Nhịp sống số

Steven Sinofsky: Vị Tổng giám đốc tiếp theo của Microsoft?

Theo nhiều ý kiến, trừ phi Windows 8 thất bại, còn không Steven Sinofsky - Chủ tịch mảng Windows của Microsoft - sẽ ngồi lên ghế Tổng giám đốc của hãng phần mềm lớn nhất hành tinh.

Sinofsky là người có công lớn khi dẹp bỏ mớ hỗn độn của Windows Vista, hoàn thiện Windows 7 vào đúng thời điểm cam kết (mùa hè năm 2009). Windows 7 giờ đã trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới (theo báo cáo Q1/2012 của Microsoft). Các nhà sản xuất máy tính đối tác lạc quan, các khách hàng DN lớn - những người bỏ qua Vista và vẫn trung thành với XP - bắt đầu tiến hành nâng cấp. Trên tất cả, Steve Ballmer đã thăng chức cho Sinofsky lên vị trí Chủ tịch - chức vị bản thân Ballmer nắm giữ 3 năm trước khi trở thành Tổng giám đốc (CEO).

Mọi thứ không dừng lại ở Windows 7. Trong khi Windows đang trong tình thế hiểm nghèo, phải đối mặt với cuộc cách mạng smartphone mở đầu bằng iPhone của Apple và máy tính bảng iPad, Sinofsky đã hình thành ý tưởng về phiên bản Windows với hình ảnh hoàn toàn mới, giúp PC dễ tiếp cận hơn, dễ sử dụng và thú vị hơn. Sinofsky gọi đó là “hoàn toàn nhân bản”. Hai năm sau, bản xem trước dành cho người dùng của Windows 8 ra mắt và đạt kỉ lục 1 triệu lượt tải trong chưa đầy 24 tiếng. Rõ ràng là hệ điều hành mới của Microsoft đang thu hút được sự chú ý từ giới chuyên môn lẫn người dùng. Đó không phải là điều bất ngờ: Steven Sinofsky nổi tiếng vì có thể mang tới chính xác những gì hứa hẹn và luôn đúng lúc. Ông cũng là một nhân vật vô cùng cực đoan, cứng đầu, bí mật và độc tài.

"Phương pháp Sinofsky"

CEO Steve Ballmer luôn nhắc nhở lãnh đạo mọi bộ phận cần kết nối với đội Windows vì Windows vẫn là sản phẩm lèo lái mọi hoạt động kinh doanh của Microsoft. Nhiều người nhầm lẫn về điều này, đặc biệt sau khi Sinofsky giành quyền phát triển Windows từ năm 2006. Vì thế, Sinofsky chỉ ra cách ông sẽ làm mọi thứ: Kế hoạch trước, rồi tới xây dựng. Loại bỏ hầu hết quản lí trung gian, mang tới chính xác những gì đã hứa và đúng hạn. "Phương pháp Sinofsky" không được nhiều lãnh đạo khác tiếp nhận vì họ quá quen với những gì các vị lãnh đạo Windows trước đã thiết lập trong 2 thập kỉ qua. Tuy nhiên, “phương pháp Sinofsky” dần trở thành tiêu chuẩn trong công ty, ngay cả với những sản phẩm ông không điều hành như công cụ tìm kiếm Bing hay phần mềm cơ sở dữ liệu và gần đây nhất là nền tảng di động Windows Phone.

Không rõ mọi người tự nguyện hay bị áp đặt phương pháp này song vài người tiết lộ Sinofsky rất gần gũi với Gates và Ballmer, phương pháp của ông được phê chuẩn cho Windows và Office - hai sản phẩm quan trọng nhất của Microsoft. Vì thế, các lãnh đạo khác cảm thấy bị thúc ép phải làm theo cách của Sinofsky, ngay cả khi không có lệnh từ cấp trên.

Sinofsky: Người Microsoft có cả phần “Bill” và “Ballmer”

Quyền lực của Sinofsky khởi nguồn từ sự tin tưởng của Bill Gates. Sinofsky sinh tại New York, thời thơ ấu sống tại Orlando, Florida. Ông tốt nghiệp Đại học Cornell với tấm bằng danh dự, sau đó lấy bằng Thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học Massachusetts năm 1989 rồi thẳng tiến tới Microsoft. Vài năm sau đó, Sinofsky may mắn được Bill Gates chọn làm trợ lí kĩ thuật. Sự tin tưởng giữa 2 người hình thành và kéo dài cho tới hôm nay.

