Nhịp sống số

Tìm hiểu lá chắn phòng ngự tên lửa Hoa Kỳ: Hệ thống phòng thủ vô hình vĩ đại

Ngày nay cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật là những cuộc chạy đua vũ trang của các nước trên thế giới, trong đó sự góp mặt của 2 ông lớn là Nga và Mỹ đã khiến cuộc chạy đua ngày càng gay gắt. Năm 2005, Nga đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên châu lục hệ "Bạch dương" với tốc độ siêu âm, cùng khả năng chuyển hướng đột ngột mà không ảnh hưởng đến độ chính xác đến mục tiêu. Chính điều này đã làm người Mỹ lo ngại, để rồi sau đó Quốc hội Mỹ đã thông qua việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn toàn mới với mức đầu tư hơn 30 tỷ USD.
 
Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (National Missile Defense, viết tắt là NMD) là một hệ thống ngăn chặn sự xâm nhập của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bằng cách phát hiện các tên lửa tấn công và tiêu diệt chúng. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống NMD, cách thức hoạt động cũng như tác dụng và tầm hiệu quả của chúng, để hiểu tại sao Mỹ lại bỏ ra tới hơn 30 tỷ USD để xây dựng hệ thống này.
 

 
Tiền thân của hệ thống NMD chính là chương trình phòng thủ quốc gia của tổng thống Ronald Reagan năm 1983, có tên là "Sáng kiến quốc phòng chiến lược" (viết tắt là SDI), hay còn được biết đến với cái tên "Star Wars". Hệ thống SDI được kỳ vọng sẽ tạo nên một lá chắn không thể xuyên thủng, với việc trang bị laser dẫn đường và đầu đạn hạt nhân trên các vệ tinh nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên hệ thống NMD ngày nay là hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất, và chỉ có thể ngăn chặn một số lượng tên lửa nhất định. NMD bao gồm 3 hệ thống chính là hệ thống phát hiện và theo dõi mục tiêu, hệ thống tên lửa đánh chặn và trung tâm đầu não.
 
Hệ thống phát hiện và theo dõi mục tiêu
 
Hệ thống này có nhiệm vụ phát hiện tên lửa tấn công và theo dõi hoạt động của chúng. Dữ liệu được thu thập bởi các radar và vệ tinh, sau đó được gửi trở về trung tâm chỉ huy để phân tích và đưa ra những phương án đánh chặn. Hệ thống bao gồm 3 phần chính:
 

 
 Hệ thống nâng cấp từ radar cảnh báo sớm (UEWR): Được nâng cấp từ những radar cảnh báo và các radar siêu cao tần, bao gồm việc nâng cấp hệ thống máy tính, hiển thị đồ họa, thông tin liên lạc và các thiết bị thu phát sóng radar để phù hợp với việc phát hiện tên lửa. UEWR có nhiệm vụ phát hiện sớm các tên lửa đạn đạo đồng thời giám sát hoạt động của chúng cho đến khi các hệ thống khác phân tích và đánh giá chi tiết hơn. 
 

 
 Hệ thống radar đa tia X (XBR): XBR sử dụng sóng radar tần số cao cùng công nghệ xử lý tín hiệu tiên tiến nhất cho phép nó tiếp tục theo dõi và phân tích mục tiêu sau khi được xác định bởi UEWR. Ngoài ra XBR còn có nhiệm vụ hỗ trợ và dẫn đường cho hệ thống đánh chặn bằng cách xác định quỹ đạo của mục tiêu và thể hiện trên bản đồ số. Hệ thống XBR được đặt trên một bệ đỡ có khả năng quay 360 độ giúp nó có thể theo dõi hoạt động của nhiều mục tiêu cùng lúc. Bên cạnh radar chính còn có 1 hệ thống điều khiển, bảo dưỡng và 1 máy phát điện, tất cả được bảo vệ nghiêm ngặt trên vùng đất rộng 70 nghìn mét vuông.
 

 
 Hệ thống vệ tinh hồng ngoại (SBIRS): Là kế hoạch phát triển của lực lượng không quân Hoa Kỳ với kinh phí 10 tỷ USD dự kiến được sử dụng nhằm hỗ trợ cho NMD trong vài năm tới. SBIRS bao gồm một hệ thống các vệ tinh sử dụng cảm biến hồng ngoại thay thế những vệ tinh của chương trình "Hỗ trợ phòng thủ" hiện nay. Có 3 loại vệ tinh SBIRS, bao gồm vệ tinh có quỹ đạo tròn,  vệ tinh có quỹ đạo elíp, và các vệ tinh có quỹ đạo thấp xung quanh Trái Đất. Các vệ tinh này sẽ cho phép phát hiện tên lửa của đối phương sớm hơn cũng như khả năng theo dõi tốt hơn radar gấp nhiều lần.
 
