Nhịp sống số

[Benchmark] Virtu Universal MVP: Đồ họa tích hợp tăng tốc cho đồ họa rời!

[Benchmark] Virtu Universal MVP: Đồ họa tích hợp tăng tốc cho đồ họa rời!
Thi thoảng lượn qua các diễn đàn công nghệ, tôi vẫn bắt gặp những câu hỏi kiểu như: “Liệu đồ họa tích hợp có chạy chung với card đồ họa rời được không?”; “Có cách nào để tận dụng hiệu năng của đồ họa tích hợp không? Mua về mà không xài được thì phí lắm”. Chỉ vài tháng trước, đây thực sự là những thắc mắc ngây ngô. Thế nhưng giờ đây, với Virtu Universal MVP, ý tưởng "kết hợp hiệu năng giữa card đồ họa rời và đồ họa tích hợp" đã được hiện thực hóa.
 

 
Virtu Universal MVP

Lucid Virtu là một phần mềm ứng dụng trên các bo mạch chủ Z68, có 2 tác dụng:
 
- Sử dụng công nghệ Quick Sync của Intel (render video cực nhanh) trong khi đang dùng card đồ họa rời mà không phải thiết lập lại phần cứng.
- Tự động chuyển đổi qua lại giữa đồ họa rời và đồ họa tích hợp nhằm tiết kiệm điện năng: khi hệ thống chạy các tác vụ bình thường, Virtu sẽ điều phối iGPU đảm nhận; khi cần chơi game hay các ứng dụng đồ họa nặng, VGA rời mới phải làm việc.
 
Virtu Universal MVP là phiên bản kế tiếp và sở hữu các tính năng cơ bản của Virtu Universal trước đây, kèm theo 2 tính năng cải tiến:
- HyperFormance: Kết hợp cùng lúc iGPU và VGA rời, tăng tốc độ xử lý game lên tối đa! Đây chính là khía cạnh mà chúng ta sẽ khai thác trong bài viết này.
 
- Virtual Vsync: Theo như tìm hiểu của tôi, Virtual Vsync có tác dụng chống rách hình khi FPS quá cao so với tần số làm tươi của màn hình (refresh rate) – tương tự như Vsync hiện nay nhưng không khóa FPS ở ngưỡng 60. Tuy nhiên thực tế kiểm nghiệm của tôi lại khác: Virtual Vsync vẫn khóa FPS tại mức 60, đồng thời GPU vẫn phải tải nặng tối đa, không giảm tải như Vsync?!
 
Cấu hình yêu cầu
 

Bo mạch chủ: sử dụng chipset H61 / H67 / Z68 / Z75 / Z77
Bộ xử lý: Intel Sandy Bridge / Ivy Bridge
Card đồ họa rời: Nvidia GF/GTX 4xx/5xx series
                           AMD HD5xxx/HD 6xxx series
                            (Không hỗ trợ CrossFireX và SLI)
Bộ nhớ trong: 2GB
Hệ điều hành: Windows 7
Ứng dụng với các game DirectX 9, DirectX 10/10.1 và DirectX 11


Giao diện phần mềm

Giao diện của Virtu MVP có 4 tab để điều chỉnh. Đầu tiên là tab “Main”:
- Nút “On – Off” để kích hoạt/tắt Virtu MVP.
- Phần “In-Game Icon”: bật/tắt và điều chỉnh vị trí logo Virtu MVP trong game.
- Nút “Restore To Defaults”: trả toàn bộ thiết lập về mặc định ban đầu.
 

 
Tab Performance:
- HyperFormance (On – Off): tăng hiệu năng trong game.
- Virtual Vsync (On – Off): chức năng chống rách hình ảnh khi FPS quá cao so với tần số làm tươi (refresh rate) của màn hình.
 

 
Tab “Applications”: Phần này có chức năng liệt kê/thêm/bớt ứng dụng (chủ yếu là game) mà người dùng muốn chạy với Virtu MVP.

