Tin tức công nghệ

FPT Shop đại chiến Thế giới di động: Mua bán thì ít, PR thì nhiều

Từ đứa con bị hắt hủi trở thành người hùng

Tại Việt Nam có lẽ hiếm có tập đoàn nào có tiềm lực mạnh và đa dạng trên tất cả mọi lĩnh vực như FPT. Không chỉ nắm giữ những doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực IT, Viễn thông hay tài chính ngân hàng, FPT của tỷ phú Trương Gia Bình còn là một nhà đầu tư có hạng trong lĩnh vực Truyền thông, Giáo dục hay Quản lý quỹ. Nắm giữ sức mạnh là thế nhưng khi chuyển qua lĩnh vực phân phối và bán lẻ, ít ai có thể ngờ rằng FPT lại có sự thành công lớn như ngày hôm nay.

Từ khi thị trường công nghệ Việt Nam còn chập chững những bước đi đầu tiên (khoảng đầu thập kỷ 90), FPT đã là một thương hiệu hàng đầu trong hoạt động cung cấp các thiết bị và giải pháp đi kèm.

Vào thời điểm này, mảng kinh doanh các thiết bị công nghệ của FPT hoạt động dưới hình thức các Trung tâm phân phối và những năm sau đó được quy hoạch thành 3 công ty thành viên trực thuộc FPT là FPT Distribution, FPT Mobile và FPT Retail. Sau đó, những công ty này được hợp nhất thành một đơn vị duy nhất là Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) vào năm 2009.

Đến năm 2013, Công ty Cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) mà nòng cốt là FPT Shop tách ra khỏi FPT Trading và trở thành một đơn vị độc lập. Đến thời điểm này, FPT Retail trở thành đại diện duy nhất của FPT trong ngành bán lẻ.

Ngay từ thời điểm mới thành lập, FPT Retail đã gặp phải những trở ngại đầu tiên khi mà đại diện quỹ Caravel Fund – 1 trong 10 cổ đông lớn nhất của tập đoàn FPT cho rằng doanh nghiệp này chính là mối rủi ro lớn nhất phải đối mặt của Tập đoàn. Theo Caravel Fund, trước thị phần vững chắc của các đối thủ, FPT Retail sẽ rất khó có thể đạt được thành tựu khi tham gia vào thị trường bán lẻ.

Thế nhưng chỉ 2 năm sau đó, FPT Retail đã nhanh chóng cho thấy nhận định của các nhà đầu tư kia đã nhầm. Từ vị thế của một kẻ chỉ mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường bán lẻ, FPT Shop đã nổi lên như một chú ngựa ô khi vượt qua hết những đối thủ sừng sỏ như Trần Anh, Nhật Cường hay Viễn Thông A.

Trong năm 2015, FPT Shop ghi nhận sự tăng tưởng doanh thu ấn tượng với mức tăng lên đến 148% so với năm 2014, đạt 7.832 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của công ty này cũng đạt 180 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 350% so với năm 2014.

Các chỉ tiêu kế hoạch quan trọng trong năm 2016 của doanh nghiệp này cũng cho thấy, mục tiêu của FPT Shop trong năm nay là đem về doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng và dự kiến ít nhất sẽ sở hữu 300 cửa hàng bán lẻ.

Đơn vị này cũng đạt được thành công lớn trong việc nắm giữ quyền nhập khẩu trực tiếp ngành hàng Apple từ hãng thay vì phải thông qua “gà nhà” FPT Trading như trước đây. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn lọt vào top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam dựa trên bảng xếp hạng mà Tạp chí bán lẻ châu Á - Retail Asia Publishing và tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố. 

Chính bởi những thành công nhanh chóng và bất ngờ như vậy nên đã có lúc, tưởng chừng như một tay FPT Retail giang ra cứu lấy cả tập đoàn FPT thoát khỏi cơn khủng hoảng. Thế mới thấy, một “kẻ” từng được cho là “tội đồ”, là “mối hiểm hoạ” kéo cả tập đoàn đi xuống cũng có thể trở thành “người hùng”.

Bóng FPT Shop đá ra, Thế giới di động sao còn không bắt lấy?

Dù có những con số tăng trưởng ấn tượng như vậy, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, FPT nên bán FPT Shop thay vì tiếp tục “cố đấm ăn xôi”. Lý do của việc này là bởi, với khoảng cách quá xa giữa FPT Shop và Thế giới di động, FPT Shop mãi vẫn chỉ là miếng bánh to thứ 2 trong con mắt của các nhà đầu tư. Và với lĩnh vực cạnh tranh gay gắt cùng biên lợi nhuận khá mỏng như thị trường điện thoại di động, lợi nhuận gần như chỉ thuộc về doanh nghiệp dẫn đầu.

