Nhịp sống số

Khám phá công nghệ chống nói dối: Sát thủ thế giới ngầm

Khám phá công nghệ chống nói dối: Sát thủ thế giới ngầm
Hơn 15 năm qua, Robert Hanssen đã sống 2 cuộc đời. Một, ông là một sĩ quan đã về hưu của FBI, nơi mà ông có thể truy cập vào một số thông tin thuộc dạng bí mật quốc gia. Cuộc đời kia, ông là gián điệp cho chính phủ Nga. Sự dối trá của Hanssen cuối cùng cũng bị phát hiện vào tháng 2/2001, ông bị bắt và buộc tội có liên quan tới 15 điệp vụ khác. Điệp viên là những người nói dối giỏi nhất, vì công việc họ phải làm như vậy, và chúng ta cũng có lúc lừa dối người khác, ngay cả khi đơn giản chỉ là một lời khen cho mái tóc rối bù “tôi thấy đẹp đấy chứ”.
 
Người ta nói dối vì nhiều nguyên nhân. Bình thường, nói dối giúp ta không gặp vấn đề với luật pháp, với ông chủ hay nhà cầm quyền. Đôi lúc bạn có thể phát hiện được ai đang nói dối, nhưng điều đó thật sự không dễ dàng chút nào. Polygraphs, thường được nhắc đến là “máy phát hiện nói dối” – lie detector – là một thiết bị ghi lại những phản ứng sinh lý của cơ thể. Không như tên của nó, thiết bị này không phát hiện được ai đang nói dối, nó chỉ phát hiện những hành vi giống-như-khi-đang-nói-dối được thể hiện ra.
 

 
Bạn có tin rằng bạn có thể đánh lừa được chiếc máy và người kiểm tra không? Trong bài viết này, bạn sẽ biết được chiếc máy hoạt động như thế nào, một cuộc kiểm tra sẽ diễn ra như thế nào, và tất nhiên, các cách để đánh lừa nó.
 
Một chiếc máy polygraph đơn thuần là sự tổng hợp của các thiết bị y học dùng để đo dấu hiệu sinh tồn của con người. Khi đối tượng bị hỏi về một vấn đề nào đó, người kiểm tra sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và độ dẫn điện của da – electro-dermal activity (cũng là sự tiết mồ hôi, cụ thể trường hợp này là ở đầu ngón tay) so với mức độ bình thường. Sự thay đổi có thể do đối tượng đang nói dối, nhưng kết quả còn phụ thuộc vào người kiểm tra.
 

 
Máy polygraph thường được sử dụng trong điều tra tội phạm, nhưng ngoài ra còn được sử dụng với nhiều mục đich khác. Người ta có thể sử dụng chiếc máy này với bạn trước khi bạn đi xin việc: nhiều chính phủ, các cơ quan bí mật sẽ yêu cầu bạn trải qua cuộc kiểm tra với chiếc máy polygraph khi tuyển chọn.
 
Cuộc kiểm tra với chiếc máy polygraph được thiết kế để theo dõi các đáp ứng không tự chủ khi đối tượng bị hỏi rơi vào trạng thái stress, ví dụ như stress khi nói dối. Chiếc máy không thể chỉ ra được chính xác ai đang nói dối, theo Dr. Bob Lee, nguyên chủ tịch của Axciton Systems, một công ty chuyên sản xuất máy polygraph. Dù sao thì ngoài ra cũng có rất nhiều đáp ứng sinh lý khác của cơ thể khi chúng ta lừa dối một ai đó, do vậy qua việc đặt ra các câu hỏi cho đối tượng và quan sát sự thay đổi sắc thái của họ, người kiểm tra có thể xác định xem đối tượng có đang nói dối hay không.
 
