Doanh nghiệp

Đừng chối, người Việt đã giết chết BPhone, và sẽ còn bao nhiêu cái tên khác nữa?

Đừng chối, người Việt đã giết chết BPhone, và sẽ còn bao nhiêu cái tên khác nữa?

Con ốc mà biết nói năng, thì có khối kẻ hàm răng chẳng còn

Từ lâu nay, câu “Việt Nam đến cái ốc vít còn không làm nổi” đã trở thành lời nói cửa miệng của nhiều người trên mạng xã hội. Và cứ mỗi khi xuất hiện một sản phẩm Made in Việt Nam, câu nói đó lại một lần nữa được xướng lên như để nhắc nhở rằng, mọi cố gắng thay đổi một hiện trạng đã có từ lâu là vô ích.

Người ta lấy ví dụ từ một điều vi mô để nói tới cái vĩ mô, từ một con ốc vít không làm nổi để nói về sự bất lực trong ngành sản xuất của cả một đất nước. Đúng là còn rất nhiều điều phải bàn khi nói về nền kinh tế sản xuất của Việt Nam. Thế nhưng nếu nói rằng người Việt không làm nổi cái ốc vít, liệu có công bằng? Phải chăng gần 90 triệu dân ở đất nước này thực sự không ai làm nổi cái ốc vít?

 

Ông Phạm Trung Hiếu - Giám đốc công ty Songnam với các sản phẩm ốc vít chất lượng cao chuyên cung ứng cho thị trường trong nước và xuất đi quốc tế. Vậy người Việt không làm ra nổi ốc vít ư? (Ảnh: Vietnamnet). 

Sở dĩ cái ốc vít gắn liền với các sản phẩm Made in Việt Nam bắt nguồn từ một câu chuyện ở thời điểm năm 2014. Khi đó, tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam có thể làm để cung ứng cho việc hoàn thiện sản phẩm Galaxy S4 và Tab của hãng.

Mồi ngon đưa đến tận miệng. Thế nhưng câu trả lời được đưa ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam là chưa làm được. Trong bản danh sách 170 món phụ kiện này có cả những thứ nghe qua thì rất đơn giản như con ốc vít, cọng cáp USB rồi đến cái sạc pin. Thế nên, câu chuyện về một Việt Nam không thể tự sản xuất nổi một con ốc vít bắt đầu ra đời và lan rộng ra công chúng.

Bàn về thói hư tật xấu của người Việt Nam, trong Đạo đức và luân lý Đông Tây, Phan Chu Trinh có viết:

“Khi cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra trong óc người Tàu, người Cao Ly, người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ ngàn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác.

Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa tay tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi trừ hại, tự cường tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng ước mơ thế lực ngoài tràn vào mà thôi.”

 

Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và giấc mơ dang dở về những chiếc xe hơi Made in Việt Nam (Ảnh: Internet). 

Ôi dân tộc tôi ơi, sao những lời Phan Chu Trinh thốt ra từ cả thế kỷ trước mà vẫn còn đúng đến thế. Vậy nên cứ mỗi lần một sản phẩm Made in Việt Nam nào được xướng lên, là nhiều người trên dưới lại đồng thanh: “Mong chờ gì khi mà Việt Nam còn chẳng thể làm nổi cái ốc vít”.

Những người đó chẳng cần biết một sự thực rằng, đằng sau câu chuyện ốc vít là cả một chuỗi dài đằng đẵng những vấn đề cần kiếm nguyên do. Không phải Việt Nam không làm nổi cái ốc vít, mà là nếu làm được cái ốc vít theo đúng chuẩn của Samsung, giá thành của nó sẽ cao hơn các nhà cung ứng khác rất nhiều. Tất nhiên, doanh nghiệp bỏ tiền sẽ chọn ở nhà cung ứng có giá bán thấp hơn. Và đó mới là ý nghĩa đích thực của câu nói Việt Nam không sản xuất nổi cái ốc vít thay vì hiểu theo nghĩa đen thuần tuý.

