Hồi năm 2014, dư luận trong nước từng ồn ào về một dự án tự chế tạo tàu ngầm mini của kỹ sư hai lúa Nguyễn Quốc Hoà. Bất chấp những khó khăn từ mặt cơ chế, ông Hoà cùng nhóm cộng sự của mình vẫn không ngừng đổi mới và cho ra đời nhiều phiên bản cải tiến của chiếc tàu ngầm mini mà nhóm tự sản xuất.
Sau nhiều lần thử nghiệm thành công trong bể tự xây, ngày 13/2 (tức mùng 6 Tết), tàu Hoàng Sa được ông Nguyễn Quốc Hòa cùng đồng nghiệp đưa ra biển Diêm Điền (Thái Thụy) tiếp tục thử nghiệm. Tuy nhiên, do không có giấy phép thử nghiệm theo Nghị định 71 của Nhà nước về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển, nhóm của ông Hoà đã bị lực lượng biên phòng địa phương ngăn trở và phải quay về.
Theo Nghị định 71 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển, người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có biển số đăng ký và phải có một số loại giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký tàu, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện....
Trong trường hợp của tàu ngầm Hoàng Sa, khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, thông báo bằng văn bản cho UBND, bộ đội biên phòng cấp tỉnh nơi thực hiện hoạt động trước 5 ngày hoạt động.
Trước lời giải thích và hướng dẫn cụ thể của lực lượng biên phòng, ông Hoà cho biết sẽ gửi giấy phép lên UBND tỉnh và chính quyền địa phương để xin tiếp tục được thử nghiệm.
Tàu ngầm của ông Hoà khi còn trong giai đoạn thử nghiệm trong hồ nước tại Thái Bình.
Theo những thông tin mà kỹ sư hai lúa Nguyễn Quốc Hoà chia sẻ, Tàu ngầm mini Hoàng Sa nặng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5 m; cao 2 m và có thể lặn sâu 50 m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Hoàng Sa được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo chướng ngại vật phía trước và quan sát được 360 độ dưới nước. Tàu có thể nằm trong bùn và thoát ra ngoài, tiến ra biển không cần thuỷ triều, đi vào khu nước cạn tự vượt ra, theo thiết kế.