Nhịp sống số

Zuckerberg: Facebook từng phạm nhiều sai lầm về bảo mật

CEO Facebook Mark Zukerberg trong khi bình luận về thỏa thuận mới với chính quyền Mỹ đã thừa nhận mạng xã hội của mình từng mắc nhiều lỗi bảo mật trong quá trình phát triển.

Facebook đã kí thoả thuận với Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ, xác định những nguyên tắc xử lí thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội. Bình luận về sự kiện này, người đứng đầu Facebook Mark Zuckerberg đã gửi đi một bức thư ngỏ trong đó thừa nhận Facebook đã để lọt hàng loạt lỗi trong quá khứ.

"Nói về Facebook, tôi muốn tạo một sân chơi cho giao tiếp, giúp đỡ mọi người chia sẻ với nhau những sự kiện quan trọng trong cuộc sống của mình mà vẫn hoàn toàn kiểm soát được những ai truy cập vào thông tin mà người dùng để công khai - Zuckerberg phát biểu - Nói chung, tôi cho rằng, chúng tôi đã thực hiện một công việc xuất sắc trong việc đảm bảo tính minh bạch của hệ thống kiểm soát mọi người truy cập vào thông tin của một người. Đồng thời, tôi cũng lần đầu tiên xin thú nhận rằng, trên con đường này, chúng tôi đã phạm nhiều sai lầm".

Mark Zuckerberg nhắc lại 2 sự kiện chính là việc tung ra hệ thống quảng cáo Beacon 4 năm về trước và hiệu quả thấp của mô hình bảo vệ sự riêng tư được giới thiệu 2 năm về trước.

Dự án Beacon khởi động từ năm 2007 cho phép hiển thị trên Facebook dữ liệu về việc người dùng mạng xã hội này đã thăm viếng những trang web nào và mua sắm (trực tuyến) những gì. Công nghệ này đã dấy lên làn sóng phản đối rầm rộ do nhiều người dùng bị sốc khi thấy những người quen của họ biết được những thông tin đó. Sự phản đối rốt cuộc được thể hiện bằng một đơn kiện tập thể. Sau đó, mạng xã hội này buộc phải đóng cửa dự án Beacon. Công ty cũng đồng ý chi 6 triệu USD thành lập một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu nghiên cứu các vấn đề về sự riêng tư khi sử dụng Internet.

Mark Zuckerberg nhận lỗi.

Năm 2009, Facebook đụng phải một làn sóng chỉ trích mới sau khi tung ra phiên bản hệ thống bảo mật mới, khiến cho danh mục bạn bè của người dùng bị mở toang cho bất cứ ai muốn xem và có thể truy cập được với từ khoá tìm kiếm, và không thể giới hạn các truy cập đến đó.

Hiện nay, theo thoả thuận với chính quyền Mỹ, Facebook sẽ phải tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng. Thứ nhất, mạng xã hội này phải được sự cho phép trực tiếp của người dùng khi muốn thay đổi thiết lập về tính riêng tư trong tài khoản của họ. Thứ hai, Facebook được yêu cầu phải loại bỏ tài khoản và chấm dứt truy cập vào dữ liệu của người dùng từ bất cứ hướng nào trong vòng 30 ngày sau khi họ thôi dùng dịch vụ. Thứ ba, công ty đồng ý để cho tư vấn độc lập về chính sách bảo mật vào làm việc 2 kì một năm trong vòng 20 năm.

Liên quan đến sự kiện này, Zuckerberg đã bổ nhiệm 2 vị trí mới. Erin Egan sẽ giữ chức Giám đốc về chính sách riêng tư. Egan mới gia nhập Facebook, còn trước đó bà là đối tác và là một trong những lãnh đạo của hãng luật quốc tế Covington and Burling, chuyên về các vấn đề riêng tư và bảo mật dữ liệu. Bà đang lãnh đạo hoạt động phát triển các phương pháp làm việc của Facebook và thảo luận các vấn đề về sự riêng tư. Bà sẽ chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lí, nhà làm luật và các chuyên gia trên toàn thế giới về hoạt động của Facebook.

Trong khi đó, Michael Richter sẽ giữ chức Giám đốc về tính riêng tư của sản phẩm. Tại thời điểm này, Richter đang làm việc ở vị trí cố vấn trưởng dịch vụ pháp lí của Facebook. Ở cương vị mới, ông sẽ tham gia phát triển các sản phẩm trong lúc đảm bảo phát triển và chuẩn hoá hệ thống nội bộ hiện tại nhằm đảm bảo sự riêng tư. Ông và nhóm của mình sẽ đảm bảo các nguyên tắc riêng tư trên Facebook cả trong các sản phẩm mới lẫn trong tổ chức quy trình phát triển nội bộ của chúng.

Theo PCWorld VN (CNews)