Mục tiêu của bất cứ ai khi dấn thân vào thương trường, bên cạnh việc mang đến những sản phẩm tốt, đều là thu về lợi nhuận. Đối với các công ty công nghệ, các chuyên gia đã khẳng định rằng một trong những cách tốt nhất để tối ưu lợi nhuận đó là thâm nhập được vào đời sống của người dùng một cách tự nhiên và hợp pháp càng sâu càng tốt. Đó chính là những gì các ông lớn công nghệ đang thực hiện.
1. Google: Những chú robot thống trị thế giới?
Những chú robot Android sẽ không chỉ còn là phần mềm đơn thuần trong tương lai?
Trung tuần tháng một vừa qua, Google đã bỏ ra tới 3,2 tỉ USD để mua lại Nest Labs, công ty đã ghi dấu trên thị trường với những sản phẩm được đánh giá cao như thiết bị điều chỉnh nhiệt độ Nest Learning Thermostat hay thiết bị báo khói Nest Protect. Đây được xem là một động thái của Google nhằm bước chân vào mảng thiết bị gia dụng cho các hộ gia đình. Thâu tóm Nest cũng đồng nghĩa với việc hãng sẽ sở hữu thêm nhiều thông tin về địa điểm của người dùng hơn những gì họ sở hữu trước đó.
Ngay từ lần đầu xuất hiện tại sự kiện CES 2012, Nest Thermostat đã gây bất ngờ nhờ thiết kế đẹp cùng khả năng thông minh ghi nhớ thói quen của người dùng để tự động điều chỉnh nhiệt độ nhà ở.
Hai trong số những thương vụ mua lại đáng chú ý gần đây nữa của Google cũng phải kể đến đó là nhà tiên phong trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo DeepMind và công ty phát triển robot Boston Dynamics. Đằng sau những chiến lược mua lại mang tầm vĩ mô và tiên tiến này, không khó để nhận ra Google đang ấp ủ những dự định rất lớn lao mà họ chưa sẵn sàng để công bố. Trong thực tế, Google có đủ nguồn lực để trở thành một cái tên đáng chú ý trong bất cứ lĩnh vực nào họ muốn “nhảy” vào.
2. Apple: Theo chân bạn dù bạn ở nơi đâu
Apple sẽ theo dõi bạn sát sao hơn bạn nghĩ.
Cuối tháng 11 năm ngoái, Apple đã mua lại PrimeSense, công ty công nghệ Israel đứng đằng sau thiết bị cảm biến ngoại vi thu chuyển động ba chiều Kinect của Microsoft Xbox 360. Chỉ mới tuần trước, Microsoft đã công bố hiện doanh số Kinect đã tăng lên đến 24 triệu thiết bị do đó so với tính phổ biến của công nghệ này, rõ ràng số tiền Apple đặt ra để thâu tóm PrimeSense quả là một món hời. Vấn đề nằm ở chỗ cho đến thời điểm hiện tại, những gì Apple ấp ủ cùng thương vụ này hãy còn là một dấu hỏi lớn.
Còn nhớ vào cuối tháng 9 vừa qua, Apple có tiến hành thử nghiệm khả năng theo dõi, điều khiển chuyển động tương tự như Kinect cho thiết bị Apple TV tuy nhiên động thái Apple mua lại cả PrimeSense chắc chắn không chỉ để áp dụng vào một dự án có quy mô không thực sự lớn như vậy. Nhiều chuyên gia đưa ra giả thuyết cho rằng việc iPhone sẽ sở hữu tính năng theo dõi chuyển động ba chiều chỉ còn là vấn đề thời gian. Bên cạnh đó, Apple cũng được cho là sẽ tận dụng công nghệ quan trọng của PrimeSense vào hệ thống bán lẻ của mình để theo dõi và nhận diện hiệu quả khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, trong những năm tới, Apple sẽ đẩy mạnh việc cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng tại hệ thống bán lẻ của mình.
Trong một động thái khác, vào tháng 12 năm ngoái, Apple đã tiến hành mua lại công ty phân tích xã hội Topsy nhằm mục đích áp dụng các công nghệ mà công ty này sở hữu để có thể gợi ý và thúc đẩy khách hàng mua sắm nhiều và hiệu quả hơn dựa trên các hành vi trong quá khứ. Rõ ràng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Apple cũng “theo dõi” khách hàng của mình rất kĩ càng đồng thời nâng cao trải nghiệm mua sắm trong hệ thống bán lẻ vốn vẫn được đánh giá rất cao của hãng này.
