Nhịp sống số

Những sự cố nổi bật của làng công nghệ Việt Nam năm 2014

Những sự cố nổi bật của làng công nghệ Việt Nam năm 2014

Năm 2014 đã chứng kiến không ít sự thành công của hàng loạt các tên tuổi trong làng công nghệ Việt Nam. Trong số đó, nổi bật hơn cả là sự thành công của tựa game Flappy Bird với hiện tượng mang tầm thế giới. Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức không nhỏ mà các doanh nghiệp cũng như người sử dụng internet Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là khi sự xuất hiện của chúng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của tất cả mọi người.

Người dùng internet Việt Nam và điệp khúc mạng chậm

Sự cố được nhiều người nhớ đến trong năm vừa qua được phản ánh một cách rõ ràng nhất qua 2 từ “đứt cáp”. Chỉ trong năm 2014, tuyến cáp quang biển AAG nối Việt Nam đi thế giới đã bị gián đoạn tới 3 lần. Điều này đã khiến người dùng internet tại Việt Nam liên tục phải sống trong cảm giác bực bội và bất an mỗi lần cáp đứt.

Tuyến cáp quang biển AAG nối liền các nước châu Á với khu vực Bắc Mỹ (Ảnh: Internet)

Sự cố đầu tiên liên quan đến tuyến cáp quang biển AAG trong năm qua được ghi nhận vào tháng 3 của năm 2014. Trong khoảng thời gian từ ngày 2/3 – 9/3, tuyến cáp quang này đã phải ngừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng trong khoảng thời gian lên tới 1 tuần. Dù việc gián đoạn này đến từ sự chủ ý của con người, tuy nhiên nó cũng đã báo hiệu một năm đầy bất ổn đối với người sử dụng internet.

Sang đến tháng 7/2014, người dùng internet tại Việt Nam phải đối mặt với việc gián đoạn đường truyền internet lần thứ 2. Lần này việc gián đoạn không đến từ yếu tố con người mà là do tuyến cáp AAG xảy ra sự cố.

Khi tiến hành kiểm tra rà soát, đơn vị vận hành tuyến cáp quang biển AAG xác định vị trí bị đứt tại địa điểm ngoài khơi cách Vũng Tàu 18 km. Sau khoảng thời gian 12 ngày đình trệ, việc vận hành của tuyến cáp quang biển trên mới trở lại bình thường.

Nhiều bức ảnh chế đã được các cư dân mạng đăng tải mỗi lần xảy ra những sự cố kiểu như này (Ảnh: Internet)

TIếp đó, đến tháng 15/9, việc tuyến cáp AAG gặp sự cố ở phân đoạn Hồng Kông khiến người dùng internet tại Việt Nam lại một lần nữa trở nên “méo mặt”. Lần này, phải đến tận 15 ngày sau, việc khắc phục và hàn nối mới được các đơn vị thi công hoàn tất.

Với tổng thời gian hơn 30 ngày gián đoạn, chỉ tính sơ qua cũng đã có thể nhận thấy các sự cố về internet ảnh hưởng lớn thế nào đối với cuộc sống và công việc của người dân Việt Nam. Trong thời đại mà sự hiện diện của internet ngày càng trở nên phổ biến hơn, việc thiếu vắng internet không chỉ tác động đến cuộc sống cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cả nền kinh tế.

Kênh 14, Én bạc, Soha... bị Sinh Tử Lệnh vô hiệu hóa

Bên cạnh những thông tin liên quan đến sự cố đứt cáp, việc hệ thống website thuộc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) bị đánh sập cũng là một trong những sự kiện CNTT nổi bật nhất của năm vừa qua.

Sự việc tưởng như đã khép lại với lời tuyên bố của đại diện VCCorp khẳng định công ty này đang gặp phải vấn đề với hệ thống Data Center. Ngoài ra, không hề có một cuộc tấn công DDoS nào nhằm vào VCCorp như lời các báo mạng đồn thổi.

Tuy nhiên, gần một tuần sau ngày xảy ra sự cố đầu tiên, các website thuộc hệ thống của công ty này vẫn không thể vận hành trở lại bình thường. Đến lúc đó, dư luận mới vỡ lẽ ra rằng, đúng là VCCorp đang bị các tin tặc không rõ tung tích tấn công một cách có hệ thống.

Thông tin về vụ tấn công nhằm vào VCCorp đã được đăng tải trên bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo kết luận của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), sự cố xảy ra với VCCorp là một cuộc tấn công có chủ đích. Những kẻ tấn công đã sử dụng mã độc để thâm nhập và đánh sập hệ thống máy chủ của công ty này.

Hiện vẫn chưa rõ thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công. Tuy nhiên đã có những cáo buộc được đưa ra nhằm vào nhóm Sinh Tử Lệnh. Theo ông Nguyễn Thế Tân – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp), khoảng 500.000 đô la Mỹ đã được đầu tư để thực hiện một trong những vụ tấn công táo bạo nhất lịch sử ngành an ninh mạng Việt Nam.

Nhìn lại vụ việc tấn công vào hệ thống máy chủ của VCCorp, đợt tấn công đã làm tê liệt hàng chục tờ báo lớn và khoảng 200 website bao gồm các trang tin điện tử và các website thương mại điện tử thuộc hệ thống của đơn vị này. Với tính nghiêm trọng ở mức cao, sự cố đã gây thiệt hại cho VCCorp số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

 

Vụ người Việt bị lừa mua iPhone lọt top sự kiện internet 2014

(Techz.vn) Bức xúc vì bị mất tiền oan, nạn nhân đã bật khóc van lạy chủ cửa hàng để xin lại số tiền trong vô vọng. Câu chuyện sau đó đã nhanh chóng được chia sẻ và thu hút được không ít sự chú ý từ phía cộng đồng mạng.