<>>
Ảnh minh họa |
Tôi vừa nhận được điện thoại của em, báo tin em đã đăng ký thi vào Khoa báo chí năm nay. Nhưng em vẫn đang băn khoăn không biết mình có đủ bản lĩnh để theo nghề báo hay không, một nghề mà em nói rằng “rất cao quý”. Em muốn “thỉnh giáo” tôi thêm vài thông tin về nghề báo để đi đến quyết định cuối cùng. Tôi nghe giọng nói sôi nổi của em, và mỉm cười một mình. Vì em đã yêu cầu, bạn nhỏ, tôi sẽ nói em nghe về nghề báo. Có thể nó không giống điều em thấy, hoặc những điều em sẽ được học ở trường, nhưng đó là những gì tôi nghĩ, sau bấy nhiêu năm làm công việc này.
<>1. Nghề báo trước hết là một nghề.> Tôi không ưa dùng từ “cao quý” cho một nghề nào đó, nếu như em cũng đồng ý với tôi rằng mọi nghề nghiệp lương thiện đều cao quý như nhau. Như mọi nghề nghiệp khác mà em biết, ta kiếm sống bằng công việc đó. Nghề báo nuôi sống ta bằng lương và nhuận bút. Và cũng như mọi nghề nghiệp khác, ta phải làm công việc của mình với tất cả năng lực và trách nhiệm để không hổ thẹn với đồng lương nhận được.
Vì sao tôi nhắc đến nhuận bút trước hết. Bởi vì việc chúng ta được trả tiền cho những gì ta viết sẽ khiến ta tỉnh táo, và không cho rằng mình đang làm một công việc cao quý hơn nhiều nghề khác trong xã hội. Và vì niềm vui mỗi khi lãnh nhuận bút cho một bài báo là niềm vui không bao giờ cũ. Từ một cái tin nhỏ đầu tiên cho đến bài báo cuối đời, khi niềm vui đó còn tồn tại nghĩa là em còn tự hào vì mình nhận được thành quả xứng đáng từ công sức của chính mình. Một người làm báo chính trực luôn trân trọng từng đồng nhuận bút bởi đó sẽ là nguồn thu nhập duy nhất nếu anh ta quyết dành cả đời mình chỉ để làm báo.
<>2. Khi ta đặt nghề báo trong tương quan bình đẳng với nghề khác, ta sẽ đặt bản thân người viết báo bình đẳng với nhận xét của mình. >Quan tòa có thể đứng cao hơn để tra hỏi hay phán xét bị cáo, nhưng chúng ta đứng trước quan tòa và bị cáo để phỏng vấn họ với một tư thế như nhau, sự tôn trọng như nhau. Đó cũng sẽ là tư thế trước chính trị gia, nghệ sỹ cho đến người công nhân quét đường. Người giàu, người nghèo, người thành công hay người thất bại. Em không yêu hay ghét hết thảy các nhân vật như nhau, nhưng em phải đối xử với họ như nhau: tôn trọng và không mặc cảm. Khiếp hãi hay khinh thường không nên là tác phong của một nhà báo.
<>3. Trong nghề báo, tuổi trẻ không phải là thế mạnh tối thượng.> Sự thông minh và xông xáo là những ưu điểm đáng kể, nhưng kinh nghiệm và kiến thức mới là giá trị quyết định. Nghề báo là nghề “gừng càng già càng cay”… Chúng ta xuất thân không phải là những người thông thái, nhưng lại phải biết về nhiều lĩnh vực, đó là do ta phải học liên tục. Và cách học tuyệt vời nhất quyết định sự hấp dẫn của nhà báo, là ta có cơ hội học trực tiếp từ những người am hiểu nhất về vấn đề đó, bên cạnh sách báo. Ta học cái nhìn kinh tế vĩ mô từ một nhà kinh tế học, ta học về cách điều hành một công ty từ số 0 qua một giám đốc thành công, học về nhạc lý và thị hiếu âm nhạc từ một nhạc sỹ, học về công nghệ lăng xê của một ông bầu… Không hiểu về điều mình viết không chỉ là một sai lầm, mà còn là sự thiếu trách nhiệm. Chúng ta học để biết, và biết thì mới viết. Càng làm nghề lâu thì ta càng học được nhiều. Khi quay nhìn lại, tôi nhận ra rằng mỗi đối tượng tôi gặp trong nghề báo đều đã dạy cho tôi điều gì đó hữu ích. Và như vậy, chúng ta là người có nhiều thấy hơn bất cứ ai.
