Blog công nghệ

Lý giải về cái chết tức tưởi của hàng loạt mạng xã hội "Made in Vietnam"

Thực tế là tại Việt Nam những mạng xã hội của người Việt đã có từ khá lâu, nhưng kể từ khi Yahoo ngừng cung cấp dịch vụ Yahoo 360 vào năm 2009 thì những mạng xã hội Việt và thậm chí cả Facebook mới được sử dụng một cách rộng rãi.

Từ thời điểm Yahoo 360 đóng cửa cho đến lúc này, từ khóa Facebook luôn nổi trội nhất trong cộng đồng mạng. Từ một cái tên ít được biết đến, Facebook nhanh chóng lọt vào top 10 những trang web được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam theo đánh giá của trang web Alexa. Chỉ trong một thời gian ngắn nó đã thống lĩnh phần lớn thị trường mạng xã hội của nước ta. Giới trẻ từ đó bắt đầu xuất hiện hiện tượng “nghiện” Facebook, ngày nay hầu hết người dùng internet ở Việt Nam đều có tài khoản của Facebook.

Vậy khi nhắc tới mạng xã hội của người Việt, chúng ta nghĩ đến những cái tên nào? Zing Me, Go.vn, Cyworld.vn, tamtay.vn đó là những cái tên nổi bật của “hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, hãy cùng tìm hiểu vì sao những mạng xã hội “Made in Vietnam” này lại chết hàng loạt dưới tay Facebook dù chúng đều mang những tính năng riêng biệt rất độc đáo.

Zing Me

Được cho ra mắt từ năm 2006, với cái tên là YoBanBe, đã được kì vọng trở thành trang blog lớn nhất tại Việt Nam cạnh tranh với Yahoo 360. Tuy nhiên, định hướng sản phẩm của YoBanBe lại hoàn toàn khác blog, khác biệt ở chức năng và tính năng cơ bản. YoBanBe có vể chịu ảnh hưởng của Facebook nhiều hơn. Người dùng rất dễ tìm thấy được các chức năng cơ bản giống như trên Facebook khi sử dụng Zing Me như: bình luận (comment), thích, tag bạn bè, các gợi ý kết bạn, hội nhóm… và điểm nhấn của sự khác biệt so với hình thức Blog đó là dạng Feed, tức là khi có những hoạt động nào của bạn bè thì sẽ nổi lên trên giao diện chính của trang web.

Khách quan mà nói, thì Zing Me đã rất khéo léo khi học theo Facebook để hoàn thiện mình. Việc kết hợp những ứng dụng dịch vụ của mình vào đó cũng là một điều đáng khen cho Zing Me. Mạng xã hội này đã có những điểm nổi bật riêng so với Facebook đó là sự kết nối cộng đồng game thủ tại Việt Nam, vốn dĩ là một thế mạnh của một công ty phát hành game như VNG.

Bên cạnh đó, VNG cũng đã tiếp thu và phát triển được những thứ mà Facebook chưa có, ví dụ như kết nối bạn bè cùng trường, cùng lớp hoặc cùng cơ quan… hoặc những đặc điểm nổi bật của các địa phương tại Việt Nam. Nhưng cũng chính vì kết hợp quá nhiều tính năng và dịch vụ vào đó, giao diện của Zing Me đã bị chia nhỏ thành nhiều cột nội dung, font chữ cũng sẽ nhỏ hơn, khiến cho chúng ta có cảm giác mạng xã hội chỉ là tính năng phụ trên một giao diện chuyên quảng bá về game của nhà phát nhà VNG.

Go.vn

Được chính thức thử nghiệm vào ngày 19/05/2010 và đạt mốc 2,5 triệu thành viên vào tháng 12/2010 thật sự được coi là một bất ngờ mà Go.vn đạt được. Tuy nhiên không “thừa thắng xông lên” mà Go.vn lại chọn cách “im hơi lặng tiếng” cho đến tận bây giờ, mặc dù đã có khá nhiều thay đổi đáng kể so với phiên bản đầu tiên ra mắt, nhưng vẫn chưa thấy Go.vn đưa ra phiển bản chính thức nào, vẫn là phiên bản Beta mà thôi.

Cũng có nền tảng vững chắc từ nhà phát hành game VTC, cho nên số thành viên hiện tại của Go.vn cũng đã hơn 7 triệu người, một con số đáng kể. Cho dù vậy, chúng ta vẫn chưa thấy Go.vn tập trung vào các hoạt động quảng bá truyền thông. Họ vẫn chỉ đang âm thầm trong việc liên kết các thành viên và hoàn thiện hơn những tính năng sản phẩm.

Bên cạnh tính năng giải trí và giao tiếp, một trọng tâm của Go.vn là giáo dục. Hiện tại, cộng đồng trên Go.vn có 2 nhóm chính: game thủ và các học sinh thi IOE. Đây là điểm khác biệt của Go.vn những cá tính riêng khác biệt so với cộng đồng mạng xã hội khác.

