Một clip quảng cáo cực kỳ xúc động của Viettel
Nhiều người biết về vai trò của ông Nguyễn Mạnh Hùng tại Viettel nhưng ít thông tin về nhân vật ra những quyết định lịch sử tại tập đoàn này: Trung tướng Hoàng Anh Xuân.
Trước khi ông Hoàng Anh Xuân về Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng tư vấn cho các lãnh đạo trước đó làm dịch vụ gọi điện thoại đường dài IP (VOiP) nhưng không ai quyết định. Trong bối cảnh viễn thông ở thời kỳ độc quyền tuyệt đối, việc một công ty nhỏ xíu đề xuất cung cấp dịch vụ cạnh tranh với người khổng lồ VNPT, là một quyết định không dễ dàng đưa ra cũng như rất khó thực hiện thành công.
Kết quả sau đó thì nhiều người biết. Dịch vụ VOiP 178 còn có tên “Mã số tiết kiệm của bạn” khi gọi đường dài và quốc tế giúp Viettel hoàn vốn chỉ trong 1 ngày. Nó còn giúp cho công ty quân đội có lưng vốn 10 triệu USD để đầu tư cho thông tin di động – bước nhảy vọt thần kỳ của Viettel sau này.
Một lãnh đạo của tập đoàn này cho biết: “Không có nhiều người biết đến vai trò của ông Xuân vì ông ấy luôn đứng phía sau. Thế nhưng, đó là người đưa ra những quyết định lịch sử cho Viettel, còn anh Hùng là kiến trúc sư trưởng”.
Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc đương nhiệm của Viettel
Năm 2004, với lưng vốn 10 triệu USD tiền lãi có được từ làm dịch vụ VoIP, Viettel đầu tư cho thông tin di động được khoảng 150 trạm BTS thì đứng trước nguy cơ chết yểu bởi cạn tiền và cũng không thể vay ngân hàng. Trong một chuyến công tác Thái Lan, ông Hùng gặp Tổng giám đốc của Tập đoàn Viễn thông AIS – bà Yingluck Shinawatra (hiện là Thủ tướng Thái Lan).
Kiến trúc sư trưởng của mạng di động 098 lúc đó có nhờ bà Yingluck gỡ rối vì đang đầu tư thông tin di động thì bị… hết tiền. Người sau này là Thủ tướng Thái Lan hỏi lại ông Hùng: “Anh có biết hiện thế giới có bao nhiêu nhà cung cấp hạ tầng di động 2G không?”. Vị phó tổng giám đốc Viettel trả lời là có hàng trăm. Tổng giám đốc AIS hỏi tiếp: “Thế anh có biết là còn bao nhiêu công ty muốn đầu tư hạ tầng 2G không?”, ông Hùng trả lời không biết.
Người đứng đầu mạng di động số 1 Thái Lan nói, chỉ còn hơn chục công ty. “Thế giới đang chuyển sang 3G, việc sản xuất thiết bị 2G đã khấu hao hết mà lại có hàng trăm công ty bán với rất ít người mua. Những nhà cung cấp giờ muốn đẩy đi không được nên nếu các anh đàm phán tốt có thể mua rẻ như cho, hoặc được trả chậm tới vài năm. Đó là cách để giải bài toán về vốn”.
Ông Hùng nghe xong giật mình và nghĩ ngay tới giải pháp mua trả chậm của một nhà cung cấp thiết bị. Ngay sau đó, vị phó tổng giám đốc này gọi điện về cho Tổng giám đốc Hoàng Anh Xuân và đề xuất phương án mua trả chậm với số trạm phát sóng lên tới 4.000 chiếc – con số chưa từng có trong lịch sử ngành viễn thông Việt Nam. “Anh Xuân sau khi nghe tôi trình bày phương án, nói: ‘Chơi luôn’. Và chúng tôi sau đó vượt qua được cửa tử về tiền”, ông Nguyễn Mạnh Hùng kể lại.
Vào năm đó, người đề xuất ý tưởng mua trả chậm của một đối tác nước ngoài với số tiền hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD đã hoang đường, vị lãnh đạo đồng ý và quyết tâm thực hiện đến cùng kế hoạch này thậm chí còn hoang đường hơn. Lý do là vừa làm vừa trả nợ một số tiền khổng lồ trong khi không có người chống lưng, chỉ cần dòng tiền thu về gặp rắc rối một chút là toàn hệ thống có thể sụp đổ.
Thế nhưng, cặp đôi hoang đường đó cùng với nhiều người khác tại Viettel đã đàm phán thành công với Huawei và tạo ra câu chuyện cổ tích “tay không bắt giặc” chưa từng có trong lịch sử viễn thông Việt Nam cũng như thế giới. Quyết định “tay không bắt giặc” này cũng là nền tảng cho việc thực hiện chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” (học từ Huawei) mà Viettel thực hiện rất thành công sau này.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - người chuẩn bị ngồi vào ghế nóng của tập đoàn viễn thông quân đội Viettel
Tiếp đến, mạng di động non trẻ 098 lại gặp một vấn đề nan giải khác: kênh phân phối. Thời điểm đó, thị trường sim thẻ bị thao túng bởi vài đầu nậu lớn và ngay cả các đại gia như MobiFone hay VinaPhone cũng phải kiêng nể. Việc đàm phán với các đại gia sim thẻ này của Viettel thường gặp vấn đề bởi họ đưa ra các đòi hỏi mà theo nhà mạng quân đội là “khó chấp nhận”. Trong một lần đàm phán, một đại gia về sim thẻ ở Hà Nội còn tuyên bố: “Đến cả ông T (một vị lãnh đạo cấp cao ngành bưu chính viễn thông lúc đó) cũng phải nhờ tôi bán hàng chứ nói gì đến các anh”.
