Doanh nghiệp

Sau BPhone, Việt Nam sẽ có chiếc xe điện đẹp nhất nhì thế giới?

Xe điện Việt đẹp nhất nhì thế giới?

Vào cuối tuần này, sẽ có một sự kiện quy mô khủng được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đây là sự kiện công bố sản phẩm mới tầm cỡ nhất của một doanh nghiệp Việt kể từ sau thời điểm BPhone được cho ra mắt. Tâm điểm của sự kiện này là hàng loạt dòng sản phẩm mới đến từ hãng xe điện PEGA. Công ty này cũng là hãng xe hiếm hoi của Việt Nam dám thách thức các thế lực đến từ quốc tế.

Cầm trên tay tấm vé mời ra mắt sự kiện của PEGA. Có quá nhiều nét tương đồng khiến người ta nghĩ ngay đến sự kiện của Bkav 2 năm trước đó. Đó là một tấm thẻ ghi thông tin khách mời được làm bằng kim loại. Thời điểm chi tiết của sự kiện được thông báo là 14h00 chiều ngày 23/4/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Tấm vé mời sự kiện của Pega (ảnh chính) và BPhone (ảnh phụ). Cả 2 đều được làm bằng kim loại và có khắc tên cụ thể từng nhân vật khách mời. Địa điểm tổ chức đều được đặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). 

Và cũng giống với BPhone, điểm khiến người ta nghi ngại nhất ở PEGA chính là những phát ngôn gây sốc. Giám đốc Lê Hoàng Long của PEGA đầy tự tin khi tuyên bố sẽ phổ cập xe điện 2 bánh PEGA tại Việt Nam và trên toàn cầu. Còn CEO Nguyễn Tử Quảng của Bkav từng khẳng định, “BPhone là chiếc điện thoại đẹp nhất nhì thế giới”.

Kết cục của BPhone thế nào thì ai cũng đã rõ. Còn với PEGA, giới công nghệ Việt Nam đang chờ xem “quả bom” nào sẽ phát nổ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia cuối tuần này. Lần này ngòi nổ của “quả bom” đến từ những chiếc xe điện 2 bánh Made in Việt Nam.

Những dấu hỏi lớn từ HKPhone đến HKBike

Có một điều cần lưu ý khi nhắc đến cái tên PEGA. Tiền thân của doanh nghiệp này chính là HKBike. Ông chủ của HKBike và HKPhone trước kia từng là một. Và HKPhone thì đã “chết yểu” sau một thời gian vật lộn với những mẫu smartphone được thiết kế bởi người Ý và sản xuất tại... Thâm Quyến. Nguồn gốc của chữ HK ở đây còn được nhiều người cho rằng xuất phát từ địa danh Hồng Kông (Trung Quốc).

Mặc dù cùng một mẹ nhưng số phận của 2 người anh em song sinh HKPhone và HKBike hoàn toàn khác nhau. Trong khi HKPhone ngụp lặn trên thị trường, phải đổi tên sang Rovi (Rồng Việt) trước khi khai tử vào năm 2015 thì HKBike lại lên như diều gặp gió. Cuối năm 2016, hãng xe điện này đổi tên từ HKBike thành PEGA.

Dường như để quên đi cái tên HKBike gây nhiều tranh cãi, hãng xe điện này đã quyết định đổi tên thành PEGA vào tháng 12 năm 2016 vừa qua. 

Nói qua một chút về thị trường xe điện Việt Nam. Đây là thị trường có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Chỉ với 150.000 xe/năm ở thời điểm năm 2013, đến năm 2015 con số này đã lên tới 500.000 xe mỗi năm. Chủ yếu vẫn là xe nhập lậu từ Trung Quốc.

Năm 2016 chính phủ ra quyết định về việc đăng ký biển số đã hạn chế khá nhiều xe nhập lậu. Bên cạnh đó, chất lượng xe từ Trung Quốc không cao dẫn đến người tiêu dùng mất niềm tin và quy mô thị trường giảm xuống còn khoảng 360.000 xe mỗi năm.

Với việc đổi tên từ HKBike thành PEGA, đã có khá nhiều câu hỏi được đặt ra về tính minh bạch của các sản phẩm đến từ thương hiệu HKBike. Lượng xe điện của doanh nghiệp này chiếm khoảng 13% thị phần xe điện tại Việt Nam năm 2016.

