Khoa học & Đời sống

Lý do nào khiến cá chết nổi lềnh phềnh khắp 4 tỉnh miền Trung?

Thông tin hàng tấn cá chết dạt vào bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế được một loạt báo đăng tải ngày hôm qua, 20/4. Các cơ chức năng đang vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn công tác tới hiện trường để điều tra nguyên nhân.

Hiện tượng cá chết dạt bờ từ đầu tháng 4/2016

Theo báo Quảng Bình, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh cho biết từ ngày 10/4, tại bờ biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) đã bắt đầu có hiện tượng cá chết rải rác, sau đó tiếp tục lan rộng xuống phía Nam ở vùng biển các xã Ngư Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ).

Đặc biệt đến ngày 14/4 cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển, chủ yếu là các loài cá ven bờ sống ở tầng đáy như: cá phèn, cá phèn đổng, cá đục, cá liệt, cá bò... Ngoài ra cá nuôi trong lồng tại một số nhà hàng nổi trên khu vực sông Nhật Lệ cũng có hiện tượng chết hàng loạt, xác định khoảng 1.000kg chủ yếu là cá mú, cá hồng...

Ngư dân Nguyễn Thiến, 43 tuổi, ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch có kinh nghiệm 20 năm đi biển cho biết mấy ngày gần đây, khi đánh cá trên biển thì họ bắt gặp trường hợp cá chết bất thường.

Anh Phạm Minh Công, chủ nhà hàng Biển Đông (phường Hải Thành, TP. Đồng Hới), cho biết, ngày 13/4, hơn 400kg cá mú, cá ông... trị giá hơn 100 triệu đồng của gia đình mới mua về để bán cho du khách bỗng nhiên chết hàng loạt, không xác định được nguyên nhân.

Còn báo Hà Tĩnh đưa tin từ đầu tháng Tư, các hộ nuôi cá lồng đã hứng chịu thiệt hại khi cá đột ngột chết không rõ nguyên nhân. Có hộ nuôi phản ánh cá hồng, cá chẽm nuôi lồng bè vẫn ăn và vận động bình thường nhưng khi thủy triều lên đẩy nguồn nước biển vào thì cá bơi lờ đờ và sau đó chết hàng loạt. Không chỉ cá nuôi mà nhiều loài cá tự nhiên ở khu vực sông Hải Khẩu cũng bị lờ đờ, sau đó chết hàng loạt, trôi dạt khắp bờ sông.

Báo Quảng trị cho biết trong tuần qua, dọc các xã vùng biển bãi ngang trong tỉnh Quảng Trị như Vĩnh Thái (Vĩnh Linh); Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh); Triệu Lăng (Triệu Phong)…đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt và trôi dạt vào bờ. Hầu hết cá trôi vào bờ là loại cá sinh sống và kiếm ăn ở tầng đáy (cá rạn) như cá trạng, cá bè, cá doái, cá sơn, cá khoang cổ... Khi thấy cá chết trôi vào bờ, nhiều người dân địa phương đã nhặt được hàng chục cân về làm thức ăn cho gia súc chứ không dám ăn vì sợ cá chết không rõ nguyên nhân gì.

Tại Thừa Thiên – Huế, báo địa phương đưa tin từ khoảng đầu tháng Tư ghi nhận hiện tượng cá, tôm nuôi lồng ven biển bị chết, thống kê bước đầu cho thấy xảy ra trên diện tích khoảng vài chục ha. Tuy nhiên, đến ngày 17/4, người dân thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) chứng kiến tôm, cá chết trắng các cửa biển. Theo người dân địa phương, ban đầu, ngày 15/4 chỉ có một số ít cá biển chết trôi vào bờ, một số vẫn thoi thóp, một vài người dân đã đi nhặt những con cá còn sống về ăn.

Tuy nhiên đến khoảng 5h sáng nay (17/4), các loại cá to, nhỏ chết nổi trắng trên các cửa biển, cửa sông., trong đó có cả những loài sống dai như cá đuối, nhói, mật tầm… và một vài cá thể ba ba cũng cùng chung số phận.

Đáng lo ngại vì cá ở tầng nước đáy cũng chết

Bộ TN&MT họp khẩn sáng ngày 20/4 về hiện tượng cá chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: website Bộ TN&MT

Đến ngày 20/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp khẩn, đồng thời cử đoàn công tác vào các tỉnh có cá chết dọc bờ biển để điều tra, xác minh nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết. Việc xác định nguyên nhân cá chết do ô nhiễm môi trường phải có cơ sở, luận chứng khoa học rõ ràng và đây là trách nhiệm của các đơn vị chức năng phải thực hiện và công bố sớm. Còn ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói "khi chưa có nguyên nhân cụ thể rất mong người dân không hoang mang ", và hứa "sớm làm rõ nguyên nhân sự việc và thông tin để người dân được yên tâm".

Liệu có phải cá biển chết hàng loạt do chất thải đổ ra từ các nhà máy?

Trước đó, ngày 15/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đích thân làm trưởng đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở khu vực Vũng Áng nằm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong công văn ngày 11/4, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 - Bộ NN&PTNT)  nhận định hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt là do "yếu tố gây độc trong nước" tại biển Vũng Áng được bắt từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc, chết hàng loạt.

Sát vùng biển Vũng Áng có Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy sản xuất thép, Nhà máy nhiệt điện của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh) đã đi vào hoạt động. Phóng viên báo Hà Tĩnh phản ánh "tại Khu kinh tế Vũng Áng, quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn chưa được các đơn vị sản xuất chấp hành một cách nghiêm túc. Thậm chí, có cơ sở sản xuất thải ra một số lượng lớn chất thải nguy hại nhưng không có hệ thống thu gom xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật".

Trả lời phóng viên báo Dân Việt, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói: "Hiện nay Formosa chưa xả thải, vì nhà máy chưa vận hành, ngày 25/6/2016 này mới khánh thành".

Ngày 16/4, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế cho biết, nguyên nhân hàng chục lồng cá chết là do môi trường nước thay đổi đột ngột, độ PH trong nước tăng cao so với mức bình thường.

Việc cá nuôi và cá sống trong môi trường biển tự nhiên bị chết có phải do nước ô nhiễm hay không sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, các chuyên gia Viện Công nghệ môi trường cho biết dựa trên những thông tin ban đầu về tình trạng cá chết không chỉ ở tầng nước mặt mà cả ở tầng nước đáy là rất đáng lo ngại, nguy cơ ô nhiễm nước biển có thể đang lan rộng theo các dòng hải lưu.

Theo báo Quảng Trị, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Tuổi trẻ

 

Bật mí về công nghệ bí ẩn được chọn để ướp xác rùa hồ Gươm

(Techz.vn) Sau một thời gian nghiên cứu và thảo luận, người ta đã lựa chọn được biện pháp ướp xác thích hợp để bảo tồn được hình dạng nguyên vẹn ban đầu của rùa hồ Gươm. rn