Chiếc máy Polygraph
 
Chiếc máy polygraph đã trải qua nhiều sự thay đổi quan trọng trong thập kỉ qua. Nhiều năm trước, giống như trong các bộ phim cũ, máy polygraph là một thiết bị với những cái kim nhỏ vạch các đường thẳng lên cuộc giấy chạy liên tục. Nó được gọi là analog polygraph. Ngày nay, hầu hết các máy polygraph đều được thực hiện qua hệ thống điện tử: cuộn giấy chạy được thay bằng những thuật toán phức tạp và một màn hình máy tính.
 

 
Khi bạn ngồi vào chiếc ghế dành cho việc kiểm tra, rất nhiều ống và dây được nối với cơ thể bạn tại những vị trí đặc biệt để đo dấu hiệu sinh tồn: hành vi nói dối sẽ làm thay đổi những dấu hiệu này và có thể được phát hiện bởi chiếc máy và người kiểm tra chuyên nghiệp – đôi khi được gọi là nhà tâm sinh lý của tòa án – forensic psychophysiologist (FP). Họ sẽ kiểm tra sự biến thiên của các dấu hiệu như:
 
+ Tần số thở: 2 ống đầy khí được buộc vòng quanh ngực và bụng của đối tượng. Khi cơ bụng hay cơ ngực nở ra, không khí trong ống bị ép lại. Ở máy analog polygraph, không khí sẽ tác động vào một ống gió, giống với chiếc đàn xếp, ống này tiếp tục tác động vào một cần cơ học đã được nối sẵn với chiếc bút ghi để rồi nó vạch lên trên cuộn giấy những đường biểu hiện sự thay đổi của hô hấp. Máy polygraph điện tử sử dụng một máy biến năng để chuyển năng lượng do không khí bị nén sinh ra thành tín hiệu điện.
 
+ Huyết áp – nhịp tim: một băng đo huyết áp được quấn quanh cánh tay. Những cái ổng được nối từ băng quấn tới máy polygraph. Khi máu được bơm qua đoạn mạch ở cánh tay nó tạo ra âm thanh, sự thay đổi huyết áp làm âm thanh thay đổi và di chuyển không khí trong ống, và từ đó làm di chuyển cây bút như ở phần trên. Và đối với máy polygraph điện tử thì tín hiệu này cũng được chuyển thành tín hiệu điện nhờ máy biến năng.
 
+ Độ cách điện của da: cũng chính là đo độ dẫn điện của da, về cơ bản là đo mức độ mồ hôi ở đầu ngón tay. Đầu ngón tay là nơi mềm xốp nhất của cơ thể, rất dễ theo dõi việc ra mồ hôi tại đây. Và khi bị stress, ta sẽ ra nhiều mồ hôi hơn bình thường. Những bản kim loại – galvanometer – sẽ được kẹp vào đầu 2 ngón tay của đối tượng. Những tấm này sẽ đo độ dẫn điện của da: khi ra mồ hôi, da sẽ dẫn điện tốt hơn khi da khô.
 

 
Một vài loại máy polygraph khác còn có khả năng ghi lại cử động của chân và tay. Khi người kiểm tra đặt ra câu hỏi, tín hiệu từ những cảm biến nối với cơ thể sẽ ghi lại vào một dải giấy chạy liên tục. Bạn sẽ biết thêm về người kiểm tra và cuộc kiểm tra với máy polygraph ngay sau đây.
 
Những người không ủng hộ máy polygraph thì cho rằng máy phát hiện nói dối là điều không tưởng, và độ chính xác của nó không hơn việc tung đồng xu là mấy. “Không thể có cỗ máy nào có thể phát hiện được ai nói thật, ai nói dối”, theo American Civil Liberties Union. “Cỗ máy phát hiện nói dối không đo lường mức độ thực hư, nó đo sự thay đổi của huyết áp, nhịp thở, mức độ ra mồ hôi, mà những thông số này có thể thay đổi trong nhiều trạng thái tình cảm khác của con người”.
 
