Điện thoại

Smartphone – Sẽ chẳng cần phải đẹp!?

Flagship hay còn được gọi là dòng sản phẩm chủ lực. Cứ mỗi giai đoạn, các hãng điện thoại sẽ cho ra mắt một flagship gom tất cả tinh hoa, mang nét đặt trưng nhất, tốt nhất, tinh túy nhất. Họ xem đây là con bài chiến lượt quyết định phần lớn doanh thu, cũng như là bản mẫu khẳng định giá trị thương hiệu.

Vì là một flagship nên các đòi hỏi của nó cũng sẽ rất khắc khe. Cấu hình phần cứng phải cao cấp. Hiệu năng phải mạnh, sử dụng mượt mà. Thiết kế phải sang trọng, ấn tượng hoặc cá tính. Ngoài ra còn bao gồm các giá trị gia tăng như chống được nước, chịu va đập… Và cuối cùng sẽ là thương hiệu.

Ở góc độ người dùng, khi chọn mua sản phẩm, yếu tố đầu tiên chắc hẳn sẽ là thương hiệu. Tiếp đến là thiết kế. Lần lượt sau đó sẽ là phần cứng ra sao, tính năng hỗ trợ thế nào… Nhưng thật sự có đúng như vậy?

 

Flagship – Át chủ bài của từng hãng

Tạm bỏ yếu tố về thương hiệu vốn không thể thay đổi và phần cứng vốn đã bão hòa vài năm gần đây, thiết kế luôn là điều làm người dùng phải đắn do suy nghĩ. Chúng ta hãy cùng soi kỹ 5 hãng điện thoại lớn hiện nay mà flagship của họ luôn là chủ đề nóng, nhận được sự chờ đợi và hy vọng bởi khách hàng lẫn các chuyên gia công nghệ, gồm: Apple, Samsung, Sony, HTC và LG. Nokia một cựu vương của làng di động vốn không được liệt kê bởi vài năm gần đây các sản phẩm của họ không mấy đột phá về thiết kế mà nghiên hẳn sang chất lượng gia công. 

Mẫu iPhone đầu tiên được xem là tạo ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng thiết kế của thị trường smartphone

Quay lại với top 5, nhắc một chút về quá khứ của từng hãng. Nổi bật và dễ nhận ra là Apple với thế hệ iPhone. Phiên bản đầu tiên của chiếc smartphone này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường di động, và đến mấy năm sau  các hãng khác mới có thể tung các sản phẩm có thiết kế đánh giá gần ngang bằng. Hai năm sau, Apple tiếp tục tung ra iPhone 4 với ngôn ngữ thiết kế bo tròn các cạnh và khung kim loại chạy viền quanh máy đặt giữa 2 lớp kính trên và dưới. Đây được xem là thiết kế gây "bão, củng cố thêm vị trí của hãng trong lòng người hâm mộ, đúng theo cái thông điệp "Think different" - nghĩ khác đi.

Với Samsung dòng sản phẩm Galaxy chủ lực giúp họ có được vị thế là nhà sản xuất smartphone Android đứng đầu, và là một trong hai hãng điện thoại có thị phần lớn nhất thế giới. Hiện dòng flagship này với cái tên Galaxy S5 đang được nhắc đến nhiều, nhưng Galaxy S2 mới là sản phẩm được đánh giá là có thiết kế đẹp nhất. Mẫu smartphone này có thiết kế khác biệt so với hầu hết smartphone cùng thời, với bốn góc vuông, mỏng nhẹ.

Sony vốn là một công ty nổi bật về phong cách thiết kế sang trọng, rất riêng, không sao chép. Dòng flagship của hãng mang tên Xperia luôn được đánh giá cao và ngày càng hoàn thiện. Điển hình là từ Xperia S, L, P sang Xperia Z là một bước đột phá của ngôn ngữ thiết kế, phong cách "OmniBalance". Đây cũng là ngôn ngữ được hãng áp dụng cho các dòng sản phẩm cao cấp của họ, từ Xperia Z trở đi và một số dòng xperia trung cấp sau này. Ngay khi Xperia Z vừa ra mắt người dùng có thể liên tưởng ngay đến iPhone 4 vì chi tiết 2 mặt kính. Nhưng do chất lượng gia công quá hoàn hảo, Sony hầu như không bị người dùng quay mặt hoặc châm chọc như một kẻ tội đồ, sao chép thiết kế như Galaxy với iPhone 3G, mà còn nhận được sự tán thưởng của người dùng lẫn các chuyên gia.

Các phiển bản Xperia gần đây luôn được đánh giá cao về thiết kế

LG và HTC có lẽ là hai cái tên gây nhiều ngỡ ngàng nhất. Không có quá nhiều quan tâm rằng LG là ai. Thậm chí thị trường cũng chỉ biết đến LG qua cái định kiến là một hãng sản xuất điện thoại cũng có tiếng,  có một số mẫu điện thoại cảm ứng hay hay lạ lạ, với flagship là dòng Optimus. Ít nhất bạn đã từng nghe về Optimus G với thiết kế cứng cáp, nhỏ nhắn, không quá hầm hố như Xperia hay GALAXY nhưng cũng không quá nhỏ như iPhone, mặt sau cũng được làm bằng kính và có khắc vân chìm 3D sang trọng. Hay chiếc Optimus 2 camera chụp ảnh 3D…

HTC còn xuất hiện với tần số ít hơn. Mặc dù được thị trường chấp nhận nhưng chỉ lâu lâu được nhắc đến kèm giao diện Sense màu mè làm điểm nhấn.  Hãng smartphone xứ Đài này có chút rắc rối về tên gọi vì sự ra mắt tràn lan các mẫu điện thoại, tiếp thị hỗn loạn. Thậm chí có thể nói có thời điểm mà cả người quan tâm đặt biệt về HTC cũng không nắm bắt rõ chứ đừng nói đến người dùng phổ thông. Cuối cùng HTC cũng nhận ra được sai lầm và cho ra mắt HTC OneX, sản phẩm flagship được đánh giá cao, nổi bật bởi thông số phẩn cứng, thiết kế nguyên khối dạng uốn cong chắc chắn, gây được không ít tiếng vang.

