Nhịp sống số

Apple Thunderbolt Display – chuẩn mực mới của màn hình

Apple Thunderbolt Display – chuẩn mực mới của màn hình

Ngoài chức năng hiển thị, Thunderbolt Display còn có thể mở rộng đáng kể các cổng giao tiếp, cung cấp năng lượng cho thiết bị ngoại vi, đóng vai trò là loa máy tính với chất lượng tốt và… nhiều hơn nữa. Nói cách khác, sản phẩm mới này của Apple đã đề ra được một lối đi, một chuẩn mực mới đối với một chiếc màn hình máy tính.

 


 

Apple Thunderbolt Display – có gì đặc biệt ?


Về mặt thông số kĩ thuật, mẫu màn hình giá 999 USD của Apple hết sức ấn tượng nhưng lại không khác biệt nhiều so với phiên bản Cinema Display 27 inch hồi năm ngoái. Cả hai đều có panel IPS cho màu sắc tốt với đèn nền LED và độ phân giải cao lên tới 2560x1440 (tỉ lệ 16:9), độ sáng 375 cd/m2, kết nối Magsafe để sạc những chiếc Macbook kết nối vào. Chúng cũng có ba cổng USB 2.0, hệ thống loa 2.1 (có loa trầm) với tổng công suất 49W và cảm biến ánh sáng môi trường cho phép điều chỉnh độ sáng màn hình linh hoạt.
 
 
Toàn bộ linh kiện của màn hình đều được bọc trong lớp vỏ nhôm đẹp mắt và kính bảo vệ mặt trước. Khác với các dòng màn hình thông dụng, toàn bộ thông số của màn hình Apple đều được điều chỉnh trong System Preferences của máy Mac chứ không phải thông qua các nút bấm. Điều này khiến cho việc sử dụng chúng với máy tính Windows sẽ gặp nhiều hạn chế hơn.

 


 


Điểm khác biệt đầu tiên mà bạn có thể nhận ra ở mặt trước màn hình chính là trong khi Thunderbolt Display có máy quay Facetime HD thì Cinema Display chỉ có iSight kiểu cũ.
 
 
Bên cạnh đó, Thunderbolt Display mới được bổ sung một cổng Firewire 800, cổng mạng Ethernet tốc độ Gigabit và (dĩ nhiên) là cả cổng Thunderbolt ở mặt sau. Như thế, bạn sẽ có thêm nhiều kết nối mới trong khi lại cắt giảm đáng kể số lượng dây cắm vào máy Mac bởi cáp Mini Displayport và USB 2.0 đã bị thay bằng một cáp Thunderbolt duy nhất với tốc độ cao hơn nhiều – chưa kể tới các loại hình kết nối khác.
 
 
Như vậy, nếu bạn sở hữu ổ cứng Firewire 800, bạn có thể kết nối nó vào màn hình Thunderbolt. Khi đó, ổ cứng sẽ kết nối với máy Mac trung gian qua bus dữ liệu Thunderbolt. Mô hình này cũng diễn ra tương tự với các giao tiếp LAN hay USB.

 

Kết nối với Macbook Air – giải quyết bài toán kết nối


Vào thời điểm ra mắt, mẫu màn hình Thunderbolt được giới thiệu song hành với Macbook Air. Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà bản thân bộ đôi này là một “combo” đầy hữu ý của Apple. Ngay mẫu Macbook Air 2011 dù rất mạnh mẽ hơn thế hẹ trước những vẫn dính phải những nhược điểm cố hữu của dòng MTXT nhỏ mỏng: thiếu vắng cổng giao tiếp – đặc biệt là các kết nối tốc độ cao.
 
 
Sự hiện diện của màn hình mới đã đem lại nhiều kết nối I/O nhanh cho chiếc MTXT nhỏ nhất của Apple – kể cả những thứ trước tới nay chưa từng có như Firewire 800, kết nối mạng Gigabit. Trước khi có màn hình Thunderbolt, việc kết nối Macbook Air vào các mạng LAN cáp RJ45 yêu cầu người dùng phải có một adapter USB trong khi ổ cứng lắp ngoài sử dụng với chiếc máy này chỉ giới hạn ở USB 2.0. Đây đều là những điều hoàn toàn thay đổi khi người dùng sở hữu Thunderbolt Display mới.