- Cột “D”: Kích hoạt ứng dụng chạy ở D – Mode, ưu tiên sử dụng VGA rời trước rồi mới đến iGPU (khi cần dùng Quick sync của iGPU chẳng hạn). Chế độ này ưu tiên hiệu năng, yêu cầu cắm dây tín hiệu từ màn hình vào VGA rời.
- Cột “I”: Kích hoạt ứng dụng chạy ở I – Mode, ưu tiên sử dụng iGPU trước rồimới đến VGA rời khi cần tải nặng. Chế độ này ưu tiên tiết kiệm điện năng, yêu cầu cắm dây tín hiệu từ màn hình vào cổng xuất hình trên bo mạch chủ.
- Cột “H”: Kích hoạt HyperFormance cho ứng dụng. Những ứng dụng nào được MVP hỗ trợ sẽ được tick sẵn. Các ứng dụng không được tick chưa được phiên bản hiện tại hỗ trợ, nhưng người dùng vẫn có thể kích hoạt để thử sự khác biệt.
- Các nút Add/Edit/Remove: Thêm/Sửa đường dẫn/Xóa ứng dụng muốn chạy với Virtu MVP.


Tab “About”: Cung cấp thông tin về kích hoạt bản quyền và phiên bản Virtu MVP đang cài đặt. Trên bo mạch chủ của AsRock Z77 Fatal1ty Professional cấu hình test sử dụng, chỉ cần click vào nút “Activate” là phần mềm được kích hoạt, không cần key hay license gì cả.


Cấu hình thử nghiệm – Nội dung test
 

Bo mạch chủ: AsRock Z77 Fatal1ty Professional
Bộ xử lý: Intel Core i7 2600K @4.5GHz
Tản nhiệt CPU: Cooler Master V6GT
Bộ nhớ trong: 2 x 4GB Kingston HyperX T1 1866 9-11-9
Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II OC
Ổ cứng: Kingston HyperX 240GB
Nguồn: Cooler Master Silent Pro Hybrid 1050W

 

Nội dung thử nghiệm bao gồm 8 phép thử:

- 2 phần mềm benchmark: 3DMark Vantage và 3DMark 11.
- 4 game được Virtu MVP hỗ trợ: Dirt 2, Lost Planet 2, Batman Arkham Asylum và Crysis Warhead.
- 2 game Virtu MVP không hỗ trợ: Dirt 3 và Metro 2033.

Ngoài kết quả benchmark, tôi sẽ đưa cả đồ thị FPS để theo dõi hiệu quả thật sự của Virtu MVP ra sao.
 
3DMark Vantage – 3DMark 11

Sau khi thực hiện phép benchmark đầu tiên là 3DMark Vantage, tôi thực sự cảm thấy hơi choáng: tổng điểm tăng 22% (26608 so với 21796), riêng điểm GPU tới 28% (25593 so với 19969)! Điểm số này ngang GTX 570 rồi chứ chả ít!


Điều tương tự cũng xảy ra với 3DMark 11, nhưng con số còn ấn tượng hơn nhiều: tổng điểm tăng 37% (6980 so với 5073), còn điểm GPU tăng tận 43% (6639 so với 4641), hơn GTX 570 không ít. Tuy đây chỉ là 2 chương trình benchmark chứ không phải game thực tế nhưng trước nay kết quả của chúng đều đáng tin cậy. Hi vọng rằng trong các game mà tôi sắp test, sự tăng hiệu năng này còn tiếp diễn.



4 game Virtu MVP hỗ trợ: Dirt 2, Lost Planet 2, Batman Arkham Asylum và Crysis Warhead

Game đầu tiên tôi test thử là Dirt 2. Số khung hình/giây tiếp tục tăng đáng kể: khung hình trung bình tăng 23% (93,3 so với 75,9) và khung hình thấp nhất tăng 31% (81,9 so với 62,3). Tuy không nhiều như 3DMark 11 kết quả này đã là quá tốt!


