Thương hiệu Việt ra nước ngoài và bài học từ câu chuyện của Viettel, Zalo và giờ là Thế giới di động
Viettel đầu tư 10 nước, thu về hàng trăm triệu USD
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel có lẽ là một trong những cái tên tiên phong cho việc thoát khỏi tư duy nội địa và hướng đến các thị trường ngoài. Thị trường trong nước to nhưng mảnh áo chật, bắt buộc phải ra nước ngoài. "Bắt buộc" nhiều khi hay hơn "muốn".Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều thế hệ lãnh đạo Viettel.
Với suy nghĩ này, Viettel đã xúc tiến các hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngay từ năm 2006. Đơn vị phụ trách hoạt động này của Viettel là Ban Quản lý Dự án Đầu tư nước ngoài. Đây là tiền thân của Viettel Global. Hiện Viettel Global là một trong những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Doanh nghiệp này tập trung vào 3 khu vực chính là Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.
Ngoài thị trường trong nước, Viettel hiện đang đầu tư kinh doanh tại 9 thị trường nước ngoài bao gồm Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania. Trong số này, hiện chỉ mới có Unitel (Lào) và Metfone (Campuchia) là những thị trường đang liên tục có lãi. Cũng theo công bố của Viettel, hiện mức lãi luỹ kế tại Unitel đã ở mức trên 300 triệu USD tính đến tháng 8 năm 2016.
Trong thời gian tới đây, Myanmar sẽ trở thành thị trường nước ngoài thứ 10 của Viettel kể từ khi tập đoàn này chính thức hướng tới những mục tiêu toàn cầu. Đây cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của Viettel với quy mô dân số gần 60 triệu người. Thị trường Myanmar nằm trong chiến lược chung của Viettel về mở rộng thị trường, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển tại châu Á.
FPT: Từ làm thuê đến vươn mình ra biển lớn
Bên cạnh Viettel, FPT cũng là một doanh nghiệp có tư tưởng lớn với hàng loạt các hoạt động đầu tư ra quốc tế. Chiến lược toàn cầu hóa của FPT được triển khai đồng đều tại thị trường các nước phát triển và cả những quốc gia đang phát triển.
Tại thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu với thế mạnh công nghệ và lượng khách hàng hiện có, FPT tập trung cung cấp dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) dựa trên các nền tảng công nghệ mới Cloud, Mobility, Big Data.
Với các quốc gia đang phát triển, FPT đang khá thành công tại Bangladesh, Campuchia hay Myanmar. Có được điều này là nhờ việc trúng thầu nhiều dự án triệu USD như “Cung cấp và triển khai hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp cho Cơ quan Thuế Bangladesh" hay Hệ thống thông tin quản lý tài chính cho Kho bạc Nhà nước Campuchia.
Mới đây, FPT cũng đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giành được tấm vé triển khai hạ tầng viễn thông tại Myanmar – thị trường được mệnh danh “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”.
Theo Báo cáo dự báo dịch vụ CNTT toàn cầu của Gartner, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu là 3 thị trường có mức chi nhiều nhất cho lĩnh vực Công nghệ thông tin. Con số này thậm chí chiếm 80% tổng chi của thế giới. Do vậy, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT như FPT.
Vinamilk xây cả nhà máy tại New Zealand, Mỹ
Với những thành công đã đạt được và tốc độ tăng trưởng luôn ở tốp đầu của Việt Nam, Vinamilk là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về bài học đem chuông di đánh xứ người.
Doanh nghiệp này đã rất thành công trong việc đầu tư vào các thị trường nước ngoài với việc sở hữu một nhà máy sữa ở Ba Lan, một nhà máy sữa ở New Zealand và một nhà máy sữa tại Mỹ. Vinamilk cũng đang có kế hoạch mua lại thêm một công ty sữa của Mỹ để tiến hành mở rộng hoạt động của mình tại thị trường Hoa Kỳ. Nếu thành công tại thị trường khó tính như Hoa Kỳ, nữ tướng Mai Kiều Liên cho rằng Vinamilk sẽ dễ dàng hơn trong việc chen chân vào các thị trường quốc tế khác.