Hiện nay thì chỉ có PEGA và Detech, DK Bike là những hãng đứng đầu về thị phần xe điện tại Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng PEGA, thương hiệu này chiếm khoảng 13% thị phần xe điện trong nước, chủ yếu là xe đạp điện.

Có thể nói HKBike hay PEGA đã xây dựng thương hiệu một cách tương đối thành công và tạo được ấn tượng tốt trong mắt người dùng Việt Nam đã nhiều năm qua. Thế nhưng chính cái lịch sử không mấy “lành mạnh” của HKPhone khiến người tiêu dùng có quyền được đặt dấu hỏi về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm xe điện do PEGA sản xuất.

Made in Việt Nam hay Made in Trung Quốc?

Theo như tìm hiểu, PEGA là cái tên duy nhất trong số các doanh nghiệp xe điện có thị phần lớn tại Việt Nam đầu tư vào việc sản xuất nội địa hoá. Nhà máy của doanh nghiệp này đặt tại khu Công nghiệp Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi chủ yếu tiến hành việc lắp ráp các linh kiện thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Rất đáng mừng là khung xe, vỏ nhựa, yên, tay nắm, thiết kế, lắp ráp, thậm chí là tạo phôi… tất cả đều được thực hiện ở Việt Nam. Tỷ lệ nội địa hoá trong những chiếc xe điện PEGA đạt 35%. Hãng này cũng đang hướng đến việc sẽ tăng tỷ lệ nội địa hoá nhiều hơn nữa.

Tuy vậy, những chi tiết quan trọng như động cơ, bộ điều tốc, bộ điều khiển điện tử (ECU) được nhập khẩu từ Bosch (Đức). Trong khi đó, một chi tiết quan trọng khác là ắc quy hiện đang được sử dụng bởi nhà cung cấp Tianneng hay Thiên Năng (Trung Quốc). Đây là các thành phần linh kiện hiện chưa thể sản xuất tại Việt Nam hoặc nếu có sản xuất, tỷ lệ sản phẩm lỗi là khá lớn.

Nhìn chung, PEGA là một hình mẫu doanh nghiệp phát triển theo mô hình tự thiết kế, tạo khuôn rồi đặt sản xuất hàng loạt từ các đối tác OEM cho đến việc chuyển dây chuyền lắp ráp về Việt Nam. Giờ đây, hướng phát triển của doanh nghiệp này là xây dựng thương hiệu PEGA bằng cách đánh vào chất lượng sản phẩm và gia tăng tỷ lệ nội địa hoá.

Không thể phủ nhận việc những chiếc xe điện HKBike từng có xuất xứ Made in China. Tuy nhiên nhà sản xuất này đang hướng đến việc nội địa hoá hàng loạt sản phẩm của mình trong hơn 1 năm trở lại đây. 

Đây là một hướng đi không tồi trong bối cảnh nền kinh tế sản xuất tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự đầu tư cho nền công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, PEGA sẽ phải đối mặt với các thách thức không nhỏ trong việc giữ gìn hình ảnh. Đặc biệt là khi từng có một thời gian dài doanh nghiệp này phải nhập khẩu các sản phẩm xe điện từ Trung Quốc và gắn trên đó cái mác thương hiệu Việt.

Khi mà những doanh nghiệp như HKBike và PEGA đang chuyển mình mạnh mẽ cho bước phát triển mới, người dùng Việt có lẽ nên đặt nhiều niềm tin hơn vào họ thay vì sự nghi ngờ. Tất nhiên, nếu “nổ” quá đà hoặc có những sự cố khiến người dùng mất niềm tin ngay trong ngày ra mắt và mở bán như BPhone, PEGA sẽ rất khó sống trong một thế giới đầy định kiến của người dùng về các sản phẩm Việt.

Còn các bạn thì sao? Sau BPhone, liệu còn ai tin tưởng vào dòng chữ Made in Việt Nam?

 

Cùng là hàng Việt, vì sao Biti's được đón nhận còn BPhone thất bại?

Thành công bước đầu trong chiến lược marketing của Biti’s chính là một case study đáng để học hỏi cho các thương hiệu Việt Nam, muốn nhấn mạnh vào yếu tố người Việt dùng hàng Việt.