Có một điều đáng buồn là dân Việt thường thích hô hào thay vì hiểu tận gốc rễ lý do. Thế nên, nhiều doanh nghiệp nội phải ngậm ngùi mà ca thán rằng: “Con ốc mà biết nói năng, thì có khối kẻ hàm răng chẳng còn”.

Đừng chối, chính người Việt đã giết chết BPhone

Vào thập niên những năm 80 của thế kỷ trước, thế giới đã từng chứng kiến một câu chuyện có tên Kỳ tích sông Hàn. Đó là câu chuyện về một đất nước nghèo nàn và lạc hậu sau khi trải qua quá trình đô hộ dài đằng đẵng của Nhật Bản và cuộc chiến liên Triều. Nhưng rồi chỉ trong một thời gian ngắn ngủi vỏn vẹn vài chục năm, Hàn Quốc vươn mình trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới với GDP cán mốc 1.000 tỷ USD.

Rốt cuộc thì người Hàn đã làm gì? Tôi vẫn còn nhớ mãi một câu chuyện phiếm được nghe kể bên bàn trà. Rằng người Hàn Quốc họ luôn sử dụng sản phẩm Made in Korea, bất kể đó là dân thường hay là những tỷ phú giàu nứt đố đổ vách.

 

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng gần như liên tục từ mức gần như không có gì đến mức ngàn tỷ đô la Mỹ trong chưa đầy một nửa thế kỷ, từ năm 1960 đến 2007.

Vào những năm đầu của thời đại đã tạo nên kỳ tích sông Hàn, người Hàn Quốc chấp nhận mua sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước dù nó có tệ hơn và đắt hơn cả hàng ngoại. Nhiều thế hệ người Hàn ở thời điểm đó được tiêm nhiễm suy nghĩ, bạn có tài năng thì làm chủ, ít tài hơn thì ủng hộ người chủ đó bằng cách tiêu thụ sản phẩm của họ sản xuất ra. Muốn trở thành một dân tộc lớn thì mỗi cá nhân phải nghĩ lớn. Bản thân phải dám chịu thiệt thòi một chút. Và đó là nền móng vững chắc để những Samsung, LG, Huyndai ra đời.

30 năm sau kỳ tích sông Hàn, ở Việt Nam cũng xuất hiện một câu chuyện như thế. Nói đúng hơn là có khởi đầu như thế nhưng diễn biến và kết thúc trái ngược hoàn toàn. Đó là câu chuyện của BPhone và một người đàn ông “được” dân Việt “gọi thân mật” bằng cái tên “Quảng nổ”.

BPhone ra đời ở thời đại mà những chiếc iPhone, Samsung, Sony cùng vô vàn các nhà sản xuất khác bày bán nhan nhản ngoài đường. Và vì được giới thiệu là một sản phẩm Made in Việt Nam, người ta ngờ vực nó và đem ra mổ xẻ.

 

Vẻ đẹp có thể thách thức thời gian, nhưng đừng nên thách thức sự đố kị của người Việt. 

Sự thực thì BPhone được Bkav tự thiết kế hoàn toàn về bảng mạch, kiểu dáng công nghiệp, giao diện hệ điều hành. Nhà máy cùng nhân công sản xuất đều được thực hiện ở Việt Nam. Và vì chỉ có thể nhập một lượng linh kiện không quá lớn, chỉ vài ngàn chiếc mỗi linh kiện do không đoán biết được nhu cầu tiêu thụ. Thế nên giá của một chiếc điện thoại bán ra là không hề rẻ.

Tất nhiên BPhone chẳng thể là một sản phẩm hoàn thiện 100%. Và thế là nó nghiễm nhiên trở thành cái đích nhắm đến của cộng đồng mạng bởi câu nói mang đậm tính PR: “BPhone sẽ là chiếc điện thoại đẹp nhất nhì thế giới”.

Đằng sau BPhone, đó là cả một hàng dài những cái tên bị chỉ trích như Mobiistar, Q-Mobile, HKBike,… Rất ít trong số đó có thể đứng dậy, để trở thành những Zalo, Viettel hay FPT sau này.

