Vài ngày gần đây, cả thế giới đều hướng sự chú ý của mình vào chiếc máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 239 hành khách bất ngờ mất tích vào rạng sáng ngày 8/3. Mặc cho nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi của 12 quốc gia với rất nhiều phương tiện hỗ trợ, tung tích của chiếc máy bay này vẫn còn là một ẩn số. Mới đây, Australia đã phát hiện được mảnh vỡ nghi là của MH370 và mong sẽ sớm tìm được chiếc hộp đen bên trong máy bay.
Trong tất cả các vụ việc liên quan đến máy bay gặp nạn, để có tìm được câu trả lời thấu đáo và đích đáng nhất, việc tìm ra thiết bị hộp đen của máy bay là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần kíp. Trong trường hợp của chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 nêu trên, các chuyên gia hàng không cho rằng pin của nó sẽ ngừng hoạt động sau 30 ngày bởi vậy áp lực thời gian lên việc tìm kiếm đang đè nặng hơn bao giờ hết.
Hộp đen của chiếc máy bay Air France 447 được tìm thấy vào năm 2011, gần hai năm sau khi chiếc máy bay này gặp nạn trên hành trình từ Rio de Janeiro, Brazil đến Paris, Pháp.
Mỗi chiếc máy bay thực ra sẽ có hai hộp đen: một là máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) để lưu trữ các thông tin như quá trình điều khiển máy bay hoặc sự vận hành của các guồng máy, thiết bị còn lại là máy ghi âm buồng lái (CVR) với nhiệm vụ ghi lại các âm thanh nền và những cuộc hội thoại giữa các thành viên phi hành đoàn.
Trái với sự lầm tưởng của nhiều người, hộp đen không có màu đen, thay vào đó nó được sơn phủ các màu sắc sặc sỡ và tươi sáng để quá trình tìm kiếm khi cần thiết dễ dàng hơn.
Về thiết kế của hộp đen, để bảo vệ phần bộ nhớ chứa thông tin, phần này được phủ trong một lớp nhôm aluminium và một lớp cách nhiệt dày khoảng hơn 2,5 cm. Tất cả được đóng hộp trong thép không gỉ, không mòn trước sự tác động của muối trong nước biển hoặc titan. Nhờ thiết kế này, hộp đen có thể chịu được lực va đập lên tới 3.400 Gs cùng nhiệt độ tối đa 1.100 độ C mà không hư hại. Hộp đen còn được trang bị “mắt thần” có thể gửi tín hiệu mỗi giây một lần ở độ sâu khoảng hơn 6.000 mét.
Hộp đen thường được đặt ở phần đuôi máy bay bởi đây được cho là phần ít chịu ảnh hưởng nhất khi máy bay rơi.
Giải thích cho việc tại sao hộp đen có thể gửi đi tín hiệu mà việc tìm kiếm nó vẫn khó khăn đến vậy là bởi vì sóng này chỉ có thể truyền đi xa nhất trong phạm vi 24 km. Bên cạnh đó, dẫn lời một chuyên gia lĩnh vực hàng không cho hay, việc tìm kiếm cũng khó khăn bởi khi rơi xuống biển, các dòng chảy cũng liên tục tác động có thể làm hộp đen di chuyển gây trở ngại lớn cho việc định vị chính xác.
Ngày nay, hộp đen không chỉ là một thiết bị riêng có của máy bay mà nó còn được trang bị trong cả những chiếc ô tô.
Một thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay thường có khả năng ghi được ít nhất 25 giờ thông tin trong khi đó thiết bị ghi âm buồng lái cũng có thể được ít nhất 2 giờ dữ liệu dạng âm thanh. Hộp đen được thiết kế bền tới mức, trừ trường hợp hoàn toàn thất lạc, khi được tìm thấy, dữ liệu mà những thiết bị này lưu trữ rất ít khi biến mất hoàn toàn hoặc không thể đọc được.
Đọc thêm: Mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích MH 370 dài 24m
Thu Thủy