Quân sự

Hậu duệ Phan Bội Châu đóng tàu ngầm: Bước tiến mới của ngành quân khí?

Người chế tạo tàu ngầm đầu tiên của Đông Nam Á

Tàu ngầm Yết Kiêu 1 của ông Phan Bội Trân chiều dài 3,2m, chiều cao 1m và ngang 1m, nặng hơn một tấn nhưng có đầy đủ tính năng của một tàu ngầm. Tàu sử dụng động cơ điện, có thể đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Vỏ tàu được làm bằng composit nên độ bền cao hơn vỏ thép.

Ông Trân cho biết: “Với vỏ thép, quá trình làm khuôn đúc rất phức tạp. Còn với vỏ composit, khuôn làm vỏ cũng bằng chính composit dễ và giá thành cũng thấp hơn”.

Theo ông Trân, hơn 90% linh kiện được tìm mua hoặc chế tạo trong nước, chỉ mỗi động cơ là phải mua từ nước ngoài. “Nếu sản xuất số lượng nhiều, tôi cũng sẽ mua công nghệ sản xuất động cơ để đảm bảo 100% tàu ngầm này đạt thương hiệu Made in Vietnam” – ông khẳng định.

Tàu thử nghiệm thành công vào năm 2010 và cho đến nay đã phát triển thành nhiều phiên bản, có ứng dụng trong hai lĩnh vực dân sự và quân sự.

Tàu ngầm Yết Kiêu, sản phẩm mà ông Phan Bội Trân, hậu duệ cụ Phan Bội Châu đang ấp ủ

Ông Phan Bội Trân là Việt kiều nhưng đã trở về sống ở Việt Nam. Theo ông Trân, cụ của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và làm quan trong triều Nguyễn. Cụ được triều đình cử vào cai quản một vùng đất phương Nam mà bây giờ là vùng Dĩ An- Bình Dương. Theo chân cụ, con cháu họ Phan cũng theo vào lập thành dòng họ Phan khá lớn ở khu vực này. Sau khi cụ tổ mất, dân trong vùng đã lập đền thờ.

Cha ông Trân từng tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 và bị thực dân Pháp bắt giam. Sau những đòn tra tấn dã man không khuất phục được ông, chúng đành thả ông ở tình trạng tàn phế. Năm 1975, đất nước thống nhất khi ông An đang du học tại Pháp.

Là sinh viên ngành hóa, ông được học chuyên sâu về vật liệu composit, đặc biệt là những loại composit chuyên được ứng dụng cho các thiết bị trong tàu ngầm, máy bay trực thăng. Sau khi học xong, ông Trân làm việc tại một hãng chuyên chế tạo tàu ngầm và có cơ hội nghiên cứu kỹ thuật chế tạo tàu ngầm. Năm 1996, ông trở về Việt Nam và mở phân xưởng nghiên cứu về composit.

Để bảo vệ chủ quyền, đừng quá phụ thuộc vào vũ khí đi mua

Chia sẻ về những ứng dụng của tàu ngầm Yết Kiêu trong lĩnh vực quân sự, ông Trân cho biết: “Hiện tại tàu ngầm Yết Kiêu đang được nghiên cứu và phát triển theo hướng tổ hợp khí tài, có khả năng chiến đấu hiệu quả. Tôi đã hoàn thiện về lý thuyết những tính toán của mình, với sự giúp đỡ về mặt chuyên môn của nhiều chuyên gia, cũng như tính kỹ chiến thuật của quân sự và bắt đầu bắt tay vào việc. Nếu thành công, tổ hợp khí tài của Việt Nam này đủ sức đương đầu với hạm đội 7 mạnh nhất thế giới của Mỹ, không riêng những đội quân khác”.

Cận cảnh chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân

“Quá trình nghiên cứu, chế tạo dự án này kinh phí được sử dụng toàn bộ từ tiền của tôi và khoản thừa kế mà tôi được nhận, không sử dụng tiền của nhà nước. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận được sự tư vấn, hỗ trợ, giám định từ phía hải quân, đồng thời việc thử nghiệm đều được tiến hành trong khu quân sự và được coi là một dự án bí mật.” – Ông Trân cho biết.

Ông Phan Bội Trân phân tích: “Theo quan điểm của tôi, việc mua sắm vũ khí quân sự hiện đại của các nền quốc phòng nước ngoài là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, có một câu châm ngôn của Tây phương mà chúng ta cần lưu ý, “tiền bạc là sợi dây gân của chiến tranh”, nếu đi theo định hướng đó là mình thua rồi.

Chất lượng, hiệu quả của khí tài tỉ lệ thuận với tiền bạc, hay nôm na là tiền nào của nấy. Nhưng nếu ta có sự đầu tư đúng đắn, hiệu quả vào chất xám thì nguyên tắc trên hoàn toàn có thể bẻ ngược lại.

Năm 1945, khẩu súng của quân đội Việt Nam tự chế bắn được 40m, nhưng nếu cứ mang ông Trần Đại Nghĩa ra bôi bác thì liệu ta có súng SKZ, súng chống tăng, hay cứ trông chờ vào tên lửa của Liên Xô, liệu ta có đủ sức bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội?”

“Chúng ta đang đặt niềm tin vào Kilo, nhưng ta chỉ có 6, trong khi đối phương gấp 10 chúng ta. Nếu ta mua được Kilo, thì các nước giàu đã mua được những thứ hiện đại hơn, như Trung Quốc mua được tàu ngầm lớp Lada của Nga chẳng hạn. Và cũng không thể trông đợi vào việc phía Nga bán Kilo cho chúng ta mà không bán cho các nước khác, bởi họ làm kinh tế, cứ có tiền là họ bán.”

Ông Phan Bội Trân nhấn mạnh: “Nước ta tuy không phải nước nghèo, nhưng chưa phải là nước giàu, tiền bạc chúng ta không có, thì phải sử dụng chất xám của mình để tạo ra những tổ hợp khí tài để trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Việt Nam có thể dư sức sản xuất.

Thực thế, dân tộc ta đã làm được một điều không tưởng khi chiến thắng đế quốc Mỹ mạnh nhất thế giới. Chẳng có lý do gì để con cháu sau này không thể tiếp tục bước đi như những cha anh đi trước”.

Đọc thêm: Cận cảnh HQ 183 - chiếc tàu ngầm thứ 2 của Hải quân Việt Nam

Mạnh Hưng (Theo Báo Đất Việt)