Cơ hội cho FPT Shop có thể vươn lên giành giật vị trí cao hơn gần như là không có. Do đó, nhiều người cho rằng quyết định hợp lý mà FPT và ông Trương Gia Bình nên tiến hành là bán nhanh FPT Shop khi thương hiệu này đang ở đỉnh vinh quanh hay đang làm ăn có lãi. Có thể việc “bán lúa non” sẽ không kiếm được là bao so với tiềm năng hiện tại, thế nhưng đó hành động chắc chắn nhất để bảo vệ và bồi đắp thêm túi tiền của các nhà đầu tư.

Liệu ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động có bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua về FPT Shop?

Nói thì nói là vậy nhưng để bán đi một doanh nghiệp đâu có dễ. FPT có thể có lý do để bán nếu thực sự được giá. Đó là điều kiện cần. Được giá thì FPT mới bán, rõ ràng là như thế. Thế nhưng nếu điều kiện cần này xảy ra, để thương vụ này đến được với thành công, sẽ cần phải có thêm điều kiện đủ. Đó là việc Thế giới di động đồng ý với mức giá mong muốn của phía FPT. Mà điều này thì rõ ràng là rất khó.

Tại sao lại nói như vậy? Đó là bởi vì Thế giới di động ở đây sẽ đóng vai trò của một nhà đầu tư. Mà đã là nhà đầu tư, anh chỉ đồng ý xuất tiền nếu nghĩ rằng mình có lãi.

Vậy trong thương vụ sát nhập với FPT Shop nếu có xảy ra, Thế giới di động sẽ được lợi gì? Đó là bộ máy gần 4.000 nhân viên cùng hệ thống gần 300 cửa hàng đang hoạt động. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới giá trị thương hiệu và miếng bánh thị phần. Thế nhưng, liệu điều này có đủ hấp dẫn để Thế giới di động bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng hòng có được FPT Shop bằng mọi giá?

Câu trả lời đơn giản là không. Vì sao ư? Thế giới di động đang dẫn đầu thị trường bán lẻ các sản phẩm điện thoại di động với 30% thị phần, con số này là 10% thị phần đối với FPT Shop. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu vào khoảng 23% như năm vừa qua của Thế giới di động, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tự thân vận động bằng cách khiến thị phần của mình tăng dần. Một khi đã thừa sức tự tạo cho mình một miếng bánh như của FPT Shop, Thế giới di động còn phải bỏ ra hàng ngàn tỷ để mua lại FPT Shop làm gì?

Bên cạnh đó, có một điều rất quan trọng mà nhiều người lãng quên, đó là việc những cửa hàng của FPT Shop và Thế giới di động đang mọc kè kè sát cạnh nhau như những mảng đối lập. Nếu mua lại FPT Shop, Thế giới di động sẽ phải làm gì khi mà tại mỗi điểm nóng kinh doanh, họ có tận đến 2 cửa hàng? Quả là thừa thãi và lãng phí một cách ghê gớm.

Theo một số chuyên gia phân tích, nếu áp dụng một số chỉ số định giá của Thế giới Di động cho FPT Shop, giá trị của FPT Shop sẽ rơi vào khoảng 150-200 triệu USD. Số tiền này tương ứng với khoảng 3.500 - 4.500 tỷ đồng.

Thế mới thấy, ở vào hoàn cảnh này, người bán cũng cảm thấy dở vì phải gặt lúa non, còn người mua thì giống như đặt trước miệng một miếng gân gà, bỏ thì tiếc mà ăn thì lại cảm thấy vô vị.

Nếu đã là như thế thì tại sao thương vụ Thế giới di động và FPT Shop biết bao nhiêu ngày qua vẫn nóng? Âu cũng là bởi trong một cuộc chiến truyền thông mà ai khôn hơn thì sống, cả FPT Shop và Thế giới di động đều im lặng để hưởng lợi ngầm. Tội gì khi mà được mời lên tivi, chỉ vì ngại ngùng mà lắc đầu từ chối. 

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. 

 

“Tổng thống” Donal Trump? gã vĩ cuồng sẽ phá huỷ làng công nghệ

(Techz.vn) Không phải tự nhiên mà cả Bill Gates, Tim Cook hay ông chủ Tesla - Elon Musk đều coi Donal Trump như một mối hiểm hoạ của làng công nghệ toàn cầu.