Bên cạnh đó, trong năm 2013, rất nhiều công ty bản đồ số cũng đã về tay Apple, một phần để hãng cải thiện ứng dụng Maps “chính chủ” trên iOS một phần để áp dụng cho các dự án khác mà hãng chưa công bố.
3. Facebook: Thâm nhập vào những cuộc trò chuyện trên mạng xã hội
Facebook sẽ tiếp tục nỗ lực hơn để tận dụng nguồn dữ liệu mình đang sở hữu và tạo ảnh hưởng lớn hơn tới người dùng.
Là ông lớn công nghệ trẻ tuổi nhất được đề cập trong khuôn khổ bài viết này nhưng Facebook có lẽ là một trong những cái tên có sức lan tỏa mạnh nhất với đại chúng.
Như chúng ta đã biết vào tháng 4 năm 2012, Facebook đã mua thành công Instagram và điều này đồng nghĩa với việc ông lớn mạng xã hội đang sở hữu thêm một trong những mạng xã hội có tốc độ phát triển ấn tượng nhất. Mới đây, Facebook cũng tiến hành thâu tóm SportStream, một công ty chuyên thu thập các dữ liệu về thể thao theo thời gian thực để giúp Facebook lấn sân vào các câu chuyện về thể thao trên mạng xã hội, một lĩnh vực vốn vẫn được cho là thế mạnh của Twitter. Không dừng lại ở đây, hãng còn mua lại Branch, công ty chuyên theo dõi hội thoại trên mạng xã hội về các công ty hay thương hiệu để phục vụ chức năng quảng cáo, nguồn thu chính của mạng xã hội này.
Với 1,4 tỷ người dùng, chưa kể số người dùng Instagram, Facebook đang có trong tay lượng dữ liệu đồ sộ để khám phá và tận dụng.
4. Microsoft: Mang Windows đến khắp mọi nơi
Toàn quyền sở hữu mảng phần cứng di động mua lại từ Nokia, Microsoft sẽ có thêm cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm và thuyết phục người dùng.
Năm ngoái, cả thế giới công nghệ đã xôn xao bàn tán về thương vụ thâu tóm ông lớn một thời Nokia bởi Microsoft. Kết quả là, Microsoft đang nắm trong tay một lợi thế không nhỏ trong cuộc chơi các thiết bị di động. Trước đó, theo tờ The Guardian, thiết bị máy tính bảng Surface RT của ông lớn vùng Redmond đã làm hãng lỗ tới 900 triệu USD. Tuy nhiên thì đây vẫn được xem là những bài học xương máu cần thiết mà Microsoft cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để có thể làm chủ được nước cờ trong thời đại của các thiết bị di động như hiện nay.
Nói về Windows Phone, mặc dù hiện nay hệ điều hành này mới chỉ đang đứng ở vị trí số 3 nếu xét về miếng bánh thị phần sau iOS và Android thì Nokia (nay đã thuộc về Microsoft) vẫn là một thương hiệu có độ nhận diện cao và vẫn được nhiều thị trường yêu thích nhờ danh tiếng lâu năm về chất lượng mà hãng này đã xây dựng. Cùng phiên bản cập nhật lớn Windows Phone 8.1 sẽ được ra mắt trong hè năm nay, nếu Microsoft đủ sức thuyết phục các nhà phát triển tích cực xây dựng ứng dụng cho nền tảng này, cơ hội vươn lên không hẳn không có.
Hiện nay đã có rất nhiều thông tin rò rỉ về các tính năng, thay đổi tích cực mới sẽ có mặt trong phiên bản Windows Phone 8.1.
Mặc dù Windows 8 không hẳn là một thành công như những gì Microsoft mong đợi thì hệ điều hành mới này vẫn đang dần dần được thị trường đón nhận với khoảng 200 triệu bản quyền được bán ra chỉ trong tháng này, theo trang tin Techly. Windows 8 cũng được đánh giá khá quan trọng bởi đây là một bước tiến lớn trong việc hợp nhất giao diện và tính năng của các hệ điều hành mà Microsoft đang phát triển, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà hãng này mong muốn thực hiện được.
Cùng những sự thay đổi lớn ở đội ngũ nhân sự cấp cao, ông lớn vùng Redmond đang muốn thống trị lại thế giới công nghệ như ngày nào bằng cách "phủ sóng" Windows trên đa dạng các loại thiết bị.
Đọc thêm: Brian Acton,đồng sáng lập WhatsApp: “Facebook đã từ chối tôi'
Thu Thủy