bị vũ khí. Nhiều tàu, tháp pháo được mở ra trong trạng thái sẵn sàng nổ súng. Trong khi đó, phía Việt Nam chỉ có những tàu CSB nhỏ, và VN vẫn thiện chí dùng loa thông báo việc dàn khoan và nhiều tàu TQ vi phạm chủ quyền của VN, yêu cầu tàu TQ rút khỏi vùng biển của VN.
Thế nhưng, đáp lại thiện chí đó, phía TQ hung hăng cho tàu đâm thẳng vào tàu của CSBVN. Mặc dù, tàu của ta đã đánh lái để tránh những hành động khiêu khích của TQ nhưng tàu TQ vẫn đuổi theo và đâm hỏng nhiều tàu của VN. Cụ thể, tàu Cảnh sát biển 4033 của Việt Nam bị tàu Trung quốc đâm trực diện, khiến tàu bị hư hỏng nặng. Mũi tàu Trung Quốc găm vào tàu CSBVN. hỏng các thiết bị trên mặt boong, các thiết bị trên tàu bị vỡ, văng vào các chiến sĩ gây thương tích.
Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển của Việt Nam:
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao cho biết, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Ông cho biết thêm, số lượng tàu của Trung Quốc hiện đang hoạt động trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của VN là 80 tàu, và số lượng đang tăng lên hằng ngày. Đặc biệt, trong đó có cả tàu quân sự.
Những ngày gần đây dư luận trong nước và thế giới hết sức quan tâm đến sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 thuộc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ra hoạt động tại tọa độ 15 0 29’N/111 0 12’E bắt đầu từ ngày 2/5 đến nay.
Đối chiếu theo tọa độ trên thì giàn khoan HD 981 đã xâm phạm vào Lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.Việc làm này của CNOOC rõ ràng là đã đi ngược lại tinh thần hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Thế nhưng, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục cho một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Họ cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực HD 981 hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý, nay đã tăng lên 3 hải lý.
Đọc thêm: Trang bị khủng trên 2 chiến hạm Gepard mới của Hải quân Việt Nam