Nhịp sống số

Ruồi cũng nốc rượu khi thất tình

BBC đưa tin các nhà nghiên cứu của Đại học California tại Mỹ thực hiện một thử nghiệm để tìm hiểu vai trò của chất cồn đối với đời sống tình dục của ruồi ăn quả. Nhóm nghiên cứu đưa nhiều ruồi đực cùng 5 ruồi cái vào một hộp. Trong một hộp khác, những con ruồi đực bị nhốt cùng 5 ruồi cái vừa giao phối. Ruồi cái chưa giao phối sẵn sàng chấp nhận đề nghị ân ái của ruồi đực, còn ruồi cái đã giao phối sẽ từ chối.

Các chuyên gia đưa vào mỗi hộp hai loại thức ăn, trong đó một loại được tẩm rượu có nồng độ cồn 15%.

Kết quả cho thấy những con đực vừa giao phối với ruồi cái chọn thức ăn thường, còn những con không được giao phối chọn thức ăn có rượu.

Sau khi phân tích thành phần hóa chất trong não những con ruồi chọn thức ăn được tẩm rượu, nhóm nghiên cứu phát hiện một hợp chất thúc đẩy hành vi tìm kiếm chất cồn của ruồi đực. Đó là neuropeptide F (NPF). Nồng độ NPF của những con ruồi đực đã giao phối cao hơn so với những con không được ân ái.

Để chứng minh NPF thực sự điều khiển hành vi lựa chọn hoặc từ chối chất cồn, nhóm nghiên cứu điều chỉnh lượng NPF trong não một số ruồi đực. Họ nhận thấy sau khi nồng độ NPF giảm, ruồi chọn thức ăn có rượu. Ngược lại, chúng chọn thức ăn thường khi nồng độ NPF tăng.

“Chúng tôi nghĩ rằng não của ruồi và các loài động vật khác, bao gồm con người, có một hệ thống nào đó có khả năng kiểm soát cảm giác hưng phấn. Khi mức độ hưng phấn giảm, động vật phải thực hiện một số hành vi nhất định để phục hồi”, tiến sĩ Galit Shohat-Ophir, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Nhóm nghiên cứu dự đoán kết quả thử nghiệm của họ có thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về hành vi nghiện rượu, bia ở người. Chúng ta có neuropeptide Y (NPY) – một hóa chất có vai trò tương tự NPF ở ruồi. NPY điều khiển những hành vi tiêu cực như uống rượu nhiều, sử dụng ma túy.

“Nếu chúng ta chứng minh được rằng NPY là chất khiến con người lạm dụng rượu và ma túy khi họ cảm thấy buồn hay thất vọng, các chuyên gia y tế có thể nghĩ ra các biện pháp trị liệu nhằm ngăn chặn tác dụng của NPY”, giáo sư Ulrike Heberlein, giảng viên bộ môn Giải phẫu và Thần kinh của Đại học California, nhận định.

Heberlein cho biết, bà và các cộng sự đang thử nghiệm NPY để xem hóa chất này có khả năng làm giảm mức độ căng thẳng, chán nản và những dạng rối loạn tâm trạng khác hay không.
 
Theo kh.com.vn