Nhịp sống số

TTCN: bản tin tổng hợp số 8/2011

Trong những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, dường như những thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo mật nhận được sự chú ý rất nhiều của người dùng công nghệ. Bên cạnh đó là các tin tức trên thị trường phần mềm và điện thoại.

Sự phát triển của mạng xã hội ngoài việc mang đến những tiện ích cho người dùng còn làm gia tăng các nguy cơ bảo mật. Nếu thật sự bạn vẫn còn mơ hồ về vấn đề này, xin mời tham khảo bài viết tìm hiểu cách đánh lừa người dùng Facebook bấm nút Like. Đây là phương thức có vẻ khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều những "chiêu lừa" tinh quái trên mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này. Ngay cả ông chủ Mark Zukerberg của Facebook cũng thừa nhận sản phẩm của mình từng phạm nhiều sai lầm về bảo mật. Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi một thị trường Internet năng động như Việt Nam lại là mảnh đất màu mỡ của vi rút chat trên Facebook.

Vấn đề của Facebook đã trở nên nghiêm trọng hơn khi Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) ra tuyên bố yêu cầu Facebook phải tôn trọng bảo mật thông tin của người dùng kèm theo đó là án phạt kiểm tra bảo mật định kì trong 20 năm tiếp theo. Nên biết rằng, gã khổng lồ số 1 trong lĩnh vực Internet, Google cũng từng chịu bản án tương tự khi sử dụng thông tin người dùng mà không xin phép để phát triển mạng xã hội Buzz. Rõ ràng, ngay cả với các "đại gia", giữa cam kết và thực hiện vẫn còn một khoảng cách rất xa.

Dù phải đối mặt với không ít vấn đề như vậy nhưng Facebook vẫn đang phát triển rất nhanh. Với con số hơn 800 triệu người dùng hiện tại, mạng xã hội này đang chuẩn bị lên sàn giao dịch chứng khoán với mức IPO được đồn đoán lên đến 10 tỉ USD, một kỉ lục mới đối với các công ty Internet.

Bảo mật trên điện thoại cũng đang là vấn đề đáng được quan tâm, nhất là trong giai đoạn thị trường smartphone đang phát triển nhanh chóng.

Thông tin về việc hàng trăm triệu smartphone bị bí mật cài đặt phần mềm gián điệp Carrier IQ ngay từ trước khi đến tay người mua đã làm dấy lên mối lo ngại lớn. Dường như công cụ thân thiết nhất, tiện lợi nhất lại trở thành kẻ theo dõi bất ngờ nhất. Chưa biết vụ việc này sẽ đi đến đâu nhưng ngay cả sáng lập viên TTCN cũng phải giật mình "tháo bung" chiếc smartphone Samsung của anh ta ra để kiểm tra khi biết được thông tin trên!

Sau đó, Apple cũng xác nhận, các thiết bị của họ từng "hỗ trợ" Carrier IQ, tuy nhiên điều này đã chấm dứt kể từ khi iOS 5 ra mắt.

Vai trò ngày càng quan trọng của thiết bị di động trong doanh nghiệp cũng dẫn đến nhiều nguy cơ. Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật đánh giá, đích ngắm của malware trong năm 2012 chính là thị trường này.

Trong khi đó, đứng trên phương diện của nhà sản xuất hệ điều hành di động, Giám đốc phụ trách phần mềm nguồn mở của Google, Chris DiBona lại cho rằng smartphone không có nguy cơ về vi rút theo cách như Windows, và rằng các nhà sản xuất phần mềm diệt vi rút cho thiết bị di động đang đánh lừa người dùng để bán được sản phẩm.

Tuy nhiên, lần lượt các hãng bảo mật danh tiếng trên thế giới tiếp tục cho ra mắt sản phẩm trên Android, thậm chí phần mềm "đầu bảng" BKAV Mobile Security của nhà sản xuất đến từ Việt Nam còn có cả chức năng chặn tin nhắn rác tốt hơn dịch vụ của nhà mạng.