Lee, người đã thực hiện những cuộc kiểm tra nói dối trong hơn 18 năm, đồng ý về việc chiếc máy polygraph không phát hiện được người nói dối. “Nhiều năm qua người ta gán cho cỗ máy này cái tên ‘cỗ máy phát hiện nói dối’, nhưng từ góc độ khoa học, không có chiếc máy nào có thể phát hiện sự dối trá. Tôi không thể nói cho bạn biết sự dối trá nó như thế nào.”.
 

 
Nhưng ông cũng khẳng định rằng máy polygraph có thể xác định được những biểu hiện lừa đảo ngay khi đối tượng chịu cả những áp lực từ cuộc kiểm tra. “Một FP được huấn luyện tốt sẽ có được sự quan sát nhạy bén và phân tích chính xác nhằm chỉ ra ai đang nói dối”.
 
Vậy FP là người như thế nào? Trong phần tiếp theo, bạn sẽ tìm hiểu xem người thực hiện cuộc kiểm tra này là ai và điều gì giúp họ quản lý được cuộc kiểm tra này.
 
Người thực hiện cuộc kiểm tra
 
Sẽ chỉ có 2 người trong căn phòng suốt buổi kiểm tra – người thực hiện và đối tượng cần kiểm tra. Những người thực hiện thường được gọi là forensic psychophysiologists (FP). Vì chỉ có 2 người trong căn phòng suốt cuộc kiểm tra, nên những cử chỉ của FP sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả kiểm tra.
 

 
“Đó là yếu tố quan trọng khi đối tượng bị tra hỏi về một tội ác nào đó,” Lee nói, “Hãy nhìn xem, tôi không biết họ nói dối hay không, tôi cũng không quan tâm xem họ có tội hay không. Tôi hoàn toàn trung lập và không có chút định kiến khi họ bước vào. Và khi tôi nhận ra họ không nói dối, tôi sẽ lập tức trở thành luật sư của họ”.
 
FP có nhiều việc phải làm để thực hiện được một buổi kiểm tra:
 
+ Cài đặt máy và chuẩn bị cho buổi test.
 
+ Đưa ra những câu hỏi.
 
+ Đưa ra nhận xét sơ lược về đối tượng.
 
+ Đánh giá và ước tính kết quả.
 
Cách đặt câu hỏi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của cuộc kiểm tra. Có nhiều vấn đề mà FP cần phải cân nhắc để đưa vào câu hỏi, ví dụ như về văn hóa hay tín ngưỡng. Sẽ có những chủ đề mà khi ta đề cập đến sẽ làm đối tượng có những phản ứng dễ nhầm với những hành vi nói dối. Cách đưa ra câu hỏi sẽ ảnh hưởng đến cách đối tượng suy nghĩ và cách đối tượng trả lời câu hỏi đó.
 
 
Hiện nay có khoảng 3.500 FP trên khắp nước Mỹ, trong đó 2.000 người làm việc cho các tổ chức chuyên nghiệp, theo Tiến sĩ Frank Horvath, giảng viên đại học bang Michigan về tội phạm pháp luật và là thành viên của American Polygraph Association.
 
Horvath luôn quan tâm tới chất lượng của những FP không chuyên. Luật pháp cho phép sử dụng giấy phép hành nghề từ bang này sang bang khác, do vậy không có chính phủ nào trực tiếp quản lý những giấy phép này. Horvath còn cảm thấy việc huấn luyện những FP này còn rất sơ sài.
 
“Tôi không nghĩ là việc cấp giấy phép hành nghề tự do cho các FP này là hợp lý. Sẽ thật không công bằng cho các FP khác”, Horvath nói. "Chúng tôi đặt ra nhiều tiêu chuẩn về kỹ năng của các FP. Bạn có thể mua một chiếc máy polygraph, sau đó mang đến Michigan, nhưng bạn sẽ không thể làm việc được ở đây do chúng tôi có những điều luật quy định chặt chẽ. Nhưng bạn có thể mạng chiếc máy tới Ohio và mở văn phòng hoạt động”.
 

