Cuối cùng, HP cũng đã đưa ra quyết định cho số phận của hệ điều hành webOS: nền tảng này sẽ cống hiến cho cộng đồng mã nguồn mở. webOS sẽ được công bố tất cả các thành phần cho cộng đồng mạng phát triển, kể cả nhân Linux của nó. HP nói rằng hãng sẽ trở thành "một người tham gia nhiệt tình và một nhà đầu tư cho dự án (webOS)" và mục tiêu cuối cùng là tăng tốc sự phát triển của webOS. Nói cách khác, HP không muốn bỏ quá nhiều tiền vào webOS để nó có thể cạnh tranh được với các OS khác, nên hãng sẽ nhờ cộng đồng giúp làm chuyện này. Đối với Enyo, nền tảng ứng dụng bên trong webOS 3 (hiện đang cài trên máy tính bảng TouchPad), HP cho biết nó vẫn sẽ tồn tại trong tương lai gần và là thành phần đầu tiên trở thành mã nguồn mở. Hãng mong muốn sẽ cung cấp cho cộng đồng cơ hội mới để cải thiện ứng dụng và dịch vụ web trong thế hệ tiếp theo của các thiết bị. HP chưa công bố chính xác thời gian, lịch trình mã nguồn mở hóa webOS vì một số thành phần trong đó thuộc bản quyền sở hữu trí tuệ của một số công ty khác, do đó có "một số việc HP phải làm", chẳng hạn như thay thế những thành phần đó bằng những bộ phận khác.
Trang tin The Verge đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với bà Meg Whitman, CEO của HP, và thành viên của hội đồng quảng trị, ông Marc Andreessen. Hai vị này cho biết hãng sẽ dùng webOS trong các thiết bị của mình nhưng "chưa nói được rằng nó có xuất hiện trong 2012 hay không vì hãng phải tổ chức lại đội ngũ theo một hướng tương đối khác so với trước đây". Các thiết bị này sẽ là máy tính bảng trong tương lai gần. Bà Whitman nói hãng chưa có kế hoạch quay trở lại thị trường điện thoại di động.
Đối vối nhân viên hiện đang làm việc cho nền tảng webOS ở HP, hãng sẽ giữ lại đội ngũ chính, các nhà quản lí. Nhân viên nào muốn cống hiến cho tương lai mới của webOS cũng có thể đăng kí làm việc. Hãng đang nhìn vào những mô hình thành công của các tổ chức công nghệ như Mozilla, Red Hat, Hadoop nhưng hiện tại, hãng chưa quyết định được "tổ chức webOS" sẽ đi theo hướng nào.