Laptop

Ultrabook hiện không còn là ultrabook như định nghĩa

Ultrabook hiện không còn là ultrabook như định nghĩa

Dòng máy tính xách tay siêu mỏng ultrabook đang xuất hiện những mẫu không theo tiêu chí Intel đưa ra lúc đầu. Sự lạm dụng "mác" ultrabook có thể khiến con đường thành công của dòng sản phẩm này chông gai hơn.

Các yêu cầu mà Intel đặt ra cho các nhà sản xuất dòng máy tính xách tay ultrabook dường như không được tuân thủ đúng đắn và người dùng xem ra vẫn còn khá thờ ơ với những sản phẩm này.

Khái niệm “ultrabook” được hiểu là những máy tính xách tay siêu mỏng nhẹ, thiết kế hiện đại. Nó vừa phải nhỏ gọn để đáp ứng tiêu chí cơ động vừa phải có thời lượng pin dài hơn các dòng máy tính xách tay cũ. Tóm lại các tiêu chí liên quan đến ultrabook làm ta có thể nhầm với chiếc Macbook Air của Apple. Thực ra đây chính là ý đồ của Intel khi “lăng-xê” hình ảnh ultrabook để cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Apple.

Tuy nhiên, khi vào trang web chính thức của Intel về ultrabook, người xem có thể sẽ bị bất ngờ bởi những hình ảnh được giới thiệu ở đây không tương đồng chút nào với các tiêu chí của Macbook Air. Câu hỏi được đặt ra là liệu những chiếc máy tính có kích cỡ màn hình lên tới 15,6 inch có đủ cơ động để so sánh với Macbook Air, iPad và các thế hệ điện thoại thông minh có cấu hình ngày càng mạnh mẽ? Thậm chí có chiếc máy tính còn nặng hơn cả 3 thiết bị kể trên cộng lại mà Intel vẫn gọi đó là ultrabook!

Ultrabook thực sự là gì?

Dell XPS 13

Khái niệm ultrabook nguyên thủy gắn liền với sự mỏng nhẹ và có màn hình hiển thị dao động trong khoảng từ 11-13,3 inch. Các ví dụ mới nhất đáp ứng tiêu chí này là Dell XPS 13, Asus Zenbook hay Folio 13 của HP. Đó thực sự chính là những gì mà Intel vốn định mang tới cho dòng sản phẩm tương tự Macbook Air này. Các máy tính xách tay này chỉ dày khoảng 1 inch, nặng chừng 1,3 kg và được trang bị những công nghệ thời thượng nhất như bộ vi xử lí thế hệ mới, ổ cứng SSD và thời lượng pin trên 5 giờ sử dụng.

Asus Zenbook

Không nghi ngờ gì nữa, ultrabook chính là một thế hệ máy tính siêu di động mới mỏng hơn, nhẹ hơn, nhanh hơn và được chế tạo từ các vật liệu cao cấp. Chỉ cần nhìn vào quảng cáo khi lăng-xê ultrabook của Intel, ta có thể thấy ngay một chiếc máy tính xách tay siêu mỏng nhẹ có màn hình 13 inch, và Intel cũng không giấu giếm ý đồ so sánh ultrabook với Macbook Air.

Vấn đề nằm ở chỗ các tiêu chí về cấu hình mà Intel đặt ra với các sản phẩm dòng ultrabook. Để được coi là ultrabook, Intel yêu cầu chiếc máy tính đó phải được trang bị bộ vi xử lí thế hệ Core I mới của Intel, thời lượng pin phải đạt tối thiểu 5 giờ sử dụng, khả năng khôi phục hoạt động từ chế độ ngủ đông (hibernate) tối đa là 7 giây.

Ngoài ra nó cũng phải hỗ trợ một số công nghệ quan trọng của Intel như Intel Management Engine, Intel Anti-Theft và Intel Identity Protection. Dường như Intel bỏ rơi một số yếu tố đã được đề cập ở trên như kích cỡ, trọng lượng, kiểu dáng, độ bền, vật liệu và chất lượng hiển thị. Cần lưu ý là đối thủ trực tiếp và lớn nhất mà Intel nhắm tới - Macbook Air của Apple - hội tụ hầu hết các yếu tố này.

Một chiếc ultrabook đúng nghĩa có màn hình 13,3 inch không được dày quá 18 mm. Việc tăng kích cỡ màn hình với mục đích tạo ra các ultrabook lớn hơn sẽ làm cho độ dày của máy tăng lên, cụ thể màn hình 14 inch sẽ làm cho máy có độ dày tương ứng là 21 mm. Như thế cũng đã là mỏng rồi, song chưa thực sự ấn tượng như những gì Intel làm cho người dùng kì vọng vào một thế hệ máy tính chạy Windows chưa bao giờ mỏng thế.

Trên thực tế, độ dày này của máy chỉ kém độ dày của Macbook Pro (không phải Macbook Air) vỏn vẹn có 3 mm. Mà không ai gọi dòng Macbook Pro của Apple là siêu di động cả. Hãy thử ngó sang các mẫu ultrabook như HP Envy 14 Spectre và Samsung Series 5 Ultra - chúng đều có màn hình 14 inch và có độ dày không xứng đáng với cái tên ultrabook chút nào.

