Cách đây 69 năm, chàng thanh niên 24 tuổi Mikhail Kalashnikov lần đầu tiên tham gia cuộc thi thiết kế mẫu súng mới trong nội bộ quân đội Liên Bang Xô Viết, ngay sau khi nhận thấy những sự bất ổn của súng tiểu liên thời bấy giờ. Tuy không giành được chiến thắng nhưng đó là bước tiền đề vững chắc cho thành công của Kalashnikov 2 năm sau đó. Năm 1946, ông tiếp tục tham gia một cuộc thi thiết kế khác với 2 mẫu súng dự thi mang ký hiệu AK-1 và AK-2. Và lần này ông đã lọt vào vòng 2 của cuộc thi cùng với các mẫu khác của A. Demetev và F.Bulkin. Cuối năm 1946, đợt cải tổ AK-1 cuối cùng đã mang đến thành công thực sự cho Kalashnikov. Mẫu súng trường tấn công mang tên Kalashnikov sản xuất năm 1947 đã trở thành dấu ấn rực rỡ trong lịch sử vũ khí của nước Nga Xô Viết.
Quân đội Liên Xô bắt đầu sử dụng loại vũ khí đặc chủng này từ năm 1949 và gọi nó bằng cái tên trìu mến Súng trường tự động Kalashnikov (Avtomat Kalashnikova), gọi tắt là AK, cỡ nòng 7,62mm. Và kể từ đó, cái tên AK-47 đã trở thành một trong những loại vũ khí cá nhân nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại với vô vàn chiến tích bất hủ, trở thành loại súng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, qua 70 quốc gia với ước tính gần 180 triệu khẩu được sản xuất cho đến thời điểm hiện tại (trong đó gần 80 triệu là mẫu AK-47 gốc, số còn lại là biến thể). Nhân vật của diễn viên Ethan Hawke trong bộ phim Lords of War ra mắt năm 2005 đã mô tả AK-47 như là “thứ vũ khí hủy diệt toàn diện đích thực”.
Bài viết này sẽ không đề cập đến những con số cụ thể, những tư liệu khô khan mang tính học thuật về cái gọi là “thứ vũ khí sát thương nguy hiểm nhất mọi thời đại” này, mà sẽ hướng tới những điều dễ nhớ, dễ đọc và dễ hiểu hơn. Ví dụ như việc tại sao các nước châu Phi lại rất thích cho súng AK-47 lên làm biểu tượng của đất nước mình chẳng hạn. Ở châu Phi, súng AK-47 loại rẻ tiền nhất (cũng có thể do nhiều biến thể của nó) chỉ có giá 12 đô-la Mỹ và ai cũng có thể mua mà không cần giấy phép sử dụng súng. Đến một đứa con nít 5 tuổi cũng có thể sở hữu “súng trường huyền thoại”. Tại Afghanistan, giá của một khẩu AK-47 chỉ xấp xỉ giá một con dê non. Hơn thế nữa, tính đơn giản và hữu dụng của AK-47 là không phải bàn cãi, chỉ mất chưa tới 1 phút là bạn có thể lắp xong xuôi một khẩu Kalashnikov và sử dụng được. Tính thông dụng, rẻ tiền của AK-47 đã vô hình chung biến nó thành biểu tượng rõ ràng nhất cho tầng lớp dân nghèo quật khởi – vốn rất phổ biến tại châu Phi nói riêng và các nước bị thực dân đô hộ nói chung.
Quốc kỳ Mozambique.
Mở đầu cho trào lưu đưa khẩu súng giải phóng tự do này lên lá quốc kỳ là quốc gia Mozambique. Với biểu tượng chiếc cuốc bắt ngang khẩu AK-47 được lắp thêm lưỡi lê lần đầu ra mắt vào 1/5/1983, đất nước này gợi cho người ta rằng đây là một quốc gia đã tự mình đứng lên giành độc lập từ chính bàn tay những người nông dân khỏi ách đô hộ của thực dân Bồ Đào Nha. Và chắc chắn để giúp đỡ cho nhân dân Mozambique, đứa con cưng của Kalashnikov đã đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh Mozambique, người ta dễ dàng tìm thấy biểu tượng AK-47 xuất hiện rõ nét trong lá quốc kỳ Zimbabwe, Burkina Faso (từ năm 1984 đến 1997) và Đông Timo (từ năm 2007).
Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Quốc kỳ Zimbabwe, Đông Timo, Burkina Faso và Tổ chức Hezbollah.