 
Ngày nay, một số người có thể tham gia vào các lớp học nội trú để có thể chính thức được công nhận là FP với hiệp hội Quốc gia. Một số bang ở Mỹ yêu cầu FP phải được huấn luyện tốt. Đã có nhiều trường xung quanh nước Mỹ được xây dựng nhằm huấn luyện mọi người trở thành các FP. Một trong số đó là Học viện Quốc gia Axciton, được xây dựng bởi Lee. Trường đã được chính thức công nhận bởi American Polygraph Association.
 
Dưới đây là các bước mà một học viên phải trải qua để có được chứng chỉ hành nghề FP:
 
+ Trước khi được vào trường, họ phải có được bằng tú tài hoặc 5 năm kinh nghiệm trong việc điều tra và bằng cao học.
 
+ Học viên tham gia và phải vượt qua 10 khóa học với cường độ rất cao. Chương trình giảng dạy còn bao gồm cả Tâm lý, sinh lý, đạo đức, lịch sử, cấu trúc câu hỏi, đánh giá tâm lý qua lời nói, biểu đồ đánh giá và phân tích các dữ liệu thu được.
 
+ Học viên phải trải qua một khóa học cùng với việc thực hiện tối thiểu 25 lượt kiểm tra ứng với mỗi trường hợp. Có thể xem lại được các lượt kiểm tra. Khóa học này có thể kéo dài 8 tháng hay một năm.
 

 
Khi đã trải qua toàn bộ quá trình này, học viên sẽ trở thành một FP thực thụ và nhận được chứng chỉ hành nghề. Không có một tiêu chuẩn nào dành cho các FP trước khi hành nghề.
 
Một cuộc kiểm tra nói dối
 
Trải qua một cuộc kiểm tra nói dối là trải nghiệm đáng sợ thách thức từng đầu dây thần kinh của bạn, ngay cả người sắt đá nhất. Bạn ngồi đó, quấn quanh mình rất nhiều dây dợ lằng nhằng. Dù bạn không có gì phải giấu, bạn cũng sẽ lo lắng liệu cái thiết bị kia có chỉ ra điều gì đó ngược lại hay không. Người ta thường nói rằng, trải qua cuộc kiểm tra với máy polygraph không khác gì việc “chui vào một chiếc hộp” cả.
 
Cuộc kiểm tra là cả một quá trình dài, được chia thành nhiều giai đoạn. Dưới đây là các giai đoạn của một buổi kiểm tra bình thường:
 
+ Pretest: đây chỉ đơn thuần là cuộc phỏng vấn nho nhỏ giữa người kiểm tra và đối tượng, để giúp hai người có thể hiểu nhau hơn. Giai đoạn này kéo dài khoảng một giờ. Người kiểm tra cũng hỏi qua một chút chuyện liên quan tới vấn đề được điều tra. Khi đối tượng ngồi đó và trả lời câu hỏi, người kiểm tra đồng thời phác thảo nên một bản thông tin về đối tượng. Người kiểm tra cần biết xem đối tượng sẽ đáp ứng như thế nào khi trả lời câu hỏi và trải qua cuộc kiểm tra.
 
+ Design question: Người kiểm tra sẽ nghĩ ra những câu hỏi hướng về vấn đề cần điều tra, và thử nghiệm qua trên đối tượng.
 
+ In-test: Buổi kiểm tra thực sự bắt đầu. Người kiểm tra đưa ra 10 hoặc 11 câu hỏi, trong đó chỉ có 3 hay 4 câu có liên quan tới vụ việc cần điều tra. Những câu hỏi khác là câu hỏi điều khiển – control questions. Những câu hỏi điều khiển là những câu hỏi rất phổ biến, kiểu như “Bạn đã bao giờ ăn cắp gì đó chưa?” – loại câu hỏi mà người trả lời khó có thể nói “không”. Nếu đối tượng trả lời không, người kiểm tra sẽ có những dấu hiệu “chứng” để so với dấu hiệu khi họ trả lời các câu hỏi khác.
 
