Giới thiệu về Flappy Bird
Flappy Bird, là game mobile do anh Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên đang sống ở Hà Nội, Việt Nam phát triển và đưa lên kho ứng dụng App Store từ 24/5/2013, nhưng nó bất ngờ nổi lên vươn lên đầu bảng xếp hạng các ứng dụng miễn phí, trong các kho ứng dụng App Store và Google Play trong thời gian cuối tháng 1/2014.
Giao diện và cách chơi game nhìn rất đơn giản, giống với các trò chơi 8-bit ở thập niên 1980 và có một chút gì đó ở giao diện khiến người chơi gợi nhớ đến khung cảnh trò chơi Mario đình đám trước đây.
Cách chơi game rất dễ, người chơi chỉ cần chạm ngón tay vào màn hình để đẩy chú chim lần lượt vượt qua các khoảng cách giữa những chiếc ống màu xanh. Nhìn đơn giản thế, nhưng thực sự lại rất khó, bởi nếu người chơi để chú chim bị rơi hay va chạm vào những chiếc ống, ngay lập tức trò chơi sẽ kết thúc. Với việc đưa người chơi vào độ khó ngay từ đầu, game khiến cho nhiều người cảm thấy ức chế và dẫn đến gây “nghiện” để chinh phục bằng được thử thách này, điều đó đã khiến cho nhiều người chọn nó.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người chơi cũng cho rằng, với cách chơi như thế game cũng chẳng có gì ấn tượng và đã xoá game ngay sau khi cài vào chiếc smartphone của mình vài giây sau đó.
Nhưng đánh giá khách quan, nhiều người cho rằng nó là một game thú vị, dành cho những ai muốn chinh phục các thử thách để vươn lên vị trí hàng đầu (top) trong game.
Thành công nhờ sản phẩm tốt và yếu tố may mắn
Đó là nhận xét chung của những người làm game di động tại Việt Nam hiện nay, theo họ sự thành công của Flappy Bird liên quan đến rất nhiều yếu tố, bên cạnh sản phẩm tốt còn có sự may mắn.
Theo ông Lương Công Hiếu, Tổng giám đốc công ty cổ phần phần mềm Vivoo (Vivoo Software), công ty chuyên làm game trên di động cho biết, tiêu chí tạo nên một game trên di động hay có 2 yếu tố: Tạo thách thức và Cách chơi đơn giản. Flappy Bird thoạt nhìn tưởng dễ chơi vì chỉ cần “…chạm, chạm, chạm..”, nhưng ngay màn chơi đầu tiên lại quá khó. Vì vậy, trò chơi khơi dậy được tâm lý muốn chinh phục một thứ tưởng dễ và thách đố người chơi khác.
Dù may mắn hay có chủ đích thì trò chơi đã được gọi là thành công về tiếp thị. Trò chơi đã tới được điểm bùng phát, được phát tán, đánh giá và truyền miệng bởi hàng trăm trang tin công nghệ có uy tín cũng như hàng triệu người dùng thế giới. Về doanh thu, số tiền quảng cáo thu được cho sản phẩm một người làm là quá ổn. Nhưng không thể kỳ vọng đây là một Angry Bird thứ hai bởi trò chơi không được thiết kế để thu tiền. Về lâu dài, chỉ có tác giả trò chơi mới biết chính xác lượng người quay lại game ngày thứ hai để quyết định đầu tư tiếp hay tận dụng cơ hội này viết thêm các sản phẩm khác.
Tâm lý đám đông là một điều không thể hiểu được. Người dùng di động phương Tây quen với các trò chơi điều khiển 1-touch (1 chạm). Người dùng di động Việt Nam, Trung Quốc thì lại quen kiểu game kiếm hiệp từ máy tính chuyển sang di động. Nhìn chung trò chơi này thành công vì đã hiểu được tâm lý và sở thích đám đông. Thành công lớn nhất của Flappy Bird chính là một cú hích tạo tâm lý tự tin cho cộng đồng phát triển game di động Việt Nam tương tự Angry Bird ở Phần Lan trước đây.