AK-47 đã và đang trở thành biểu tượng quật khởi của các nhóm vũ trang Hồi giáo cuồng đạo. Một điều người ta rất dễ nhận thấy đó là tên trùm khủng bố Osama Bin Laden luôn xuất hiện với ít nhất một khẩu AK-47 bên cạnh mình. Dù là trong tuyên bố qua truyền hình, qua ảnh chụp, gã cũng luôn luôn cho mọi người thấy lực lượng Al Quaeda “hâm mộ” khẩu súng này như thế nào. Tại Afghanistan, những người phụ nữ thay vì thêu hình người dệt vải, trồng lúa, lao động thì hình ảnh chủ đạo trên những bức tranh thêu lại là khẩu AK-47. Cựu tổng thống Saddam Hussein cũng từng sở hữu một khẩu AK-47 mạ vàng cực “chất”. Tổ chức vũ trang chính trị Hồi giáo Hezbollah cũng lấy AK-47 làm hình ảnh chủ đạo trên lá cờ của mình. Ý nghĩa của khẩu súng huyền thoại này trên lá quốc kỳ của mỗi quốc gia, tổ chức có thể khác nhau nhưng nhìn chung, chúng đều không mang ý nghĩa chiến thắng, ít ra là như vậy. Cái mà biểu tượng AK-47 muốn hướng đến đó cuộc chiến mà họ đã, đang và sẽ chiến đấu tới cùng, quật khởi tới cùng bằng khẩu Kalashnikov.
Osama Bin Laden luôn xuất hiện cùng khẩu AK-47.
Khẩu AK-47 mạ vàng của Saddam Hussein.
Nổi tiếng là thế nhưng bản thân cha đẻ của huyền thoại Kalashnikov lại chẳng nhận được một đồng lợi nhuận nào từ việc “phát tán bản quyền” của AK-47 đi khắp thế giới. Sở dĩ như vậy vì Liên Bang Xô Viết cho rằng đây là nghĩa vụ của một người lính và vì thế, những gì Kalashnikov nhận được chỉ là tấm bằng khen cùng những lời động viên. Nhưng chắc hẳn, người khác thì không quên ơn ông. Trong khoảng giữa năm 2011, một nhóm các kiến trúc sư và tài phiệt của Nga đã tìm cách trả ơn cho huyền thoại làng khói lửa thế giới này bằng cách xây dựng một tòa cao ốc hình khẩu AK-47 ngay tại quê nhà của Kalashnikov là Altai Krai. Tiền tệ của Nga bây giờ cũng có hẳn một đồng xu với biểu tượng báng súng AK-47 (mặc dù nó chỉ sản xuất vào năm 2007 và không phải đồng xu lưu hình chính thức). Và nếu bạn là một người viếng thăm đất nước Nga, hãy đừng quên một chai Vodka Nga hình AK-47 như thế này nhé. Vodka Kalashnikov 41 độ chẳng phải đâu xa lạ mà do chính cha đẻ của khẩu súng huyền thoại sáng tạo ra, được ông mô tả là “sức mạnh của quân đội”.
Bản thiết kế cao ốc Kalashnikov của các kiến trúc sư Nga.
Trong lúc người Nga còn đang suy tính làm thế nào mới có thể ghi dấu ấn cha đẻ của khẩu súng này thì người Ai Cập đã xây dựng hẳn một tượng đài mang hình dáng của khẩu súng AK-47 trên bán đảo Sinai. Quân đội Ai Cập cũng là một trong những đội quân lấy AK-47 làm vũ khí chính để trang bị trên diện rộng (có cả Việt Nam). Cựu tổng thống Ai Cập Anwar Sadat cũng bỏ mạng bởi súng Kalashnikov do các tay súng Hồi giáo cực đoan của Khalid Islambouli.
Ngoài những điều thú vị mang tính “vĩ mô” như thế, AK-47 còn len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống thường nhật, kể cả trong lĩnh vực giải trí. Rapper nổi tiếng Eminem từng đặt một khẩu AK-47 vào tay của Cựu tổng thống George W.Bush trong đoạn video hoạt hình “Mosh” cùng đoạn lyrics đầy chất “khiêu khích”: "Let the president answer a higher anarchy/ Strap him with an AK-47, let him go, fight his own war/ Let him impress daddy that way/ No more blood for oil, we got our own battles to fight on our own soil". Khẩu súng này còn nổi tiếng tới mức, tạp chí người lớn Playboy đã trân trọng dành cho nó vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng “50 sản phẩm đã thay đổi thế giới” vào năm 2004, chỉ thua có máy Apple Mac, thuốc con nhộng, đầu video Sony Betamax.
AK-47 và lựu đạn xuất hiện trong những bức tranh thêu của phụ nữ Afghanistan.