Nội bộ Viettel đã có nhiều cuộc họp bàn về chuyện nhượng bộ các đầu nậu để dịch vụ của mình nhanh chóng đến được với người tiêu dùng nhưng ông Xuân luôn phủ quyết. “Anh ấy nói: ‘Tôi không chấp nhận khó bỏ dễ làm, như vậy thì mình không thể lớn được’. Và chúng tôi bắt buộc phải nghĩ phương án khác”, một lãnh đạo cấp cao của Viettel kể lại. Sau đó, ông Hùng cùng ban lãnh đạo Viettel Telecom đã đề xuất phương án tự xây dựng kênh phân phối, đến tận cửa hàng bán báo, trà đá… và được ông Xuân chấp thuận.
Nếu không có sự quyết liệt của ông Xuân thì có lẽ phải mất nhiều năm người tiêu dùng Việt Nam mới có thể mua sim thẻ di động ở khắp mọi nơi như bây giờ. Và cũng kể từ sau quyết định mang tính chiến lược về kênh phân phối, Viettel nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 về số điểm bán sim thẻ di động – điều mà trước đó cả MobiFone và VinaPhone không bao giờ có thể ngờ tới.
Trung tướng Hoàng Xuân Anh và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng bên cạnh Trưởng ban Mặt trận tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân.
Hơn ba năm trước, Viettel quyết định bước chân vào lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin quân sự. Đây cũng là một thử thách rất lớn của tập đoàn này bởi khi nói về sản xuất thiết bị quân sự, người ta thường chỉ nghĩ tới những tổ hợp quân sự khổng lồ của Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Israel… chứ không ai nghĩ Việt Nam có thể làm được.
Thế nhưng, không có nhiều người biết, ông Nguyễn Mạnh Hùng (sẽ trở thành Tổng giám đốc mới của Viettel từ 1/3) là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu dự án máy thông tin quân sự và chế tạo thành công bộ tạo số (trái tim của máy thông tin). Dự án này sau đó đạt giải quốc gia về nghiên cứu nhưng chưa thể sản xuất hàng loạt vì thiếu vốn, linh kiện, chưa có thị trường…
Còn Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel nguyên là Giám đốc Nhà máy M1 - chuyên sửa chữa các máy vô tuyến. Từ khi tập đoàn này còn là một công ty nghèo khó, ông Xuân đã nung nấu ý định tự sản xuất máy thông tin quân sự. Vào năm 2010, khi Viettel có lưng vốn hàng tỷ USD lợi nhuận từ kinh doanh viễn thông, ông Xuân quyết định đầu tư lớn cho việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị thông tin quân sự - thực hiện giấc mơ thuở hàn vi của mình. Cuối năm 2010, trong lần kiểm tra tiến độ tại M1, tại cuộc họp với ban lãnh đạo ở đây, Tổng giám đốc Hoàng Anh Xuân đã đập tay vào bàn kính chảy máu vì tiến độ sản xuất sản phẩm chậm...
Một sản phẩm quân sự hiện đại được sản xuất bởi người Viettel
Trong buổi lễ nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân ngày 20/2 (hơn một tuần trước khi nghỉ hưu), ông Hoàng Anh Xuân nói: “Chúng tôi ý thức rằng, thành tích đạt được trong 25 năm qua là rất đáng trân trọng tự hào, nhưng triết lý của Viettel không cho phép chúng tôi sống bằng quá khứ. Thời đại đang thay đổi, toàn cầu hoá và cạnh tranh quốc tế đang diễn ra gay gắt. Viettel tiếp tục phải tăng tốc phát triển và trở thành Tập đoàn toàn cầu, là 1 trong 10 doanh nghiệp đầu tư viễn thông lớn nhất thế giới…”.
Vào những ngày cuối cùng ở vị trí đứng đầu tập đoàn viễn thông số 1 Việt Nam, Trung tướng Hoàng Anh Xuân vẫn giữ nguyên văn hóa mà mình cùng với người đồng nghiệp Nguyễn Mạnh Hùng xây dựng: Luôn tiến về phía trước. Ông Xuân sắp trở thành quá khứ, nhưng có lẽ với những người Viettel và làng viễn thông Việt Nam, vị trung tướng được mệnh danh là “người nông dân làm viễn thông vĩ đại” là một phần của lịch sử. Và Kiến trúc sư trưởng Nguyễn Mạnh Hùng – người kế nhiệm Viettel kể từ 1/3 sẽ đưa tập đoàn này tới đâu sẽ cần chờ thời gian mới có câu trả lời.
Đọc thêm: Viettel chính thức có Tổng giám đốc mới
Theo: Zing (Tiêu đề bài viết đã được thay đổi)