Game thứ 2 là Lost Planet 2. Game này chỉ có chế độ DX9 nằm trong danh sách hỗ trợ của Virtu MVP, còn chế độ DX11 thì không. Tôi vẫn kích hoạt Virtu MVP cho cả 2 chế độ rồi chạy thử.
Giống như Dirt 2, Lost Planet 2 DX9 tiếp tục là một thành công của Virtu MVP: khung hình trung bình tăng 40% (105,7 so với 75,6), FPS duy trì rất ổn định quanh mức 100.


Thế nhưng chuyển sang chế độ DX11 với Virtu MVP kích hoạt thì chất lượng lại giảm hẳn. Tuy khung hình trung bình vẫn tăng tận 24% (71,9 so với 57,7) nhưng trồi sụt thất thường, khiến game đang mượt lại bị giật! Dù sao chế độ DX11 của Lost Planet 2 hiện chưa được hỗ trợ nên tôi không có đánh giá gì cho trường hợp này, nhưng điều bất thường sẽ diễn ra ngay sau đây!


Game tiếp theo là Batmam Arkham Asylum. Tuy được Virtu MVP hỗ trợ nhưng khung hình trong game chả tăng chút nào.
 

Game cuối cùng trong nhóm 4 game được hỗ trợ là Crysis Warhead. Tuổi đời khá cao nhưng cho đến hiện tại đây vẫn còn là sát thủ phần cứng loại mạnh và vẫn tồn tại trong các review VGA. Nếu Virtu MVP khuất phục được gã sát thủ cứng đầu này thì thật là tuyệt vời.
Thế nhưng rất tiếc kết quả lại ngược hẳn với mong đợi, FPS không tăng mà ngược lại còn… giảm (dù đây là game được hỗ trợ). Cụ thể: khung hình trung bình giảm 10% (30,42 so với 33,92), khung hình thấp nhất giảm 6% (24,22 so với 25,71), khung hình cao nhất giảm 12% (36,64 so với 41,76). Một lỗi cho Virtu MVP!


2 game Virtu MVP không hỗ trợ: Dirt 3 và Metro 2033
2 game này khung hình chỉ tăng chút ít không đáng kể. Trong Metro 2033 thì khung hình cao nhất tăng kinh khủng: từ 84 lên tận 342! Hãy xem đồ thị ở phía dưới để tìm hiểu thêm.


Tổng hợp kết quả

Nhóm phép thử tăng điểm:

- 3DMark Vantage (Virtu hỗ trợ): tổng điểm tăng 22% (26608 so với 21796), điểm GPU tăng 28% (25593 so với 19969).
- 3DMark 11 (Virtu hỗ trợ): tổng điểm tăng 37% (6980 so với 5073), điểm GPU tăng 43% (6639 so với 4641).
- Dirt 2 (Virtu hỗ trợ): khung hình trung bình tăng 23% (93,3 so với 75,9), khung hình thấp nhất tăng 31% (81,9 so với 62,3).
- Lost Planet 2 DX9 (Virtu hỗ trợ): khung hình trung bình tăng 40% (105,7 so với 75,6), khung hình duy trì ổn định.
 
Nhóm phép thử giữ không tăng điểm (hoặc tăng không đáng kể):

- Batman Arkham Asylum (Virtu hỗ trợ)
- Dirt 3 (Virtu không hỗ trợ)
- Metro 2033 (Virtu không hỗ trợ)
 
Nhóm phép thử bị giảm điểm:

- Crysis Warhead (Virtu hỗ trợ): khung hình trung bình giảm 10% (30,42 so với 33,92), khung hình thấp nhất giảm 6% (24,22 so với 25,71), khung hình cao nhất giảm 12% (36,64 so với 41,76).
- Lost Planet 2 DX11 (Virtu không hỗ trợ): khung hình trung bình tăng 24% (71,9 so với 57,7) nhưng trồi sụt thất thường, chất lượng khung hình kém hơn.
 