 

Công nhân đang làm việc trong một nhà máy sản xuất BPhone của Bkav.

Sau cách hành xử “tàn bạo” của người dùng đối với các doanh nghiệp nội, Q-Mobile đã dừng bước, Mobiistar sống trong sợ hãi, BPhone dường như đã sụp đổ dù từng hứa hẹn về việc sẽ có một BPhone 2. Thế nhưng rất may mắn khi có những doanh nghiệp không đầu hàng.

VNPT mới đây đã ra tuyên bố về việc sẽ cho ra đời những chiếc điện thoại Vivas Lotus tiếp theo. Nhà sản xuất này còn hướng tới những bước đi xa hơn với việc ký thoả thuận hợp tác với Qualcomm nhằm được sử dụng những bằng sáng chế và các thiết kế tham chiếu (reference design).

 

Vivas Lotus S1: Một sản phẩm "không thành công thì cũng thành nhân" của VNPT. 

Với hãng xe đạp điện HKBike, sau những chỉ trích từng nhận được, hãng này đã đổi tên thành Pega. Đồng thời, Pega cũng hướng tới việc mở rộng các dây chuyền sản xuất ở Việt Nam, nhập máy móc cho sản phẩm của họ từ nhà sản xuất Đức (Bosch). Và tới đây họ còn hứa hẹn sẽ trở lại mạnh mẽ hơn với những sản phẩm mới.

Pega không dám nhận là sản phẩm Made in Việt Nam, dù hàm lượng nội địa hoá của họ lên tới 35%. Thế nhưng, rất đáng mừng là khung xe, vỏ nhựa, yên, tay nắm, thiết kế, lắp ráp, thậm chí là tạo phôi… tất cả đều được thực hiện ở Việt Nam. Hãng này cũng đang hướng đến việc sẽ tăng tỷ lệ nội địa hoá nhiều hơn nữa.

 

Những mẫu xe đạp điện với tỷ lệ nội địa hoá lên tới 35% của Pega. Chúng thậm chí được tạo phôi tại các nhà máy ở Việt Nam. 

Có lẽ chúng ta chưa thể có những sản phẩm Made in Việt Nam 100%. Thế nhưng 3, 5 hoặc 10 năm nữa, ngày đó rất có thể sẽ đến. Chỉ cần người dùng Việt không quay lưng lại với các doanh nghiệp nội. Giống như cái cách mà rất nhiều người trong số họ đã và đang làm.

Sẽ có người bảo rằng tại sao lại lấy tinh thần dân tộc ra để áp chế cách tiêu dùng của tôi. Đồng tiền là do tôi làm ra và tôi có quyền tiêu. Sao lại hô hào tôi đi xài một sản phẩm nội dù giá thành của nó quá cao và chất lượng không tương xứng.

Ok. Không ai nói quan điểm của bạn sai. Vì đúng sai chỉ là tương đối. Bạn có thể không mua. Thế nhưng hãy ủng hộ những sản phẩm đó bằng cái tâm của một người Việt Nam, thay vì dùng những chỉ trích và lời lẽ đao to búa lớn. Ai cũng muốn tạo ra những sản phẩm tốt. Nếu sản phẩm đó khiến bạn chưa đủ sự hài lòng, hãy góp ý một cách thiện chí để sau này có những sản phẩm tốt hơn nữa.

Những điều đơn giản đó ai cũng làm được. Đúng không? Bạn là người Việt nam mà.

Nếu không làm được những điều như thế, bạn không đủ tư cách để lớn tiếng rằng: “Người Việt Nam còn chẳng làm nổi một cái ốc vít”.

Thanh Phong

 

Cẩn thận với điện thoại Made in China: Mị Châu thời Facebook

(Techz.vn) Nếu Mị Châu, Trọng Thuỷ yêu nhau thời Facebook, Zalo; An Dương Vương có lẽ sẽ phát điên vì một chiếc điện thoại “Made in” Trung Quốc.