 


 

Bên cạnh đó, trong Macbook Air 2011, Apple sử dụng chip Thunderbolt dòng Eagle Peak yếu hơn so với các loại máy Mac khác. Chip này cung cấp hai kênh dữ liệu kép Thunderbolt ở tốc độ 10Gbps và 1 đường kết nối Display Port. Tuy điều này khiến nhiều người dùng nghi ngại về vấn đề hiệu năng sử dụng nhưng bạn hãy lưu ý rằng mức tốc độ 10 Gbps kênh kép vẫn nhanh hơn nhiều lần so với các chuẩn giao tiếp khác hiện tại – kể cả USB 3.0 hay SATA 6Gbps mới. Thực tế, bản thân Macbook Air cũng không phải là một chiếc máy được thiết kế với mục tiêu hiệu năng cao. Thay vào đó, nó là phương tiện di động mạnh mẽ và sự hiện diện của Thunderbolt Display đã giải quyết tốt bài toán về số lượng giao tiếp ngoại vi và hệ thống lưu trữ mở rộng.

 

“Chắp cánh” cho Macbook Pro – khi MTXT là trạm làm việc đa năng  

 


 

Khác với Macbook Air, các mẫu Macbook Pro thường được những người dùng chọn lựa với nhu cầu mang theo sức mạnh xử lý bên mình. Điều này cho phép họ giải quyết các tác vụ nặng mà không cần “dính” lưng ở văn phòng. Với cấu hình cao, Macbook Pro thực tế cũng đóng vai trò là một chiếc máy để bàn tốt nhưng khi nằm trên bàn làm việc, chúng dường như khá nhỏ bé khi chỉ có màn hình và cấu hình kết nối của một chiếc MTXT. Nhiều người dùng với mục tiêu mở rộng yếu tố này vô tình đã biến Macbook Pro thành chú nhện với vô số USB hub, dây mạng, ổ cứng lắp ngoài. Với Thunderbolt Display mới, vấn đề đã được Apple giải quyết khá khéo léo.

 

Macbook Pro (cũng như iMac và Mac Mini) mới sử dụng chip điểu khiển Thunderbolt “Light Ridge” cho tới bốn kênh dữ liệu kép và hai đường kết nối DisplayPort độc lập. Những thử nghiệm thực tế với việc kết nối Thunderbolt Display vào Macbook Pro cấu hình cao (điển hình là dòng 17 inch) cho kết quả mỹ mãn. Khi đó, bạn có thể nối các array RAID ngoài và kết nối LAN vào cổng trên màn hình, kết nối thêm một màn hình Cinema Display (cũ, nếu có) với kết nối Mini Display Port vào các cổng Thunderbolt mở rộng (kết nối Thunderbolt cho phép cắm nối tiếp nhiều thiết bị).

 

Mô hình này sẽ cho bạn vô số các cổng mở rộng, hệ thống lưu trữ mạnh mẽ và hai màn hình 27 inch vận hành song song – một môi trường lý tưởng cho bất cứ người dùng cao cấp nào. Trong khi đó, tất cả những gì kết nối với Macbook Pro của bạn chỉ là một dây cáp Thunderbolt và một dây điện Magsafe mà thôi. Toàn bộ thiết bị ngoại vi cắm vào Thunderbolt Display cũng sẽ được màn hình này “nuôi” luôn. Như thế, mỗi khi bạn cần di chuyển gấp, bạn chỉ phải rút 2 dây cắm ra một cách nhanh chóng – tiện hơn rất nhiều so với các mô hình hiện tại.

 


 

 Màn hình Thunderbolt yêu cầu Mac OS X phiên bản 10.6.8 hoặc cao hơn. Để sử dụng được kết nối, bạn phải có máy Mac với cổng Thunderbolt tích hợp sẵn. Hiện tại chỉ có dòng máy trạm Mac Pro là chưa được Apple cập nhật kết nối mới.

 

 
Nguyễn Thúc Hoàng Linh