HP Envy 14 Spectre
Samsung Series 5 Ultra

Không đơn thuần là chuyện kích thước

Intel có thể biện bạch rằng thương hiệu ultrabook không chỉ liên quan tới vấn đề kích thước, nó còn liên quan tới độ đáp ứng và tính bảo mật. Nhưng kể cả trong lĩnh vực này, một chiếc máy tính xách tay thông thường cũng có thể dùng song song hai ổ cứng. Ổ cứng HDD tốc độ chậm hơn phục vụ cho lưu trữ, ổ SSD được dùng như bộ nhớ đệm flash khi đưa máy vào chế độ ngủ đông để có thể đáp ứng tiêu chí “sẵn sàng hoạt động trong vòng 7 giây sau khi hibernate”. Tất nhiên, cách này không thể làm cho tốc độ xử lý ứng dụng của máy tính nhanh hơn như việc dùng toàn bộ ổ cứng SSD trang bị cho máy tính.

Về mặt bảo mật, công nghệ Intel Anti-Theft Technology cho phép người dùng có thể tắt/khóa máy tính từ xa trong trường hợp bị mất máy. Nhưng một số kết quả điều tra cho thấy, nhiều người dùng thậm chí còn không quan tâm tới việc cài đặt và kích hoạt tính năng này. Một công cụ bảo mật khác là Intel Identity Protection là một tính năng quản lý đăng nhập của Intel được tích hợp sẵn cho người dùng. Tính năng này giúp người dùng có thể truy cập web an toàn hơn song có vẻ số đông người dùng ít khi quan tâm đến nó. Thay vào đó, Intel nên hỗ trợ cho công nghệ TPM - Trusted Platform Module để đảm bảo cho việc mã hóa dữ liệu an toàn.

Các tính năng kể trên đều là những tính năng cộng thêm hữu ích song vấn đề là đại đa số người dùng không quan tâm đến chúng. Họ chỉ quan tâm tới viễn cảnh đẹp đẽ mà Intel vẽ ra về một dòng máy tính xách tay siêu mỏng nhẹ, pin “trâu”. Nếu ta trao cho người dùng một chiếc máy tính dày 20 mm, màn hình 15,6 inch, nặng tới gần 2,5 kg và được làm từ nhựa rẻ tiền, có lẽ họ cũng sẽ gọi đó là một thế hệ máy tính xách tay mới. Mặc dù nó đáp ứng các cấu hình phần cứng yêu cầu, nhưng nó không phải là ultrabook. Chính xác hơn là không phải là ultrabook theo khái niệm mà Intel đưa ra ban đầu.

Trong năm nay chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều mẫu máy tính xách tay mới ăn theo cái tên ultrabook. Trong khuôn khổ sự kiện CES 2012 năm nay, Intel đã tuyên bố về việc các nhà sản xuất dự kiến sẽ tung ra tới 75 mẫu sản phẩm ultrabook trong năm 2012. Với tuyên bố này, có lẽ Intel và liên minh muốn chứng minh sự đa dạng mà khái niệm ultrabook có thể mang lại. Tuy nhiên, nếu quả thực có nhiều mẫu ultrabook như thế ra mắt trong năm nay thì cũng không nên kỳ vọng vào việc chúng được thiết kế một cách độc đáo và đặc biệt hơn trước.

Ultrabook nên như thế nào?

Điều đầu tiên khi nhắc tới tiêu chí di động là sản phẩm phải nhẹ để đảm bảo tính cơ động, do vậy các nhà sản xuất nên giới hạn trọng lượng tối đa ở mức 1,8 kg. Cùng với xu thế sử dụng thao tác “chạm-vuốt”, các ultrabook nên có màn hình cảm ứng được sản xuất chủ yếu để chạy Windows, mà phiên bản Windows 8 sắp tới lại là một hệ điều hành hỗ trợ giao diện cảm ứng. Đây sẽ là một ưu thế không nhỏ cho các nhà sản xuất khi cạnh tranh trên thị trường.

Về mặt tốc độ xử lý các chương trình, ultrabook cũng cần nhanh và hiệu quả bên cạnh yếu tố hồi phục nhanh từ chế độ ngủ đông. Các máy tính này cũng nên trang bị thêm các bộ cảm biến như GPS, cảm biến gia tốc, con quay hồi chuyển và hỗ trợ NFC. Chúng sẽ cho phép các nhà phát triển tạo ra vô số các ứng dụng mới như chúng ta đã được chứng kiến với máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Chất lượng hiển thị cũng là một vấn đề cần được đề cao cùng với việc làm cho việc sử dụng trackpad trở nên thú vị và hiệu quả hơn (học theo máy tính xách tay Mac?). Các nhà sản xuất nên chú trọng hơn nữa đến khâu thiết kế và vật liệu sản xuất ra thiết bị. Chúng cần có các đường nét thanh thoát và ấn tượng hơn nữa, chất liệu phải bền hơn nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với PC World, đại diện của Intel đã nói rằng “tiền tố ultra chính là ám chỉ đến sự vượt trội, và Intel mong muốn dòng máy tính ultrabook sẽ là những thiết bị đỉnh-của–đỉnh mà người dùng muốn có ở thiết bị điện toán mới mà họ cần”. Chính điều này cho thấy Intel và liên minh còn cần phải cải tiến và thay đổi nhiều thêm nữa để đưa được ultrabook tới đỉnh vinh quang.

Ultrabook cần đạt các tiêu chí như khái niệm ban đầu của Intel nếu muốn thành công.

Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng, Intel có thể đặt ra những rào cản đủ lớn để ngăn các nhà sản xuất lạm dụng khái niệm này và tung ra sản phẩm ồ ạt. Có vẻ như, phía trước vẫn là con đường dài ngoằn ngoèo mà Intel và liên minh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đuổi kịp (chứ chưa nói tới vượt) Apple. Đó là còn chưa nói tới sự phổ biến của máy tính bảng đang ngày càng thu hẹp thị phần của máy tính truyền thống. Liệu trong vài năm tới Intel có đưa ra khái niệm ultratab, ultrapad hay một thứ gì đó tương tự?

Theo PCWorld VN/PCW