Hệ thống tên lửa đánh chặn
 
Mục đích của toàn bộ hệ thống NMD là nhằm tạo một bức tường bảo vệ chống lại những cuộc tấn công bằng tên lửa với tốc độ siêu âm. Do đó việc phát hiện và theo dõi tên lửa là vẫn chưa đủ, nhiệm vụ chính của NMD là phải tiêu diệt chúng. Với việc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngày nay có vận tốc lớn gấp 5 lần vận tốc âm thanh (tương đương khoảng 6.000km/h) thì việc hạ gục chúng quả là thử thách rất lớn đối với NMD. Hệ thống tên lửa đánh chặn là thành phần quan trọng nhất của NMD, nó bao gồm 2 phần chính.
 

 
Tên lửa đánh chặn PLV: Sau khi hệ thống tên lửa Minuteman II ngừng hoạt động, những động cơ tên lửa như SR19 và Hercules M57 được sử dụng để chế tạo tên lửa PLV. Mỗi tên lửa PLV được trang bị một đầu đạn EKV và có nhiệm vụ đưa đầu đạn tiếp cận mục tiêu. Khi cách mục tiêu khoảng 2000 km, EKV sẽ tự động tách ra và hoàn thành nốt nhiệm vụ.
 

 
Đầu đạn EKV: Được trang bị hệ thống dò tìm hồng ngoại, cùng bộ điều khiển và chuyển hướng với 4 tên lửa đẩy được lắp trên thân. Một đầu đạn EKV có thể đạt vận tốc 25.700km/h cùng khả năng chuyển hướng mà không làm giảm độ chính xác, giúp nó có thể tiếp cận và tiêu diệt những tên lửa hiện đại nhất.
 
Hệ thống trung tâm chỉ huy và điều khiển
 

 
Bao gồm hệ thống quản lý chiến đấu, thu nhận thông tin, phân tích và đưa ra quyết định, được xem như là bộ não của 1 hệ thống NMD. Hệ thống chịu trách nhiệm theo dõi những mối đe doa tên lửa ngay sau khi có thông tin được đưa ra từ những nước khác. Thông tin về tên lửa của đối phương bao gồm quỹ đạo và phạm vi ảnh hưởng có thể xảy ra được chuyển đến trung tâm dựa trên những vệ tinh và hệ thống radar trên mặt đất. Chỉ sau 20 phút từ khi có thông tin về tên lửa đối phương, hệ thống tên lửa đánh chặn đã được chuẩn bị sẳn sàng và được lập trình bởi thông tin thu được từ radar.
 

 
Chỉ 2 phút sau khi tên lửa đánh chặn được phóng lên, đầu đạn EKV sẽ tự động tách ra khỏi phần động cơ tên lửa. Trước khi tách ra, EKV sẽ được cập nhật những thông tin cuối cùng về vị trí và quỹ đạo của mục tiêu, sau đó nó sẽ tự động xác định mục tiêu và dẫn đường bằng các cảm biến của mình. Một trong những hệ thống dẫn đường của EKV là dựa trên vị trí của những chòm sao, bằng việc so sánh vị trí tương đối với 1 chòm sao, EKV có thể tự xác định và dẫn đường đến mục tiêu.
 
Hoạt động của đầu đạn EKV sau khi tách khỏi tên lửa là hoàn toàn độc lập, nó không nhận được bất kỳ sự hướng dẫn hay thông tin nào khác từ trung tâm. Tuy nhiên hoạt động của EKV là vô cùng chính xác, chỉ 6 phút sau khi tách khỏi tên lửa nó sẽ tự động dẫn đường, tiếp cận mục tiêu và tiêu diệt. Vụ va chạm ở độ cao gần 200km do đó không gây thiệt hại gì cho những khu vực dưới mặt đất.
 

