Laptop

Macbook - Vaio và trận chiến kéo dài 1/4 thế kỷ

Macbook - Vaio và trận chiến kéo dài 1/4 thế kỷ

Những hình ảnh ấn tượng về máy chơi game Play Station 4

Sony đã chính thức chuyển giao mảng sản xuất PC mà cụ thể là dòng sản phẩm VAIO cho quỹ đầu tư JIP (Japan Industrial Partners) để đảm bảo duy trì kinh phí phát triển dòng điện thoại, máy tính bảng và các sản phẩm TV. Sau 18 năm phát triển, VAIO đã định hình trong tâm trí khách hàng một dòng sản phẩm máy tính luôn đứng top đầu trong phân khúc cao cấp.

Máy tính để bàn và laptop VAIO không phải là những chiếc máy chạy Windows tốt nhất, nhưng Sony luôn biết cách "hớp hồn" người dùng bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và thời trang. Đây cũng là điều mà Apple hướng tới trong dòng sản phẩm MacBook của mình. Trên thương trường, những chiếc Sony VAIO cao cấp và Apple MacBook là hai dòng sản phẩm đối đầu nhau, tranh giành miếng bánh thị phần cao nhất, nhưng ít người biết rằng Apple và Sony từng có "quan hệ riêng" với nhau.

Macbook - Vaio: Câu chuyện của 2 thương hiệu nổi tiếng toàn -image-1392348491097

Mối quan hệ giữa Sony và Apple trải dài từ những năm 80 thế kỷ trước. Người đồng sáng lập Sony, ông Akio Morita và Steve Jobs đều có sự ngưỡng mộ và tôn trọng lẫn nhau. Năm 1989, với những nỗ lực của mình Apple đã giới thiệu chiếc máy tính xách tay Macintosh Portable. Nếu bạn chưa được nhìn thấy chiếc laptop đầu tiên của Apple thì đừng vội tìm kiếm trên Google ngay khi đọc tới dòng này, tôi đảm bảo bạn sẽ "sốc" vì Macintosh Portable không đúng nghĩa một chiếc máy tính xách tay, nó quá khổ khi đạt... 16kg.

Chiếc Macintosh Portable có sức mạnh xử lý ngang với máy tính để bàn Macintosh SE, nhưng có doanh số bán không tốt vì ở thời điểm đó, giá bán mà Apple đặt ra lên tới 6,500 USD.

Sau khởi đầu không mấy suôn sẻ, Apple vẫn quyết tâm giữ khái niệm "máy tính xách tay" và phát triển nó. Với điểm mạnh là thiết kế, họ đã phác thảo rất nhiều mô hình mới nhỏ gọn và tinh tế hơn, tuy nhiên vấn đề gặp phải lại là phần cứng. Apple không phải công ty sản xuất phần cứng, những năm 80, họ khó có thể hoàn thiện chiếc laptop như ý muốn khi các nhà cung cấp không đáp ứng được yêu cầu linh kiện gọn nhẹ. Để hoàn thiện ý tưởng, Apple đã tìm tới Sony.

Ở thời điểm đó, Sony có rất ít kinh nghiệm để phát triển máy tính cá nhân, nhưng họ là tên tuổi lớn trong ngành điện tử tiêu dùng với các mạch thu nhỏ. Sony từng khiến cả thế giới phải trầm trồ khen ngợi khi bán ra chiếc máy nghe nhạc cassette cầm tay nhỏ gọn thương hiệu Walkman. Cho dù hiện nay Walkman không còn giữ vững ngôi vị nhưng nó đã trở thành một huyền thoại mà người yêu nhạc nào cũng biết tới.

Macbook - Vaio: Câu chuyện của 2 thương hiệu nổi tiếng toàn -image-1392348509143

Quay lại chủ đề chính của chúng ta, sau khi Apple tìm tới Sony để hợp tác sản xuất phần cứng, nỗ lực của cả hai công ty đã được đền đáp bằng chiếc PowerBook 100 ra mắt năm 1991. Mang trong mình sức mạnh xử lý ngang với Macintosh Portable nhưng chiếc laptop này đã giảm chỉ còn 1/3 trọng lượng, thiết kế thon gọn hơn rất nhiều. Có thể nói PowerBook 100 như một chiếc MacBook Air ở thời điểm ra mắt, lược bỏ ổ đĩa mềm để giúp máy gọn nhẹ hơn.