Cũng liên quan đến tính an toàn của việc sử dụng smartphone, ngay cả khi bạn không xem việc bị theo dõi, đánh cắp thông tin cá nhân là vấn đề nghiêm trọng thì cũng chưa thể yên tâm bởi chú "dế" yêu còn có thể bỗng dưng... bốc cháy.

Trong tuần quan có đến 2 vụ việc như vậy. Đầu tiên là chiếc iPhone 4 bốc cháy ngay trên máy bay tại Úc, cũng may là điều đó xảy ra khi máy bay đã hạ cánh và chủ nhân của thiết bị cùng phi hành đoàn cũng đã dập tắt được nó. Dù không được "bay" như đối thủ đến từ Apple nhưng chiếc Galaxy S II của Samsung cũng đã "bốc khói" ngay trong túi quần của chủ nhân.

Cuối tháng 11 cũng là thời điểm các hãng thống kê công bố thông tin thị trường trình duyệt và smartphone.

Theo báo cáo của Nielsen, Android tiếp tục là hệ điều hành di động chiếm ưu thế trong số các thuê bao di động Mỹ trong quý 3/2011, trong khi Apple vẫn là hãng sản xuất smartphone lớn nhất. Ngoài ra, thị phần của các hãng và nền tảng khác không có nhiều thay đổi.

Trong khi đó, thị trường trình duyệt tháng 11 chứng kiến sự bức phá mạnh mẽ của Chrome, theo số liệu thống kê từ Net Applications. IE vẫn đang dẫn đầu và sự sụt giảm thị phần liên tục của thời gian trước đã dừng lại.

Về vấn đề trong nước, thị trường công nghệ tuần rồi chứng kiến sự có mặt của nhiều thiết bị đã được giới thiệu trước đây.

Đầu tiên là chiếc smartphone tầm trung Galaxy W của Samsung, thiết bị chạy hệ điều hành Android có vi xử lí lõi đơn tốc độ 1,4 GHz cùng lõi đồ họa Adreno 205. Được giới thiệu từ tháng 9, máy đọc sách điện tử Kindle Touch của Amazon đã về đến Viêt Nam vào cuối tháng 11 này với giá 3,1 triệu đồng.

Chiếc smartphone dành cho nữ của HTC cũng đã "cập bến" Việt Nam với giá gần 12 triệu đồng. HTC Rhyme chạy trên nền hệ điều hành Android 2.3 cùng giao diện Sense UI 3.5. Máy sử dụng vi xử lí Qualcomm MSM8255 Snapdragon có tốc độ 1 GHz cùng camera 5 Mpx với khả năng quay phim HD.

Một điện thoại cao cấp khác cũng được TTCN đập hộp trong tuần này là BlackBerry Curve 9360. Thiết bị chạy hệ điều hành BlackBerry 7, vi xử lí tốc độ 800 MHz, RAM 512 MB, tích hợp sẵn tính năng NFC, GPS, kết nối Wi-Fi, camera 5 Mpx phía sau với đèn flash.

Cuối tuần, thị trường di động trong nước lại nóng thêm với việc Nokia công bố 3 chiếc smartphone Symbian Belle: Nokia 603, Nokia 700 và Nokia 701. Bộ 3 này có mức giá chỉ từ 6-8 triệu đồng, sở hữu vi xử lí 1 GHz và tích hợp NFC.

Chiếc smartphone chính hãng cuối cùng tại Việt Nam được TTCN giới thiệu trong tuần này là HTC Explorer với thiết kế khá gọn gàng và cấu hình trung bình.

Ngoài ra, 7 ngày vừa rồi còn có nhiều thiết bị công nghệ đáng chú ý khác ra mắt trên thế giới như điện thoại thông minh LG Nitro HD, Acer Liquid Express, LePhone S2 của Lenovo, điện thoại giá rẻ Nokia X2-02, cùng với đó là bộ 3 máy tính bảng LePad của Lenovo, đập hộp chiếc tablet chạy vi xử lí Tegra 3 đầu tiên trên thế giới và nhiều sự kiện hấp dẫn khác.

Thông tin công nghệ.