Chiếc máy iPod đứng thứ 12 trong danh sách của Playboy nhưng như thế chẳng có gì là ầm ĩ cả. Bạn hoàn toàn có thể kết hợp 2 thứ tưởng chừng như “chẳng liên quan” này lại với nhau. Đó là nhờ sản phẩm máy MP3 hình băng đạn AK, có khả năng chứa tới 9000 bài hát. Cựu ngôi sao nhạc rock người Nga Andrey Koltakov, một trong những tác giả chính của sản phẩm này mô tả: “Cầu chúc cho hòa bình thế giới; hy vọng rằng, kể từ nay những kẻ khủng bố sẽ sử dụng khẩu AK-47 của chúng để nghe nhạc và nghe truyện audio”.
Chai Vodka Kalashnikov 41 độ.
Qua hàng thập kỷ phát triển và ảnh hưởng, AK-47 đã ghi dấu ấn của mình trên khắp các chặng đường trên thế giới. Cuộc Chiến tranh Lạnh đã góp phần thúc đẩy sự luân chuyển AK-47 trên toàn thế giới, từ những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đến lực lượng nổi dậy tại Beirut. Lực lượng bộ đội Cụ Hồ lừng danh thế giới cũng sử dụng AK-47 do Nga, Trung Quốc sản xuất như vũ khí chủ lực của bộ binh. Các biến thể khác nhau của AK-47 do Đông Đức sản xuất thì “lưu lạc” tới Yemen, AK của Romania tăng sức mạnh cho lực lượng vũ trang Kurd, AK Nga và Bulgari hỗ trợ đắc lực cho Rwanda, súng Kalashnikov Trung Quốc hiện diện khắp nơi tại Uganda và Sudan. Trong giai đoạn những năm 60, lính thủy đánh bộ Mỹ khi tiến công vào thành phố Huế đã phải nhận định rằng thứ vũ khí đáng sợ nhất mà dân quân kháng chiến Việt Nam sở hữu chính là AK-47. Họ buộc phải sử dụng súng cối để cày nát những nơi mà quân đội kháng chiến Việt Nam ẩn náu mới có cơ hội bước tiếp.
Máy MP3 hình băng đạn AK-47.
Năm 2001, Liên Hiệp Quốc nhận định các loại súng cá nhân tham gia tổng cộng 46 đến 49 % các cuộc xung đột lớn trong giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, khiến 4 triệu người thiết mạng. Năm 2004, Tổ chức bảo vệ nhân quyền nhận định trong 18 quốc gia sử dụng lính là trẻ em, AK-47 là vũ khí chủ lực của các binh chủng này. Trong cuộc chiến tranh Iraq, thương vong của lính Mỹ theo số liệu ghi nhận cũng chủ yếu đến từ AK-47. Có trường hợp, chỉ một khẩu súng cũng có thể khiến cả một quốc gia phải rúng động. Năm 1989, sau khi Patric Purdy sử dụng súng Kalashnikov tự chế xả bừa bãi vào sân trường học Stockton, California, Quốc hội Mỹ mới bắt đầu tiến hành các dự luật cấm sử dụng và tàng trữ vũ khí.
Những thiếu niên sử dụng AK-47 trong quân đội Khơ-me đỏ.
Không chỉ mang ý nghĩa hành động, hình ảnh của khẩu AK-47 còn mang tính nghi lễ trang trọng. Trong những đám tang của các lãnh đạo cấp cao, được tổ chức rầm rộ, khẩu Kalashnikov đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Những chiến binh của Phong trào Hồi giáo kháng chiến Hamas xuất hiện trong trang phục bịt mặt cầm súng AK trên truyền hình tại nghi lễ tưởng niệm sự ra đi của thủ lĩnh Sheik Ahmend Yassin. 6 năm trước đó, đám tang của trùm Khơ-me đỏ Pol Pot đã khiến người ta choáng váng với hình ảnh những cậu bé tuổi teen lăm lăm khẩu AK phiên bản châu Á.
Dù mang trong mình dòng máu Nga Xô Viết hào hùng với tinh thần của dân tộc Nga nhưng không phải vì thế mà súng Kalashnikov chỉ hướng tới hòa bình. Qua bàn tay của những kẻ sử dụng, với nhiều mục đích khác nhau, khẩu AK-47 huyền thoại đã thay đổi đi nhiều. Tuy nhiên, những gì mà nó đã đóng góp cho lịch sử là không thể phủ nhận, dù cho phần tiêu cực đôi chút nhiều hơn.
Là thành phần không thể thiếu trong những nghi lễ quân đội tại Sudan.