Thiết kế
Jelly Ear được chế tác thủ công. Tuy thoạt nhìn có chút thô kệch nhưng đó chính là cái nét rất riêng, là giá trị thực của bất cứ một món đồ handmade nào. Hơn nữa, chút thô kệch ấy lại chính là điểm nhấn của Jelly Ear - thô một chút nhưng lại giúp Jelly Ear bền chắc hơn, khắc phục hầu hết khuyết điểm của các tai nghe được sản xuất hàng loạt khác.
Có thể kể đến là cách tết dây để tăng tính chịu lực. Các đoạc tết chỉ đỏ nhằm gia cố khớp nối. Phần vỏ tay được đúc liền khối để tăng tính bền chắc cũng như giúp truyền tải hoàn toàn âm thanh đến núm tai nghe….
Nhìn chung, nếu đúng ở góc độ nhìn, Jelly Ear đạt điểm dưới trung bình. Nhưng xét về tính handmade, về sự trau chuốt trong khâu chế tác cũng như ý đồ đằng sau vẻ thô kệch, Jelly Ear hoàn toàn hơn hẳn bất cứ chiếc tai nghe nào.
Chất âm
Jelly Ear sử dụng balanced armature, loại driver có cấu trúc tương tự như một chiếc loa nhỏ (loa trong tai nghe) cho phép bóc tách chi tiết âm thanh, có thể tái tạo riêng rẽ âm thanh của từng nhạc cụ. Loại driver này vốn được sử dụng hạn chế trong một số tai nghe cao cấp như Sony XBA, Phonak 232..., có khả năng tái hiện chi tiết âm, cho âm treble rất tốt. Tuy nhiên, so với dynamic driver là loại tai nghe này có giá thành cao hơn, lại không thể tái hiện âm bass to và chắc được dù có độ bền cao hơn rất nhiều. Theo đó, Jelly Ear cũng thật sự kén người dùng, chỉ phụ hợp với loại nhạc cổ điển vốn không có quá nhiều âm trầm, tiếng trống.
Thử nghiệm thực tế của Techz cho thấy, khi nghe một bài nhạc trẻ, khó có thể chấp nhận chất âm của Jelly Ear. Hầu như rất khó nghe thấy tiếng bass, kể cả khi đã bật chế độ tăng âm trầm trên máy, hoàn toàn thua cả những chiếc tai nghe rẻ tiền khác trên thị trường.
Tuy nhiên, với nhạc đồng quê, nhạc cổ điển với tiết tấu chậm, cảm nhận hoàn toàn khác.
Với bài Driving (định dạng lossless) do Olivia Ong trình bày, một bài hát khá hay với tiết tấu rất chậm, ít khí cụ, Jelly Ear thể hiện khá tốt. Chất giọng ca sĩ được tái hiện rất trong. Bạn có thể cảm nhận cả những tiếng thé nhỏ ở đoạn cao trào, hoặc tiếng lấy hơi của ca sĩ. Chi tiết được đánh giá cao là ở mức âm lượng lớn, âm treble vẫn khá trong, không bị rách tiếng.
Trải nghiệm khác với những bản nhạc vàng của Việt Nam vốn rất ít khí cụ hỗ trợ mà chỉ tập trung vào chất giọng ca sĩ, bạn càng dễ cảm nhận chất riêng của Jelly Ear. Bản thân tôi cũng rất nghiện thể loại nhạc này vì chất âm của ca sĩ là chi tiết được ưu tiên nhất. Theo đó, âm vực được tái hiện rộng và cao. Từng đoạn nhép miệng, lấy hơi đều được cảm nhận rõ. Nếu cảm nhận kỹ hơn, bạn có thể phân biệt rõ cả tiếng nhạc nền nhỏ hơn rất nhiều của khí cụ hỗ trợ.
Một ví dụ khác là bài Close to you do Susan Wong trình bày. Ấn tượng âm “sh” được thể hiện quá chi tiết. Ở khúc đệm guitar, bạn có thể cảm nhận cả tiếng ngân từ cách vuốt dây của người đánh đàn, tiếng thả nốt của nghệ sĩ dương cầm. Từ nhịp lấy hơi, thả và dứt âm đều được thể hiện rõ… Khá ấn tượng!
Kết luận
Có thể nói Jelly Ear kém hấp dẫn với loại nhạc hiện nay cũng đúng. Nói rằng Jelly Ear kén nhạc, kén người dùng cũng đúng. Bởi, âm nhạc là một thứ phi vật thể, không thể định hình định tính. Mỗi người mỗi ý lại càng khó xác nhận. Song, nếu bạn là người yêu thích nhạc cổ điển, yêu thích những bản nhạc tiết tấu chậm với lời hát cao vút, Jelly Ear sẽ là chiếc tai nghe bạn có thể cân nhắc. Và nếu bạn là người yêu thích một cái gì đó mới mẻ, một món hàng thủ công hoàn mỹ, hãy thử Jelly Ear…
Ngọc Ngân