Ông Tăng Thiên Hải, lập trình viên BlackBerry, từng rất nổi tiếng bởi một trò chơi đơn giản trên nền tảng này là “Caro” cũng cho rằng, việc thành công của Flappy Bird là do hiện tại xu hướng khi chơi game trên nền di động, người chơi thích sự đơn giản, khéo léo hơn là động não, suy nghĩ nhiều. Thêm vào đó hiệu ứng lan truyền từ mạng xã hội đã thu hút được rất lớn cộng đồng chơi game. Cũng theo ông Hải, thể loại game đơn giản trong cách chơi cũng như hình ảnh đồ hoạ như Flappy Bird thường mang tính phong trào, điển hình như ứng dụng Draw Something từng làm mưa làm gió với hàng chục triệu người dùng trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, Flappy Bird vẫn sẽ có đông người chơi vì hiệu ứng thương hiệu vẫn còn đó, người chưa chơi sẽ tò mò chơi thử, nhưng để lâu dài và kiếm được nhiều tiền hơn, hệ thống gameplay phải phong phú như thể loại game Clash of Clans và điều này rất khó.
Cùng quan điểm, ông Ngô Văn Luyến, Giám đốc điều hành của Divmob, một công ty làm game trên di động có các sản phẩm nổi tiếng như Panda Jump (trong tháng đầu ra mắt đã đạt 1 triệu lượt tải trên Google Play), game Đế Chế online trên mobile hay Ninja Revenge (đạt 2 triệu lượt tải chưa đầy 1 tháng trên Google Play), cũng cho rằng, Flappy Bird chỉ tạo nên hiệu ứng phong trào trong thời gian ngắn.
Còn việc game lên top, theo ông Luyến, trong kinh doanh nói chung, không riêng gì ngành game, yếu tố may mắn rất quan trọng. Tất nhiên, là bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố khác quan trọng không kém, ví dụ như chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp này ông đánh giá cao cả 2 yếu tố trên từ Flappy Bird và đó là nguyên nhân nó tạo ra thành công.
Đa số những người làm game trên di động đều đồng tình với những nhận xét ở trên, bên cạnh việc đánh giá cao ý tưởng cũng như chất lượng sản phẩm game của lập trình viên Nguyễn Hà Đông, theo họ ở đây có hai yếu tố giúp game Flappy Bird thành công đó là game chơi đơn giản, giải trí nhẹ nhàng và gặp may mắn trong việc lan toả (viral), một công thức quen thuộc hiện nay. Tuy nhiên, sự thành công này sẽ không tồn tại lâu do bản chất game cũng không phải là dòng mới, đi lên nhờ hiệu ứng đám đông, nên để giữ chân người dùng được trong thời gian dài sẽ rất khó.
Về doanh thu game, theo những người trong ngành phân tích, tác giả có thể thu được vài trăm ngàn USD là chuyện bình thường, nhưng để lên được hàng triệu USD đòi hỏi tác giả phải có nhiều cải tiến hơn nữa trong gameplay ở các phiên bản khác của game. Còn để phát triển game được như Angry Bird hay Clash of Clans như nhiều người đang mơ tưởng là không thể, bởi đây là một game 8-bit, quá đơn giản và không thể phát triển sâu hơn, ngoại trừ tác giả phát triển các sản phẩm game mới và chuyển người dùng từ game này sang.
Đồng thời, những người làm game trên di động tại Việt Nam, cũng cảnh báo đến những startup mới không nên học theo cách này, đổ xô làm game thuộc thể loại giống Flappy Bird, bởi may mắn là một điều rất hiếm hoi khi làm game trên di động, không phải khi nào cũng có.
Tuy nhiên, sự thành công của Flappy Bird cũng đã tạo được cú hích rất lớn cho những người làm game di động tại Việt Nam, rất nhiều người hi vọng sẽ có nhiều người làm được như lập trình viên Nguyễn Hà Đông, bởi thực tế các lập trình viên ở Việt Nam hoàn toàn không thua kém các lập trình viên quốc tế ở lĩnh vực này.
Đọc thêm: Người 'cầm quyền' sau bức màn 'Flappy Bird'
Thu Thủy
Theo: ict news