Ngày 27-12, các quan chức Trung Quốc cho biết nước này đã bắt đầu chính thức đưa hệ thống định vị vệ tinh riêng của họ vào hoạt động.
Hệ thống vệ tinh có tên gọi Bắc Đẩu này sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ.
Người phát ngôn của dự án, ông Ran Chengqi cho biết, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu hiện đã được đưa vào hoạt động với 10 vệ tinh trên quỹ đạo. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ mở rộng hệ thống vào cuối năm 2012 khi có thêm sáu vệ tinh nữa được đưa vào hoạt động.
Ông Ran Chenqi tuyên bố rằng, việc Trung Quốc phát triển một hệ thống định vị vệ tinh riêng là điều rất cần thiết cho việc phát triển kinh tế của nước này.
Ông cũng cho biết, hệ thống Bắc Đẩu có tính tương thích với các hệ thống định vị vệ tinh khác trên thế giới hiện đang hoạt động. Bước đầu, hệ thống này sẽ chỉ có khả năng cung cấp dịch vụ cho Trung Quốc và các nước lân cận. Đến năm 2020, hệ thống này sẽ có độ bao phủ tín hiệu trên toàn cầu với tổng số 35 vệ tinh tham gia hệ thống. Hiện nay, Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ định vị vệ tinh miễn phí và dịch vụ này đã được một số ngành công nghiệp nội địa Trung Quốc sử dụng ngay từ khi Bắc Đẩu mới bắt đầu hồi năm 2000.
Với thông báo công bố ngày 27-12, Trung Quốc một mặt cũng muốn thuyết phục các công ty trong nước và nước ngoài phát triển các thiết bị định vị vệ tinh sử dụng hệ thống Bắc Đẩu. Hiện Bắc Đẩu có thể xác định vị trí với độ chính xác trong phạm vi 25 m. Tuy nhiên, đến cuối năm tới độ chính xác này sẽ được cải thiện, với khả năng định vị được thu hẹp trong phạm vi 10 m.
Hiện nay, ngoài hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc, một số nước khác cũng đang sử dụng hoặc phát triển các hệ thống định vị vệ tinh để cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ. Nước Nga hiện đang sử dụng hệ thống định vị GLONASS riêng của mình, trong khi Liên hiệp châu Âu đang phát triển một hệ thống có tên là Galileo. Nhật Bản cũng đã phóng một số vệ tinh riêng của họ để tăng độ chính xác cho các dịch vụ định vị trong lãnh thổ nước này.
Theo Nhân Dân/PCWorld