Đã thành thông lệ, cứ mỗi mùa ra mắt sản phẩm mới, lại có một lượng người không nhỏ xếp hàng để sở hữu những mẫu máy cao cấp đến từ Samsung. Điều này dường như đã trở thành một thói quen thường lệ hay nâng tầm hơn là một nét văn hoá doanh nghiệp với mỗi lần dòng máy Galaxy S hoặc Galaxy Note được cho ra mắt.
Với hơn 300 người xếp hàng quanh địa điểm mở bán ngoài Hà Nội và một lượng người tương tự tại Sài Gòn, có thể thấy màn ra mắt của Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge năm nay đã thành công mỹ mãn. Chiến lược giảm giá mạnh trong ngày đầu mở bán đã đem đến cho Samsung một cú đề-pa hoàn hảo. Còn với người sử dụng, mức khuyến mãi hấp dẫn cũng đủ để họ cảm thấy mãn nguyện cho công sức bỏ ra của mình, dù là những người có nhu cầu thực sự hay giới sang tay mua đi bán lại.
Với lượng người xếp hàng mua máy không tưởng, Samsung chứng tỏ mình là một tay lão luyện trong việc PR các sản phẩm của mình.
Trong bài toán kinh doanh này, dường như cả người dùng và doanh nghiệp đều được lợi. Mọi việc đều quá ổn nếu không có sự xuất hiện của những hạt sạn nhỏ hay những con sâu làm rầu nồi canh. Đó là tâm trạng buồn bã của những người xếp hàng phải ra về trong đêm khuya thanh vắng.
Với việc níu chân hàng trăm người tại 2 địa điểm mở bán là Hà Nội thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ PR của Samsung đã làm được điều mình cần, đó là thu hút được sự quan tâm chú ý từ phía người sử dụng. Chiêu PR bài bản của Samsung là quá xuất sắc nếu chỉ dừng lại ở đây. Chỉ tiếc một điều rằng, cái kết của nó là chưa được viên mãn, khi mà chỉ 100 người thực sự được mua máy với mức giá rẻ. Trong khi đó, có không ít những người xếp hàng phải ra về trong ấm ức vì tình trạng “xí phần, mất chỗ”.
Gần 300 người đội mưa xếp hàng mua Galaxy S7 tại Hà Nội tối ngày 17/2. Quá nửa trong số này phải ngậm ngùi ra về vào lúc 1h sáng.
Tâm trạng phấn khích của 100 người may mắn sở hữu máy với giá rẻ.
Sản phẩm của Samsung quá tốt, chiến lược PR của họ cũng không sai. Thế nhưng người dùng cần lắm sự công bằng. Đó là cách mà doanh nghiệp cho thấy sự tôn trọng đối với người dùng, tôn trọng mối quan tâm của người dùng với sản phẩm của họ.
Giá như những người xếp hàng sớm không bị mất chỗ bởi người đến sau, giá như những người bỏ công xếp hàng nhưng không mua được máy cũng sẽ có những phần quà an ủi. Giá như, chỉ giá như vậy thôi thì đẹp biết chừng nào.
Vẫn biết chẳng thể làm hài lòng được tất cả mọi người, thế nhưng vẫn hy vọng vào những lần tiếp theo, người vui sẽ ngày càng nhiều, còn người buồn sẽ chẳng còn ai nữa.