Theo Go.vn, cuộc thi tiếng Anh IOE đã tạo cú hích đáng kể, giúp mạng xã hội này có thêm 1 triệu thành viên đăng ký sau hai tháng phát động cuộc thi. Các thành viên tham gia Go.vn qua cuộc thi IOE đều đăng kí tên và thông tin thật. Đây chính là một trong những khá tương đồng với Facebook với những mối quan hệ và thông tin thực của người dùng. Có thể nói Go.vn đã tiếp thu có chọn lọc các tính năng của Facebook và có định hướng nội dung khá bài bản, tập trung vào mảng giáo dục để kết nối giới trẻ.

Techz.vn chỉ xin nhắc tới 2 đại diện điển hình của mạng xã hội “made in Vietnam”, bên cạnh đó còn rất nhiều những mạng xã hội nhỏ khác ở Việt nam với số lượng người dùng khá đông đảo, nhưng những mạng xã hội đó chỉ phục vụ cho những mục đích chuyên biệt. Ví dụ như TruongXua.vn là mạng xã hội chuyên gắn kết các trường học ở Việt Nam, giúp chúng ta tìm lại bạn bè cũ, những người đã từng học cùng một trường với nhau.

“Sau tất cả” Facebook vẫn là trùm

Không thể phủ nhận, việc có nhiều mạng xã hội nhỏ lẻ cũng khá giúp ích cho những mục đích khác nhau của người dùng. Tuy nhiên những mạng xã hội của Việt Nam hiện nay lại khó lòng tìm được chỗ đứng so với ông lớn Facebook, vì thế cho nên đa phần các mạng xã hội này đã tìm cho mình hướng đi khác biệt để duy trì được thị phần của mình.

Ngoài ra còn có những website Việt đi theo định dạng web 2.0 hướng tới nội dung do người dùng tự tạo như Clip.vn, Ngoisaoblog.com, Cyworld.vn, Phununet.com ,Webtretho.com… xuất hiện, tuy nhiên chúng lại hướng theo mô hình quảng cáo trực tuyến và dựa vào những dịch vụ đi kèm như bán tài sản ảo. Những trang web đó vẫn chỉ có lượng truy cập ở mức khiêm tốn. Cho tới bây giờ, có những site đã chết yểu, có site thì vẫn còn tồn tại tuy nhiên chỉ ở mức độ duy trì.

Những tuyên bố hùng hồn của Zing Me rằng sẽ vượt mặt Facebook vào ngày ra mắt, có lẽ cũng chỉ mang tính chất PR cho sản phẩm của họ. Lý do có lẽ Zing Me cũng đã từng có lợi thế vào thời điểm đó, khi mà tại Việt Nam Facebook vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng “khó truy cập”. Tuy nhiên khi mọi thứ ổn định trở lại, thì mọi chuyện lại khác

Suy cho cùng, hiện nay ở Việt Nam thì lượng người sử dụng Facebook vẫn đứng đầu.

Và “hành động”?

Nhà nước Việt nam rất khuyến khích những mạng xã hội của người Việt, thậm chí đã chi gần 1.000 tỷ đồng cho việc phát triển những hoạt động đẩy mạnh thị trường này. Đồng thời, Bộ thông tin – Truyền thông dự kiến sẽ cho ra mắt mạng xã hội Việt Nam đủ sức cung cấp đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người dùng internet.

Mặc dù rất khó để tìm chỗ đứng cho mình, nhưng cũng không hẳn là tương lai mạng xã hội Việt sẽ chấm dứt ở đây. Các “đại gia” lớn như FPT, VinaGame, VTC Intecom, VCCorp… đã có những hoạt động tại thị trường này với các sản phẩm khá phong phú như tán gẫu, mạng xã hội, học tập... cho đến các chương trình truyền hình số và các dịch vụ đa phương tiện khác. Những sản phẩm này ít nhiều đã được quan tâm và thu hút số lượng người truy cập kha khá mỗi ngày.

Có lẽ hướng đi đúng cho hầu hết những MXH hiện nay tại Việt Nam đó là tập trung đánh mạnh vào thị trường ngách, dựa trên những thế mạnh của mình, và liên kết người dùng bằng những đặc điểm của địa phương.

Tóm lại, để xây dựng một Mạng xã hội Việt thu hút được người dùng quả là không đơn giản. Chúng ta cần có những mô hình phát triển hợp lý, thể hiện sâu sắc văn hóa Việt. Hi vọng trong tương lai, cư dân mạng tại Việt Nam sẽ có những sản phẩm ưu việt hơn mang đậm bản sắc Việt.

 

Là sinh viên VN, đừng làm những điều sau trên Facebook nếu không muốn đuổi học hoặc ngồi tù

(Techz.vn) Tuỳ vào hình thức vi phạm mà Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) sẽ đưa ra hình thức xử lý từ kỷ luật, buộc thôi học đến giao nộp cho cơ quan an ninh. Việc buộc thôi học có thể được đưa ra ngay trong lần đầu vi phạm. rn