Giải trí

Vì sao liên doanh 10 năm Sony Ericsson tan vỡ?

Sony thâu tóm Sony Ericsson không chỉ có ý nghĩa cho hai bên, mà còn tác động tới nhiều đối tượng khác trong ngành công nghệ.

Đã 10 năm kể từ thời điểm hai công ty sát cánh, gây dựng liên doanh nhằm tận dụng sức mạnh từ mỗi bên: danh tiếng của Sony trong lĩnh vực thiết bị, và Ericsson trong mảng kinh doanh không dây. Hiện tại, họ đã sẵn sàng để đi con đường riêng của mình một lần nữa khi Sony-Ericsson hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của gã khổng lồ điện tử Nhật Bản. Tuyên bố ngày hôm nay của hai công ty tương ứng với những thay đổi trong vài năm gần đây. Từ giờ trở đi, Sony có thể sẽ bỏ qua phân khúc điện thoại giá rẻ để tập trung vào sản xuất điện thoại thông minh (smartphone).

Ông chủ Sony – Howard Stringer phát biểu: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp rộng rãi smartphone, laptop, máy tính bảng, ti-vi… tới người dùng, và mở ra thế giới giải trí trực tuyến mới”. Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Ericsson – Hans Vestberg cũng ủng hộ đối tác của mình: “10 năm đã trôi qua từ khi chúng tôi hình thành liên doanh này… và đó là sự kết hợp hoàn hảo, thúc đẩy phát triển dòng điện thoại phổ thông. Hôm nay, chúng tôi thực hiện bước đi không thể hợp lí hơn khi Sony mua lại cổ phần của chúng tôi trong Sony Ericsson và biến nó trở thành một phần trong dòng sản phẩm tiêu dùng rộng lớn của hãng”.

W800 và K750 - Hai mẫu điện thoại "hit" của Sony-Ericsson năm 2005

Sản phẩm của cặp đôi này – W800 và K750 từng trở thành “hit” năm 2005 với doanh số đáng gờm, đưa Sony Ericsson lọt top doanh nghiệp đầu bảng thị trường di động. Tuy nhiên, cũng như nhiều hãng khác, sự xuất hiện của iPhone đã làm tổn thương Sony Ericsson. Chỉ trong vài năm, doanh số bán hàng của hãng giảm khoảng 75%. Năm 2009, liên doanh tổn thất khoảng 375 triệu USD.

Sony và Ericsson hi vọng giao dịch mua lại cổ phần sẽ kết thúc vào đầu năm 2012. Bản thân giao dịch có ý nghĩa to lớn không chỉ cho hai công ty, mà còn tác động tới nhiều vấn đề khác.

Nắm quyền kiểm soát

Thành công của Apple trong vài năm qua một phần do hãng thế chân vào vị trí Sony từng có: tạo ra loạt thiết bị với cao cấp, thiết kế hoàn mĩ và kết nối với hệ sinh thái rộng lớn. Sony-Ericsson giúp hai công ty gia nhập thị trường, nhưng rõ ràng liên danh không giỏi trong việc mang lại thứ khách hàng tìm kiếm. Đưa liên doanh về một nhà, Sony sẽ tập trung hơn vào sản xuất thế hệ thiết bị tiếp theo hoạt động hiệu quả với những sản phẩm còn lại.

Đặt cược vào nhận diện thương hiệu

Thực tế, thành công lớn nhất của Sony Ericsson đạt được nhờ dựa vào thương hiệu của Sony: đưa tính năng của máy nghe nhạc Walkman và máy ảnh Cybershot vào điện thoại cầm tay. Qua thời gian, Ericsson không đưa được nhiều thứ đáng kể vào mối hợp tác này, và đầu năm 2011, các chuyên gia phân tích từng gợi ý Sony nên mua đứt cổ phần của Ericsson để rộng đường sau này.

Chiến thắng cho Android

Sony sẽ tiếp tục ủng hộ Google Android.

Ban đầu, Sony-Ericsson ưa dùng hệ điều hành Symbian của Nokia, tuy nhiên, khi thị trường chuyển hướng và rời xa công ty Phần Lan, liên doanh cũng đổi dòng và ủng hộ Android. Sau khi nắm quyền kiểm soát, Sony sẽ có cơ hội đi theo hướng đi mới, tùy biến phần mềm Android tiến gần hơn tới hệ thống của Sony. Điều này quan trọng với cả công ty Nhật Bản lẫn Google.

Quyền sở hữu bằng sáng chế

Giao dịch bao gồm một thỏa thuận cấp bằng sáng chế chéo, bao trùm số lượng lớn các bằng sáng chế và công nghệ được sở hữu của mỗi bên. Điều này giúp Sony dễ dàng tích hợp các công nghệ này vào thiết bị khác mà không cần tới những giao dịch bằng sáng chế phức tạp, đồng thời củng cố sức mạnh của Sony trong cuộc chiến bản quyền di động hiện tại.

Châu Âu trượt dài

Với hành động thâu tóm của Sony, lĩnh vực thông tin di động của châu Âu tiếp tục suy giảm. 2 năm trước, bốn nhà sản xuất di động hàng đầu thế giới chia đều cho châu Âu và Hàn Quốc: Nokia (1), Sony Ericsson (4), bên cạnh Samsung (2) và LG (3). Hiện nay, thị phần Nokia giảm nhanh tới mức hãng buộc phải liên minh với Microsoft, trong khi Apple, ZTE (Trung Quốc), HTC và Research In Motion đã vượt qua Sony Ericsson, và thậm chí còn vượt xa trong phân khúc smartphone. Châu Âu có thể vẫn là thị trường tiêu thụ điện thoại di động lớn, nhưng đang trượt dài trên đường đua công nghệ.

Theo ICTnews