 

Chân dung flagship

Đánh giá khách quan thì hiện chỉ 3 hãng là giữ được “lửa” là Sony, LG và HTC.

Ví dụ như sản phẩm Z1 kế thừa từ Xperia Z được đánh giá là “biết lắng nghe người dùng”, nâng cấp chất lượng gia công, vốn đã tốt nay còn tốt. LG thì có G2 với thiết kế khác hoàn toàn so với LG Optimus G. Không còn lớp kính sang trọng mà quay về với nhựa, nhưng lại mang toàn bộ phím cứng ra mặt sau máy. Thiết kế có vẻ lạ và độc này khiến viền màn hình G2 trở nên siêu mỏng, đẹp đến nỗi đây cũng được xem là tiên phong mở đầu cho trào lưu "viền càng mỏng càng đẹp".

HTC cũng lột xác hoàn toàn với HTC One M7 được thay đổi toàn diện về thiết kế. Chất liệu nhựa tổng hợp cũng được chuyển sang kim loại cứng cáp đã nâng tầm sản phẩm lên một đẳng cấp hoàn toàn mới, xứng đáng với danh hiệu smartphone tốt nhất 2013.

One M7 - Chiếc smartphone đầy tự hào của HTC

Về phương diện thiết kế, từ sau iPhone 4/4S, Apple không làm được gì nhiều đối với các sản phẩm kế nhiệm là iPhone 5/5S dù được bỏ vào rất nhiều tính năng mới, nâng cấp phần cứng. Thậm chí bản 5C còn được xem là thất bại lớn nhất của táo. Nhìn chung các thế hệ iPhone sau này không tạo nên khác biệt rõ thấy với 4/4S ngoài việc thay đổi chất liệu từ kính sang kim loại, kéo dài màn hình và thêm một màu mới.

Còn Samsung, sau Galaxy S2, phiên bản S3 được xem là thất bại không hề nhẹ khi thay đổi thiết kế của máy trở nên ẻo lả, kém hấp dẫn dù được PR với hình mẫu trong mơ là lấy thiết kế từ thiên nhiên. Galaxy S4 tiếp theo với sự kỳ vọng lấy lại được phong độ cũng khiến fan sụp đổ khi không khác gì S3 ngoài màn hình lớn hơn. Ngay cả sản phẩm mới ra mắt S5 cũng không khác mấy khi bị người dùng “ném đá” thẳng thừng vì thiết kế không mấy thay đổi.

 

Song, có những diễn biến phức tạp

Có vẻ như kết quả đã quá rõ ràng khi sự thất vọng hướng hoàn toàn vào SamSung và Apple. Nhưng thật sự kết quả kinh doanh, doanh thu, lãi ròng, phầm trăm thị trường lại đi ngược với những gì mà thành tựu thiết kế mang lại.

Nhắc đến Samsung, đến dòng Galaxy, dường như S2 sẽ mãi là tâm điểm

Apple và Samsung vẫn chiễm chệ ngồi trên, chia đều 2 vị trí đứng đầu. Còn LG, HTC và Sony thì nằm “chiếu dưới”, vật lộn để tồn tại. LG dù rất cố gắng với LG optimus G và G2, có doanh số bán ra vượt quá kỳ vọng nhưng cũng không đủ giúp LG rút ngắn khoảng cách so với Samsung, Apple.

Thê thảm hơn là Sony khi mới phải bán cả trụ sở chính của mình để rồi thuê lại, lấy vốn để tiếp tục đầu tư, dù doanh số game console PS4 khá tốt cho Sony nhưng vẫn không đủ bù lỗ. Mặt khác, Sony “cắn răng” bán đi Vaio với thông báo muốn tập trung toàn bộ cho Xperia gây nhiều nuối tiếc cho giới công nghệ.

HTC tiếp tục báo lỗ dù trước đó, chiếc smartphone tốt nhất 2013 HTC One M7 gây được tiếng vang, tung hô bởi các nhà chuyên môn. Doanh số 5 triệu máy được tiêu thụ trong tháng đầu tiên của họ thật ra chẳng nhằm nhò so với 10 triệu máy S4 được tiêu thụ dù thiết kế S4 bị "ném đá" tà tơi.

Có thể nói tuy thiết kế gây nhàm chán thất vọng, nhưng doanh thu thì lại khiến 3 nhà sản xuất còn lại phải thèm thuồng. Phải chăng người tiêu dùng không còn mấy quan trọng đến thiết kế của sản phẩm ? Thay vào đó họ quan tâm đến những yếu tố khác nhiều hơn? Giá trị thương hiệu đã ăn sâu vào ý nghĩ? Và sự PR quá tốt, cái hào nhoáng về phần cứng mới là yếu tố quyết định?

Vương Bảo