Việc sử dụng nguồn nước quý giá để dẫn và xử lý chất thải như hiện nay là quá lãng phí và đắt đỏ, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển. Quỹ Bill & Melinda Gates đang tài trợ cho cho các sáng chế mới về nhà vệ sinh.
<>
Một yếu tố không thể thiếu khi xây dựng mỗi công trình là các…nhà vệ sinh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, dường như khu vực quan trọng này đang bị lãng quên. Nếu không có hệ thống xử lý chất thải này, bên cạnh sự bất tiện mà nó mang lại còn là những mối hiểm họa có thể giết chết bạn.
Khi nước thải không được xử lý, các vi khuẩn có thể thâm nhập vào các nguồn nước và gây ra các bệnh như viêm gan, kiết lỵ, thương hàn, đau mắt hột và bệnh tả. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có 5 triệu người bị bệnh tả mỗi năm.
Các nhà vệ sinh tự hoại với chi phí cao, đòi hỏi hệ thống xử lý nước thải phức tạp rõ ràng không phải là lựa chọn cho nhiều quốc gia đang phát triển. Marc Deshusses, một kỹ sư môi trường tại Đại học Duke đã nghiên cứu ra một hệ thống xử lý chất thải tiên tiến nhưng đơn giản được thiết kế đặc biệt cho các nước thế giới thứ ba có thể được xây dựng từ các vật dụng hàng ngày.
Theo Deshusses, với chi phí dưới 100 USD và một ngày làm việc, mỗi gia đình trong một quốc gia kém phát triển có thể tự mình xây dựng một hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh, không cần điện hay các nguồn năng lượng khác, đồng thời tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có hại.
Trong hệ thống mà Deshusses đang phát triển, chất thải được chuyển trực tiếp tới một hầm riêng bằng các ống nhựa PVC. Căn hầm này sẽ được bịt kín, không có không khí ở trong và vi khuẩn sẽ tiêu hóa các chất thải. Trong quá trình này, khí mê-tan sẽ được tạo ra. Thay vì để khí mê-tan thoát vào môi trường, lượng khí này sẽ bị giữ lại và bị đốt, tạo ra sức nóng đủ để diệt các vi khuẩn và virus gây bệnh. Bên cạnh đấy, Deshusses còn chỉ ra rằng các chất hữu cơ khác, chẳng hạn như thức ăn thừa còn sót lại hoặc chất thải động vật, cũng có thể vứt bỏ vào hệ thống, giảm thiểu ô nhiểm môi trường, đồng thời làm tăng lượng khí mê-tan giúp cho quá trình xử lý chất thải được thực hiện nhanh hơn.
"Hệ thống này hoạt động giống như các bể tự hoại được sử dụng nhiều ở các vùng nông thôn", Deshusses nói. "Tuy nhiên, trong bể tự hoại, khí mê-tan được giải phóng vào môi trường, làm lãng phí cơ hội tận dụng nó, đồng thời tác động xấu tới môi trường sống của chúng ta. Khí mê-tan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, với độ tác động gấp 25 lần khí carbon dioxit".
"Người dân ở các nước nghèo, thiếu hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh rất cần một phương pháp xử lý hiệu quả với chi phí rẻ, đơn giản để thực hiện và duy trì lâu dài", Deshusses cho biết. "Chúng tôi tin rằng hệ thống này sẽ là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe ở các nước đang phát triển".
Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức được thành lập bởi tỷ phú Bill Gates và vợ nhằm mục đích giúp mọi người sống một cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp quyết định tài trợ cho dự án 100.000 USD.
Deshusses cho biết ông và nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Duke sẽ sử dụng các khoản trợ cấp để hoàn thiện và thử nghiệm các hệ thống trong phòng thí nghiệm trước khi lắp đặt thử và đưa vào sử dụng để kiểm tra tính hiệu quả trong vòng 18 tháng. Nếu thành công, Deshusses hy vọng chương trình có thể cải thiện thực trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh ở các quốc gia đang phát triển với sự hỗ trợ của Quỹ Gates.
Tham khảo: Gizmag