Nhịp sống số

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở các tập đoàn: Càng sớm càng tốt!

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở các tập đoàn: Càng sớm càng tốt!
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và việc tổng công ty Nhà nước đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tái cơ cấu như thế nào cho hiệu quả, nhất là câu chuyện thoái vốn ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đang là bài toán hóc búa. Phóng viên TNVN phỏng vấn GS. TS. Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM về vấn đề này.
GS. TS. Trần Ngọc Thơ

<>

<>Chủ trương thoái vốn ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở thời điểm này, theo quan điểm của ông có hợp lý hay không?

Tôi cho rằng, có rất nhiều bằng chứng, lý thuyết lẫn thực tế ủng hộ cho chủ trương này của Chính phủ. Trước hết, về mặt thực tiễn và lý thuyết, gần đây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ ở châu Âu cho thấy mô hình doanh nghiệp quá lớn khi khủng hoảng sẽ bị phá sản. Ở Việt Nam, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn không mang lại hiệu quả, chưa kể nhiệm vụ của tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước khi lập ra không phải để đầu tư ngoài ngành mà như một “quả đấm thép”. Do đó, theo tôi nghĩ, tuy khó khăn nhưng ngay bây giờ phải có chính sách thoái vốn ở tập đoàn càng sớm càng tốt. Theo tôi, đối với nền kinh tế quy mô như Việt Nam, trong vài năm nữa chỉ cần vài tập đoàn.

<>Thưa ông, cũng có những lý giải của không ít tập đoàn là hiện nay hầu hết các khoản đầu tư ngoài ngành đều có lãi?

Đó là nhận định chỉ thấy trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Đầu tư ngoài ngành, các tập đoàn không thể hiệu biết sâu bằng việc kinh doanh chính ngành của mình. Cái lỗ đó sẽ là rủi ro cao. Chính vì thế, nếu xu thế đầu tư ngoài ngành cứ tiếp tục, rủi ro có thể xảy ra. Một “cú sốc” sẽ xảy ra thì nguy cơ đổ vỡ sẽ lớn.

Chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đóng góp khoảng 37% - 38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ - lãi tượng trưng.

<>Liệu khi thoái vốn, các nhà đầu tư có mua lại phần vốn mà các tập đoàn đã đầu tư trước đây?

Thực ra vấn đề nằm ở chỗ quy định của chúng ta như thế nào? Chúng ta thấy rằng, kinh tế thế giới suy thoái nhưng không thiếu doanh nghiệp IPO thành công, cũng không thiếu những dòng tiền đang chờ cơ hội đầu tư. Vấn đề không nằm ở chỗ kinh tế Việt Nam thiếu thanh khoản, hay vốn của nền kinh tế mà nằm ở chỗ chính sách như thế nào, quy định như thế nào để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

<>Vậy theo ông, trong trường hợp thoái vốn của các tập đoàn thì cơ chế, chính sách nên thế nào?

Chúng ta có thể mạnh dạn xác định những ngành nghề nào không có tác động mạnh đến định hướng chung của Đảng và Nhà nước thì tăng tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hay ưu đãi về thuế để luồng vốn đến những nơi cần đến.

<>Theo kinh nghiệm của ông, các nước trên thế giới, trong khu vực làm thế nào để thoái vốn trong những trường hợp giống như ở Việt Nam hiện nay?

Có rất nhiều con đường để thoái vốn. Ngoài việc cổ phần hóa, còn có xu hướng sáp nhập. Theo tôi, chúng ta nên nghiên cứu kỹ xu hướng này và vận dụng trong thời gian tới trong quá trình tái cấu trúc và thoái vốn các tập đoàn.

<>Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nếu thoái vốn, rõ ràng các tập đoàn sẽ phải trả giá?

Ở đây, chúng ta cần lưu ý là trả giá như thế nào. Chúng ta cần chấp nhận đánh đổi. Tập đoàn có thể mất một khoản nhưng lại được cái khác. Cái được lớn nhất là lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, tránh rủi ro cho cả hệ thống. Các tập đoàn đang tạo ra những khoản nợ xấu ở các ngân hàng. Nếu chúng ta tái cấu trúc tập đoàn theo hướng cho thoái vốn, tức là chúng ta cho nhiều thành phần kinh tế khác tham gia, sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn trên thị trường. Nếu làm được thế có thể mang lại tín hiệu tích cực hơn và tham gia vào cuộc chiến chống lạm phát hiệu quả hơn.

<>Vấn đề kiểm soát vốn của các tập đoàn sẽ phải thế nào?

Một điều khả thi mà chúng ta có thể thực hiện ngay để kiểm soát vốn chặt chẽ, đó là thông tin phải minh bạch và công khai. Đó là vấn đề quan trọng hàng đầu rồi mới đến các bước khác. Nếu như tập đoàn công khai việc huy động vốn và sử dụng vốn theo chuẩn mực quốc tế giống như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, bước đầu, xã hội, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý có thể giám sát đường đi của dòng vốn để có những cảnh báo kịp thời, sau đó mới tính đến chuyện giám sát, quản lý vốn chặt chẽ hơn.

 <>Xin cảm ơn ông!./.

<>Đức Thành thực hiện

Báo Tiếng nói Việt Nam