<>4. Tôi ưa thích nghề báo bắt đầu từ những tin vắn quốc tế, ký tên AP, AFP, Reuter…> Và cho đến giờ tôi vẫn yêu thích chúng. Những tin vắn, không có tên phóng viên nào được ký, thay vào đó là tên hãng tin. Đối với tôi, nó thể hiện toàn bộ nghề báo: Cả một bộ máy khổng lồ để đưa đến cho ta dòng tin 50 từ đó. Khi em nói mình muốn làm báo, thông thường điều đó có nghĩa là em sẽ làm người viết, một phóng viên ký tên dưới bài được đăng. Hãy nghĩ đến bộ máy sau đó: người dịch, người biên tập, thư ký tòa soạn, người trình bày, tổng biên tập, người đọc morasse, người thủ quỹ phát nhuận bút, người phát hành và bán báo, và… người đọc. Một bộ máy khổng lồ nhiều khi bị lãng quên.
<>5. Nghề báo trong tim tôi gói trọn trong một chữ TIN.> TIN - là thông tin - thứ chúng ta phải cung cấp. TIN – là lòng tin – thứ chúng ta phải đạt được. Nếu không có thông tin, không thể đòi hỏi lòng tin. Nếu không có lòng tin, thông tin chỉ là trò hề vô nghĩa. Để có được hai thứ đó, phải bắt đầu từ sự thật, và vì sự thật.
Nghề báo xét cho cùng không mang đến cho chúng ta thứ quyền lực nào ngoài quyền được đòi hỏi tìm đến tận cùng sự thật. Cũng như đối với nhiều người làm báo khác, sự thật có sức quyến rũ ghê gớm đối với tôi. Sự thật, để có được nó, người ta có thể phải trải qua rất nhiều thứ. Có thể là chuyến đi dài, những cuộc phỏng vấn đeo đuổi hàng tuần. Có thể là khổ ải, nhục nhằn, mất mát. Có thể là trung thành hay phản bội. Là sức lực, trí tuệ, lòng dũng cảm. Là mồ hôi, máu. Là cận kề chiến tranh, thảm họa, tù đày. Là cái chết… Có thể là tất cả những cái đó gộp lại.
Sự thật, chính là lý do khiến nhiều nhà báo mất mạng ở chiến trường. Sự thật, là nguyên nhân sâu xa khiến nghề báo luôn được xếp vào những nghề nguy hiểm.
Để CÓ được sự thật, người làm báo phải chính trực và biết hoài nghi. Để NÓI được sự thật, tờ báo phải chính trực và có dũng khí.
Nhưng, em sẽ hỏi, rằng sự thật là gì? Sự thật, đôi khi là điều không thể dễ nắm bắt. Sự thật, đôi khi nằm giữa hai bản báo cáo của hai phe thắng bại. Sự thật, đôi khi là ranh giới mờ ảo mong manh. Và sự thật rất nhiều lúc là thứ vẫn đang được tìm kiếm chứ không phải đã được khẳng định. Người tìm kiếm nó không phải bao giờ cũng gặp được nó.
Nhưng dù thế nào, thì nghề báo cũng phải khởi đầu từ niềm khao khát đạt đến sự thật. Từ niềm tin sâu sắc vào điều đúng đắn. Ngày mà ta thấy thanh thản trước một điều không tốt, đó cũng là ngày ta bôi vết đen đầu tiên lên nhân cách của chính mình.
<>6. Dù sao tôi vẫn nghĩ nghề báo không phải là một nghề khó.> Không có gì bảo đảm là ta sẽ viết được những điều lớn lao, nhưng chắc chắn ta luôn có thể làm được điều tối thiểu là viết một cách chân thật. Viết thì dễ hơn là nói, nói thì dễ hơn là tin, và tất nhiên, tin thì dễ hơn là sống vì những điều tốt đẹp.
Bởi thế nếu ta chưa thể viết được những điều vĩ đại và chân thật, thì ít nhất ta cũng phải viết được những điều bé nhỏ và chân thật.
Hãy bắt đầu từ đó.
<>Phạm Lữ Ân
>
Trích từ "Nếu biết trăm năm là hữu hạn"<>
>