 
Phải nói rằng từ việc phát hiện mục tiêu cho đến khi tiêu diệt được nó là cả một quá trình vô cùng phức tạp của hệ thống NMD. Rất nhiều thao tác phải thực hiện một cách chính xác trong khoảng thời gian chưa đầy 30 phút kể từ lúc tên lửa đối phương rời mặt đất. Nhiều chuyên gia trước đây đã cho rằng hệ thống NMD khó có thể hoạt động hiệu quả, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Sự đầu tư của Mỹ đã đem lại những ưu thế nhất định trong cuộc chiến tên lửa giữa các quốc gia, tuy nhiên nó lại gây nên nhiều tranh cãi và làm cuộc chạy đua vũ trang trên toàn thế giới ngày càng trở nên gay gắt.
 
Lịch sử phát triển 
 
Năm 1946, sau khi phát hiện một chương trình tên lửa của Đức Quốc Xã, bao gồm cả kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào thành phố New York, quân đội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu tên lửa đánh chặn nhằm tiêu diệt tên lửa của Đức. Năm 1961, quân đội Mỹ đã đạt được những thành công đầu tiên trong việc đánh chặn một tên lửa đạn đạo của một cuộc thử nghiệm, từ đó thúc đẩy việc triển khai một lá chắn phòng thủ tên lửa quốc gia. 2 năm sau, chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia đầu tiên được triển khai với cái tên Sentinel.
 

Năm 1968, tổng thống Richard Nixon đã khôi phục chương trình Sentinel, với nhiệm vụ tập trung bảo vệ các thành phố thay vì toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ như trước. Chương trình Sentinel được đổi tên thành SafeGuard, với nhiều cải tiến hơn trước. Phạm vi bảo vệ được thu hẹp, do đó các tên lửa đánh chặn được bố trí tập trung hơn, đem lại hiệu quả cũng như độ chính xác cao hơn.
  
Năm 1972, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên Xô về vấn đề phát triển vũ khí đã mang lại hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM). Hiệp ước ABM nhằm hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và ngăn chặn sự leo thang của cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 nước. Theo hiệp ước này, Mỹ và Liên Xô đồng ý hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa trên khu vực của mỗi quốc gia. Trong đó, mỗi nước chỉ được phép có 1 hệ thống phòng thủ trên lãnh thổ nước mình với số lượng tên lửa đánh chặn dưới 100.
 
 

Tuy nhiên với sức mạnh quân sự và tham vọng của mình, Mỹ luôn muốn phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất, tối tân nhất bất chấp hiệp ước ABM đã ký. Tổng thống Bush đã nói rằng ông sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn toàn mới với chi phí đầu tư hàng chục tỷ USD. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Rumsfeld cũng nói rằng hiệp ước ABM đã lỗi thời bởi ngoài Nga và Mỹ, nhiều quốc gia khác đã phát triển công nghệ tên lửa xuyên lục địa sau khi hiệp ước được ký kết. Chính những điều này đã làm tổn hại mối quan hệ giữa Mỹ và nhiều nước trên thế giới, khiến cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu ngày càng nóng hơn.
 
Năm 1991, cả thế giới đã được chứng kiến sự góp mặt của hệ thống phóng thủ tên lửa trong chiến tranh vùng Vịnh , khi một tên Patriot của Mỹ đã phá hủy một tên lửa Scud của Iraq. Tuy nhiên hệ thống Patriot vẫn chưa hoàn thiện, vì radar và hệ thống điều khiển không có khả năng phân biệt đầu đạn mục tiêu khi nó được tách ra khỏi động cơ tên lửa.
 
 
Sau chiến tranh vùng Vịnh, người Mỹ tiếp tục phát triển và thử nghiệm những tên lửa đánh chặn mới, như Patriot PAC-3. PAC-3 được thiết kế lại với hệ thống tên lửa, radar và dẫn đường hoàn toàn mới, tăng khả năng bắn chúng mục tiêu, với xác suất thành công gần 100% khi tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tuy nhiên trên thực tế PAC-3 chỉ đạt xác suất 50-70% trong chiến tranh ở Isarel và Ả Rập Saudi.
 
Từ năm 1992 đến năm 2000, nhiều loại tên lửa và hệ thống chiến đấu của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng được bổ sung thêm khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Như hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống tên lửa Standard với các loại tên lửa SM-2 và SM-3, tuy nhiên những hệ thống này vẫn chưa đạt hiệu quả cao và chỉ được sử dụng như một biện pháp tình thế. Chỉ cho đến năm 2005, trước những mối đe dọa tên lửa từ Nga, Bắc Triều Tiên và các nước Trung Đông, một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD hoàn thiện nhất, hiện đại nhất đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần khẳng định vị trí đứng đầu của Mỹ trong lĩnh vực khoa học quân sự.
 
 
 
Tham khảo HowStuffWorks