Doanh nghiệp

Samsung - BlackBerry phủ nhận tin đồn sát nhập

Năm 2014, giá cổ phiếu BlackBerry tăng 48% nhờ chiến lược phục hồi của CEO John Chen - Ảnh: Bloomberg.


BlackBerry và Samsung vừa đồng loạt lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng hãng sản xuất điện thoại Hàn Quốc có thể sắp thâu tóm đối thủ có trụ sở ở Canada.

Hôm qua (14/1), hãng tin Reuters dẫn nguồn tin không tiết lộ danh tính và một số tài liệu thu thập được nói rằng, mới đây Samsung đã tiếp cận BlackBerry để đề xuất mức giá mua lại trong khoảng 13,35-15,49 USD/cổ phiếu. Mức giá này định giá BlackBerry cao nhất là 7,5 tỷ USD. Cũng theo Reuters, lãnh đạo Samsung và BlackBerry đã gặp gỡ vào tuần trước để thảo luận về thương vụ tiềm năng này.

Tuy nhiên, Bloomberg dẫn một bức email của Samsung nói rằng, thông tin này là “vô căn cứ”.

BlackBerry cũng ra một tuyên bố nói rằng hãng “biết là đã có những bài báo xuất bản hôm nay nói về khả năng Samsung mua BlackBerry”. Tuyên bố khẳng định, “BlackBerry không tham gia vào các cuộc đàm phán với Samsung liên quan đến bất kỳ đề xuất mua lại nào đối với BlackBerry”.

Sau bản tin của Reuters về khả năng BlackBerry “sắp về chung một nhà” với Samsung, giá cổ phiếu của hãng này đã tăng vọt. Tuy nhiên, sau khi thông tin này bị hai hãng phủ nhận, giá cổ phiếu của BlackBerry có lúc giảm 17%, còn 10,5 USD/cổ phiếu tại New York sau khi thị trường chứng khoán tại đây đã chốt phiên và chuyển sang giao dịch điện tử.

BlackBerry không nói rõ việc có nhận được đề xuất mua lại từ Samsung hay không. Tuy vậy, theo một nguồn tin thân cận, hãng này vẫn thường xuyên nhận được các đề xuất mua lại. Nguồn tin này cũng nói rằng, các nhà đầu tư của BlackBerry muốn mức giá cao hơn nhiều so với mức giá mà bản tin của Reuters đề cập.

Mức giá mà Reuters nói đến cao hơn ít nhất 37% so với giá đóng cửa của cổ phiếu BlackBerry trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Phiên hôm qua, giá cổ phiếu BlackBerry niêm yết tại New York tăng 30%, chốt ở 12,6 USD/cổ phiếu, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ. Kết quả của phiên này chính là nhờ thông tin trên Reuters cho rằng Samsung sắp thâu tóm BlackBerry.

Mới cách đây 2 tháng, BlackBerry nói sẽ hợp tác với Samsung - một trong những đối thủ lớn nhất trên thị trường quản lý thiết bị di động đang tăng trưởng nhanh - để thiết lập quan hệ đối tác về dịch vụ quản lý. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên hai đối thủ hợp tác với nhau trong một sản phẩm lớn.

Mối quan hệ đối tác này là một phần trong nỗ lực của ông John Chen, Giám đốc điều hành (CEO) của BlackBerry, nhằm dồn trọng tâm của hãng vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp và an ninh. Mục tiêu của CEO Chen là đạt tới tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu bền vững trong tài khóa kết thúc vào năm 2016. Những cố gắng của vị CEO này đã đạt tới một cột mốc quan trọng khi BlackBerry báo lãi trong báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý mới nhất.

Năm 2014, giá cổ phiếu BlackBerry tăng 48% nhờ chiến lược phục hồi của Chen. Tuy nhiên, mức giá cổ phiếu của hãng hiện vẫn còn cách rất xa thời hoàng kim ở mức 147 USD/cổ phiếu vào năm 2008 - thời điểm trước khi thị phần của BlackBerry trên thị trường smartphone suy giảm.

Với sự hợp tác Samsung-BlackBerry, phần mềm an ninh Knox của công ty Hàn giờ có thể chạy trên máy chủ mới có tên BES12 của BlackBerry. Mối quan hệ này nhằm cạnh tranh với liên minh tương tự giữa hãng IBM và Apple.

Một câu hỏi được giới quan sát đặt ra lúc này là liệu Chính phủ Canada có phê chuẩn việc bán BlackBerry cho một công ty nước ngoài. Chính phủ Canada rà soát các vụ thâu tóm do các công ty nước ngoài thực hiện đối với các công ty trong nước với mức giá hơn 354 triệu Đôla Canada, tương đương khoảng 296 triệu USD, để xác định xem thỏa thuận có đem lại “lợi ích ròng” cho quốc gia hay không. 

Chen lên nắm quyền CEO BlackBerry vào cuối năm 2013 sau một kế hoạch bất thành đưa hãng này thành công ty tư nhân. Kể từ đó, Chen tập trung vào mảng cung cấp phần mềm và dịch vụ an ninh cho các chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tung ra những mẫu điện thoại mới phù hợp với giới doanh nhân như chiếc Passport và chiếc Classic.