Năm 1994, Sinofsky “may mắn” bị mắc kẹt trong trận bão tuyết tại trường Cornell và chứng kiến trường xưa tận dụng lợi thế của Internet như thế nào. Ông lập tức gửi email cho Gates với tiêu đề: “Cornell is WIRED” (tạm dịch: Cornell nối mạng), nhấn mạnh tầm quan trọng của Internet. Từ email của Sinofsky, Bill Gates cuối cùng viết bản ghi nhớ “Thủy triều Internet” năm 1995. Ngay sau đó, mọi nhóm sản phẩm của Microsoft bắt đầu đưa kết nối Internet vào sản phẩm, mở đường để trình duyệt Internet Explorer được cài sẵn trong Windows, khởi động cuộc cách mạng Internet tiêu dùng (đồng thời dẫn tới vụ kiện chống độc quyền khiến Microsoft sa lầy trong 10 năm cuối những năm 1990).

Khả năng hoàn thành mọi sản phẩm đúng hạn khiến ông trở thành nhân vật không thể thiếu với mảng Office. Tuy nhiên, vì tính cứng đầu mà Gates từng đưa ra phương án thay thế Sinofsky. Sau đó, Sinofsky được giữ lại trên quan điểm: Về khía cạnh lợi nhuận, Office vô cùng quan trọng và với Office, Sinofsky cũng quan trọng như thế! Gates không thể tưởng tượng được Microsoft không có Sinofsky, vì vậy để “xoa dịu”, vị lãnh đạo Microsoft thậm chí còn phải giao cho Sinofsky kiểm soát một số sản phẩm.

Steve Ballmer cũng tin tưởng Sinofsky vì tính đúng hẹn. Lí do ư? Hoạt động kinh doanh của Microsoft phụ thuộc vào thỏa thuận mua bán giấy phép dài hạn từ các công ty lớn: ít nhất 20 tỉ USD trong số hơn 70 tỉ USD Microsoft kiếm được năm 2011 là từ những thỏa thuận này. Giao dịch thường có vòng đời 3 năm, bao gồm cả quyền nâng cấp lên phiên bản sản phẩm mới xuất hiện trong thời gian này. Nếu Microsoft không ra mắt được các phiên bản sản phẩm mới trong hạn 3 năm – như đã xảy ra với Windows Vista hay máy chủ SQL Server, khách hàng sẽ lo ngại: “tại sao chúng ta phải mua thỏa thuận cấp phép”. Suy nghĩ này sẽ khiến các giao dịch kế tiếp trở nên khó khăn hơn nhiều. Đây chính là “bánh mì và bơ” - nguồn sống của Ballmer. Ballmer là người hiểu rõ mọi quy tắc cấp giấy phép của Microsoft và chính xác những thay đổi sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của Microsoft như thế nào. Gần như mọi lãnh đạo của Microsoft đều có phần “Bill” (kĩ sư) và “Steve” (kinh doanh). Sinofsky có cả hai.

Nhiều khả năng Steven Sinofsky sẽ là vị CEO kế tiếp của Microsoft.

Tuyệt đối bí mật, tuyệt đối cực đoan

Sinofsky không chia sẻ bất cứ thông tin nào với ai khi chưa sẵn sàng. Giữ bí mật tới mức này là tiêu chuẩn của nhiều công ty tiêu dùng như Apple hay Amazon nhưng lại là vấn đề của các công ty lớn - vốn là khách hàng quan trọng nhất của Microsoft hay các nhà sản xuất PC cần lên kế hoạch tiếp theo cho lần ra mắt Windows kế tiếp.

Nhưng Sinofsky cho rằng: chính những tin tức bị lộ sẽ làm các khách hàng và đối tác mất tiền oan vì lập kế hoạch dựa vào nó. Đó đều là nguồn tin không chính thống và hoàn toàn có khả năng thay đổi. Sinofsky cũng ép bộ phận quan hệ công chúng trao đổi với báo chí ít hơn và xem xét lại việc xuất hiện tại các sự kiện lớn như Triển lãm điện tử tiêu dùng (Microsoft sẽ ngừng xuất hiện tại đây kể từ năm sau). Song song với điều này, những người để lộ tin tức cũng bị sa thải. Microsoft còn có một đội chuyên theo dõi tin tức bị rò rỉ.

