Không riêng Việt Nam, có tới 6 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương nằm trong danh sách 10 quốc gia có tỉ lệ thư rác cao nhất, chiếm 40% tổng thư rác gửi đi trong quý III/2011.
Theo thống kê của hãng bảo mật Trend Micro, Ấn Độ và Hàn Quốc xếp ở vị trí đầu, còn Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Đài Loan lần lượt chiếm vị trí 4, 5, 7 và 9. Khu vực này cũng là nơi bị phát hiện nhiều cuộc tấn công có mục tiêu của tin tặc. Những cuộc tấn công này kéo dài dai dẳng, nhằm vào các công ty và tổ chức lớn ở hơn 60 nước, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Tội phạm đã thực hiện hơn 300 chiến dịch độc hại khác nhau để lấy trộm dữ liệu và toàn quyền kiểm soát các hệ thống bị lây nhiễm (zombie) của người dùng. Sau đó, các zombie này bị lợi dụng để gửi thư rác, tham gia tấn công từ chối dịch vụ... mà người dùng không hề hay biết.
Mỹ, nước thường xuyên dẫn đầu danh sách, không còn nằm trong Top 10 nước có tỉ lệ thư rác bị gửi đi nhiều nhất do đã thực hiện thành công việc bắt giữ một số tổ chức điều hành mạng lưới spam. Ngày 9/11, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố Operation Ghost Click, chiến dịch kéo dài 2 năm điều tra về băng nhóm tôi phạm mạng có trụ sở tại Estonia, đã kết thúc. Mạng botnet tồn tại đã lâu gồm hơn 4 triệu máy tính lây nhiễm ở hơn 100 quốc gia đã bị FBI, cảnh sát Estonia và Trend Micro triệt phá. Mạng này ước tính đã thu lời bất hợp pháp tới hơn 14 triệu USD.
Hãng bảo mật Mỹ cũng khẳng định Google đã thay thế Microsoft trở thành đơn vị số một về các lỗ hổng sản phẩm bị phát hiện với tổng số 82, phổ biến nhất là trên Chrome. Oracle và Microsoft lần lượt ở vị trí số 2 và 3 với lỗ hổng tương ứng là 63 và 58.
Theo VnExpress