+ Post-test: Người kiểm tra sẽ tổng hợp lại dữ liệu của máy polygraph về đối tượng, và xem xét xem liệu đối tượng có nói dối hay không.  Nếu có sự biến thiên rõ rệt, điều đó có nghĩa đối tượng đang nói dối, đặc biệt khi đối tượng có những phản ứng giống nhau đối với một câu hỏi được hỏi đi hỏi lại nhiều lần.
 

 
Đôi khi, người kiểm tra hiểu sai những phản ứng của đối tượng ở những câu hỏi cơ bản. Yếu tố con người và mục đích của cuộc kiểm tra thường là 2 lý do tại sao kết quả kiểm tra với máy polygraph thường không được chấp nhận. Hai loại kết quả sai:
 
+ Dương tính giả: đối tượng trả lời thật nhưng bị hiểu nhầm thành nói dối.
 
+ Âm tính giả: đối tượng nói dối nhưng được hiểu thành nói thật.
 

 
“Theo thống kê, dương tính giả thường xảy ra nhiều hơn là âm tính giả”, theo Horvath.
 
Những nhà chỉ trích chiếc máy polygraph cho rằng, việc kết quả dương tính giả xảy ra thường xuyên hơn là điều không chấp nhận được, hệ thống này dường như luôn chống lại người nói thật. Những lỗi xảy ra thường do người kiểm tra không chuẩn bị kĩ hay là họ phân tích sai kết quả kiểm tra.
 
“Lách luật”.
 
Thông thường, những người trải qua cuộc kiểm tra với máy polygraph thường tìm cách đánh lừa chiếc máy. Đã có nhiều trang web hay những cuốn sách ra đời nhằm mục đích hướng dẫn người ta qua mặt chiếc máy. Dưới đây là một số ví dụ giúp người ta lừa thiết bị này:
 
+ Dùng thuốc giảm đau.
 
+ Dùng thuốc chống ra mồ hôi ở đầu ngón tay.
 
+ Dùng đinh dưới gót giầy.
 
+ Tự cắn vào lưỡi, môi hay má.
 

 
Ý tưởng đánh lừa chiếc máy này xuất phát từ việc nó giúp họ làm sai lệch đi kết quả của cuộc kiểm tra. Đối tượng sẽ có những đáp ứng giống nhau cho mọi câu hỏi, do đó người kiểm tra không thể phát hiện ra hành vi nói dối. Ví dụ, một người đặt chiếc đinh trong giày của mình, sẽ dẵm lên chiếc đinh ngay sau khi câu hỏi được đọc lên; phản ứng sinh lý của cơ thể khi dẵm lên đinh đã che đi phản ứng khi nghe câu hỏi, khiến cho mọi đáp ứng với các câu hỏi đều như nhau.
 
Dù kết quả như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ rất ít giá trị pháp lý. Thông thường, luật sư bào chữa sẽ cố ý nói rằng bị can đã vượt qua cuộc kiểm tra. Bạn sẽ rất ít khi nghe được sự phản đối từ người kiểm tra ngay cả khi đối tượng biểu hiện những phản ứng của sự dối trá.
 
Kết quả kiểm tra rất ít khi được chấp nhận. New Mexico là bang duy nhất chấp thuận kết quả của cuộc kiểm tra. Các bang khác đưa ra nhiều quy định hơn đối với một bài kiểm tra. Dù sao trong hầu hết các trường hợp, người ta đều chấp nhận kết quả như là một thí nghiệm ban đầu trên đối tượng. Ở mức độ liên bang, các tiêu chuẩn cho một cuộc kiểm tra còn cao hơn và kết quả phải qua sự thảo luận và chấp thuận của bồi thẩm đoàn.