Sinofsky cũng muốn trở thành lãnh đạo tuyệt đối. Vài người cho biết ông yêu cầu 100% nhân viên trung thành với phương pháp của mình. Với những người không tán thành, Sinofsky có thể trở thành kẻ tàn nhẫn. Theo một cựu nhân viên, trong bất kì tranh luận nào, Steven luôn giữ khư khư quan điểm của mình. Có người cho rằng ông trở nên độc tài vì phương pháp cũ không còn hiệu quả với Microsoft. Tuy nhiên, ông cũng đón chào những cuộc tranh luận và nổi tiếng vì luôn tự trả lời email vào bất cứ thời điểm nào.

Trong cuốn sách “One Strategy” (Một chiến lược) viết cùng Giáo sư Marco Iansiti của Đại học Harvard, Sinofsky mở đầu bằng câu: “One Strategy mô tả phương pháp tiếp cận riêng để các tổ chức đạt được quan điểm, chiến lược duy nhất và chuyển dịch quan điểm thành hành động”. Trong một tổ chức với quan điểm duy nhất, không có chỗ cho bất đồng ý kiến.

Sinofsky là người có tầm nhìn?

Một nhân vật khác đã cứu thoát công ty khốn đốn, nhận được sự kính trọng vì đưa ra các sản phẩm chất lượng đúng hạn, yêu cầu quyền lực và trung thành tuyệt đối và nổi tiếng khó kết thân là Steve Jobs.

Thực tế, một người quen Sinofsky tiết lộ ông luôn học tập Jobs và “bắt chước” theo vài phong cách đơn giản, luôn hiện diện trước công chúng trong chiếc áo cổ chữ V và áo trong tối màu. Vấn đề duy nhất là Sinofsky thiếu tầm nhìn của Jobs. Sản phẩm của ông duy trì kinh doanh cho Microsoft nhưng không gây cảm hứng. Không có nhiều sự phấn khích mỗi khi sản phẩm của ông xuất hiện. Tuy nhiên, vài cựu lãnh đạo khác nói đỡ cho Steven, sức mạnh của ông không phải ở sự sáng tạo, mà “mạnh hơn ở sửa chữa và tinh chỉnh, điều chỉnh và cải thiện”.

Windows 8 là cơ hội để Sinofsky thay đổi định kiến về mình. Nền tảng có thiết kế Metro mới mẻ cho màn hình cảm ứng - vay mượn từ Windows Phone - không giống với bất cứ bản Windows nào người dùng từng sử dụng. Windows 8 cũng chạy trên bộ vi xử lí ARM tiết kiệm điện năng, hiện có mặt trên hầu hết máy tính bảng như iPad. Cựu lãnh đạo Windows - Brad Silverberg cho rằng Windows 8 là cơ hội để Sinofsky khẳng định mình có tầm nhìn. Nếu Ballmer đi theo kế hoạch chuyển đổi ngôi vị chậm chạp như Gates từng thực hiện, ông sẽ bắt đầu nói chuyện kế vị vào năm 2015 - thời gian dư dả để xem Windows 8 là thành công, thất bại hay lưng chừng.

Chính sức ảnh hưởng và cá tính của Sinofsky buộc nhiều người rời khỏi Microsoft. Một cựu nhân viên gọi ông là “bệnh ung thư”, trong khi số khác còn dùng từ ngữ nặng nề hơn. Nhưng ngay cả những người hay gièm pha cũng phải thừa nhận ông là người xuất sắc khi luôn đưa ra được sản phẩm chất lượng đúng lịch trình. Điều này giúp ông gặt hái được niềm tin tưởng và tôn trọng của cả Bill Gates và Steve Ballmer. Dù yêu hay ghét, gần như mọi người đều đồng ý: Steven Sinofsky sẽ là vị CEO kế tiếp của Microsoft, trừ phi Windows 8 thất bại.

Theo ICTnews/Business Insider