Sau khi ra mắt, PowerBook 100 nhanh chóng lọt vào mắt xanh của người dùng vì trọng lượng nhẹ, tính di động và giá không còn quá bất hợp lý như Macintosh Portable. Tuy không phải là chiếc PowerBook bán chạy nhất của Apple, nhưng nó đã mang về 1 tỷ USD doanh thu máy tính xách tay trong năm đầu tiên giới thiệu, giúp Apple thiết lập chỗ đứng vững chắc trong thị trường máy tính cho tới hiện nay.

Sau cuộc "kết hợp" thành công với Apple, Sony với những kinh nghiệm thu được đã giới thiệu dòng máy tính VAIO của riêng mình vào năm 1996. Khởi đầu với những chiếc máy để bàn, Sony đã chăm chút tới kiểu dáng, đánh vào thị hiếu người dùng. Từ những vật liệu cao cấp được sử dụng cho tới webcam tích hợp, thu nhỏ tối đa kích thước máy, cho tới hôm nay, chúng ta vẫn thấy rõ được sự nỗ lực của Sony trong từng mẫu VAIO bán ra thị trường.

Năm 2011 Steve Jobs từng muốn laptop VAIO chạy hệ điều hành Mac OS (nay là OS X), đó là thời điểm một năm trước khi Apple chuyển sang sử dụng CPU Intel. Những báo cáo cho thấy Steve Jobs vẫn luôn là một fan hâm mộ thiết kế của VAIO, ông mong rằng Sony có thể bán ra phiên bản máy tính VAIO có chạy hệ điều hành OS X, nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra. Và tất nhiên, Apple đã đi theo hướng riêng của mình với chiếc PowerBook G4 sử dụng vỏ nhôm và cuối cùng là sản phẩm ăn khách MacBook Pro.

Macbook - Vaio: Câu chuyện của 2 thương hiệu nổi tiếng toàn -image-1392348540723

Có rất nhiều mối liên hệ giữa Sony và Apple, ngay cả tới huyền thoại VAIO X505 cũng có nét tương đồng với MacBook Air siêu mỏng. Tuy nhiên với đầu óc của thiên tài Steve Jobs, Apple đã chiếm quá nhiều doanh thu máy tính cao cấp của Sony. Cách đi của Sony dần bị Apple lấn lướt, từ chiếc Walkman bị thay thế bởi iPod và hiện tại là VAIO dần được thay thế bằng MacBook.

Tuy sử dụng hệ điều hành OS X riêng biệt, chiếm thị phần không lớn nhưng doanh thu mà máy tính Mac mang lại đều là con số đáng mơ ước của bất kỳ hãng sản xuất nào. Báo cáo kinh doanh của Apple luôn vượt ngoài mong đợi. Nhưng sự ra đi của Sony VAIO có ảnh hưởng thế nào tới thị trường máy tính nói chung và Apple nói riêng?

Chúng ta không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của máy tính bảng tới những chiếc laptop truyền thống.Kể từ khi iPad ra đời cùng rất nhiều tablet Android, doanh số bán máy tính trên toàn thế giới đều bị kéo xuống, Sony xa thải nhân viên, bán thương hiệu VAIO; LG cho biết số lượng máy bán ra giảm sút rõ rệt; Dell cắt giảm 15000 nhân viên, tiến hành chuyển đổi cơ cấu...

Sự ra đi của Sony khiến nhiều fan hâm mộ hụt hẫng. Với cá nhân tôi, một người yêu thích các thiết kế của VAIO cũng như MacBook của Apple và đã từng dùng qua nhiều model của hai thương hiệu này, tôi vẫn luôn hi vọng sẽ sớm có một công ty mang lại "chất riêng" cho thị trường máy tính như Sony đã từng làm được.

Đọc thêm: Vẻ Đẹp Đến 'Nao Lòng' Của Sony Xperia Z2: Cực Mỏng!

Mạnh Hưng

Theo: Genk.vn