Mục tiêu của Vinamilk là hướng đến cột mốc doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017. Do đó, doanh nghiệp này đang dồn mọi nguồn lực tài chính của mình để hoàn tất các thương vụ mua bán và sát nhập M&A.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hoá của Tập đoàn sữa Việt Nam Vinamilk đang được đánh giá ở mức 10 tỷ USD. Nếu xét đến ngành sữa toàn cầu, Vinamilk đang xếp ở vị trí thứ 49 về doanh thu đến từ các sản phẩm sữa năm 2015. Doanh nghiệp Việt này cũng mới lọt vào top 50 công ty ưu tú nhất trong những công ty tốt nhất tại khu vực châu Á.
Zalo có 2 triệu người dùng tại Myanmar trong 4 tháng
Ở thời điểm hiện tại, Zalo hiện đang là một trong những ứng dụng OTT được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 70 triệu người sử dụng. Không chỉ từng bước thống lĩnh thị trường ứng dụng Việt Nam, Zalo còn đang có những bước đi tích cực trong việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.
Trước đó, ứng dụng Việt Nam này đã cán mốc 2 triệu người sử dụng mới ở Myanmar chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt. Đáng nói hơn khi kết quả này đạt được sau chỉ 4 tháng Zalo thâm nhập vào thị trường mới mẻ này. Được biết, đây cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên của ứng dụng Việt Zalo.
Để có thể cung cấp dịch vụ tại thị trường mới Myanmar, Zalo đã thiết lập một máy chủ riêng cho thị trường này. Bên cạnh đó, hãng cũng từng bước tối ưu sản phẩm để Zalo có thể chạy tốt trên các thiết bị phổ biến.
Theo như đánh giá của Zalo, Myanmar là một thị trường đầy tiềm năng khi mà nền kinh tế này đang từng bước mở cửa hội nhập với thế giới. Với khoảng 52 triệu dân, đây là một mỏ vàng đối với các công ty công nghệ đang muốn mở rộng thị trường. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng internet còn hạn chế chính là khó khăn cản trở đối với các doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này.
Thế giới di động & BigPhone tại Campuchia
Trong số những doanh nghiệp nổi tiếng của Việt Nam, Công ty Cổ phần Thế giới di động là cái tên mới nhất gia nhập cuộc chơi với thế giới bên ngoài. Doanh nghiệp này vừa tiến hành những bước đi đầu tiên ra thị trường quốc tế với việc đào tạo người và thành lập các cửa hàng mới tại Campuchia.
Chuỗi cửa hàng của Thế giới di động tại Campuchia vẫn sẽ sử dụng logo và bộ nhận diện thương hiệu của Thế giới di động. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp này tại thị trường mới sẽ là BigPhone. Với sự có mặt của những lãnh đạo cấp cao Thế giới di động tại Campuchia, có thể thấy những cửa hàng đầu tiên của Thế giới di động tại Campuchia sẽ sớm được khai trương ngay trong thời gian tới.
Động thái mở rộng thị trường sang các nước xung quanh là chủ trương đã có từ lâu của Thế giới di động, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường công nghệ Việt Nam đã dần trở nên bão hoà. Không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực điện thoại di động, chuỗi cửa hàng hoạt động tại nước ngoài của Thế giới di động cũng sẽ kinh doanh cả mảng điện máy như những gì mà doanh nghiệp này đã triển khai tại thị trường trong nước.
Campuchia chỉ là bước tiến đầu tiên của Thế giới di động trong kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào thị trường các quốc gia Đông Nam Á. Tuy vậy trước khi nghĩ đến việc đó, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng trước hết doanh nghiệp này cần phải tập trung hết sức vào thị trường Campuchia.
Mục tiêu đang được nhắm đến của Thế giới di động là mở từ 10 – 15 cửa hàng tại Campuchia trong năm nay. Do đó, công ty này đang tìm kiếm các nhân sự để vận hành và phát triển hệ thống của họ tại thị trường mới. Nếu công việc kinh doanh ở Campuchia diễn ra thuận lợi, Thế giới di động lúc này mới có những dự định xa hơn tại các thị trường khác.
Có một nghịch lý đang diễn ra tại Việt Nam, Galaxy A 2017 còn bán chạy hơn HTC U Ultra, Xperia XZ
(Techz.vn) Vì lẽ nào người Việt đang đổ dồn đi mua Galaxy A 2017? Trong khi đó, rất nhiều mẫu smartphone cao cấp lại đang rất ế hàng.