Phân tích đồ thị FPS

Đã có kết quả benchmark trong tay, chúng ta hãy đi vào phân tích đồ thị để xem tác động chi tiết của Virtu MVP ra sao. Ở đây tôi sẽ nhận xét đồ thị GPU-load trong Dirt 2 và FPS trong Dirt 2, Lost Planet 2 DX9 (FPS tăng nhiều); Metro 2033 (FPS không tăng); Lost Planet 2 DX11, Crysis Warhead (FPS giảm). Khi xem đồ thị các bạn hãy chú ý giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của thang đo để nhận xét chính xác hơn.

Đầu tiên là đồ thị GPU-load trong Dirt 2 (Virtu hỗ trợ). Có thể thấy ngay là GPU-load khi bật Virtu MVP thấp hơn vài % so với bình thường. Nhìn chung game nào được Virtu MVP hỗ trợ cũng đều có hiện tượng này.


Đồ thị FPS của Dirt 2 (Virtu hỗ trợ) cho thấy sự tăng ổn định của khung hình. Lost Planet 2 DX9 (Virtu hỗ trợ) cũng vậy. Rõ ràng hiệu năng Virtu VMP đem lại là có thực.


Dưới đây là đồ thị FPS trong Metro 2033 (Virtu không hỗ trợ). Có 1 số đoạn có vạch đen cao vút lên. Đây là những thời điểm số khung hình nhảy vọt lên trong tích tắc rồi lại giảm, hoàn toàn không làm game chạy mượt thêm chút nào. Tác dụng duy nhất của nó là làm tăng khung hình trung bình lên một chút, nhưng hoàn toàn vô giá trị! Khung hình trung bình của Dirt 3 tăng lên cũng theo cách này.


Còn đây là Crysis Warhead (Virtu hỗ trợ) – một trường hợp bị giảm điểm. Có thể thấy ở mọi thời điểm trong bài test, FPS của game đều bị giảm khi bật Virtu MVP, mặc dù GPU-load luôn duy trì 99%.


Cuối cùng là Lost Planet 2 DX11 (Virtu không hỗ trợ). Mặc dù khung hình trung bình tăng tới 24%, bản thân game cũng chấm điểm từ hạng B lên hạng A nhưng FPS trồi sụt liên tục, gây giật. Khung hình thấp nhất cũng kém hơn bình thường. Nếu không bật Virtu MVP, game chạy rất mượt.


Kết quả sau ép xung iGPU

Tôi thử ép xung iGPU lên 1500 MHz (mặc định là 850 MHz) xem có thêm được chút khung hình nào không. Dưới đây là kết quả:





Có thể thấy việc ép xung iGPU có rất ít ý nghĩa đến FPS trong game: không tăng hoặc tăng rất  ít không đáng kể.

 
Kết luận

Virtu MVP thực sự là một phần mềm rất tiềm năng. Qua Dirt 2 và Lost Planet 2 DX9, chúng ta có thể thấy hiệu năng game tăng là sự thực chứ không phải một công nghệ vớ vẩn không ứng dụng thực tế.

Tuy nhiên hiện phần mềm vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển dở dang nên hỗ trợ rất ít game, đa phần lại là game cũ cách đây 1 2 năm trở về trước. Không những thế trong quá trình test, thi thoảng tôi gặp các lỗi như rách hình, treo game, game tự tắt… Thậm chí trong Crysis Warhead và Lost Planet 2 DX11, hiệu năng không những không tăng mà còn giảm đi nữa.

Thành thực nhìn nhận, đối với một phần mềm chưa hoàn thiện thì gặp lỗi là chuyện không thể tránh khỏi. Bản thân việc kết hợp hiệu năng của 2 card đồ họa cũng là cực kì khó, vì nó là sự tổng hợp vận hành của 2 bản driver khác nhau (iGPU và card đồ họa rời). Đó là chưa kể ngay cả driver do Nvidia và AMD viết riêng cho card đồ họa của họ thôi cũng rất hay gặp lỗi nữa.
 
Trong tương lai khi hỗ trợ nhiều game và ổn định hơn, đây chắc chắn sẽ là một công cụ không thể thiếu của game thủ.