Dòng máy chơi game cầm tay Sony PlayStation Portable (PSP) đã ra đời được 7 năm với 4 phiên bản: 1000, 2000, 3000 và GO. Không như kình địch Nintendo DS, mỗi phiên bản PSP không có nhiều cải tiến, các thế hệ sau hầu hết chỉ mỏng nhẹ hơn phiên bản trước (trừ PSP Go có thiết kế mới hoàn toàn, tuy nhiên thất bại nặng về doanh số).
Vita là thành viên mới nhất trong đại gia đình PSP với hi vọng (của cả Sony và giới game thủ) sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực game di động. Engadget vừa đăng tải một số cảm nhận về cỗ máy di động “chiến” nhất của Sony (phiên bản nội địa).
Phần cứng
PlayStation Vita trong bài có màu đen piano, thiết kế tương đối giống chiếc PSP phiên bản 1000: kích thước 182mm x 83mm x 18mm, nặng 279g. Mặc dù Vita nặng hơn PSP 3000 (190g) khá nhiều, cảm giác cầm máy thực tế lại rất nhẹ do máy sử dụng nhiều chất liệu nhựa trong thiết kế (điều này cũng khiến thân máy dễ bám bám vân tay). 279g thực sự là con số đáng nể với một thiết bị cấu hình khủng và màn hình rộng như Vita.
Điểm gây ấn tượng lớn nhất khi cầm Vita trên tay là màn hình OLED rộng 5 inch hỗ trợ cảm ứng đa điểm và độ phân giải lớn 960 x 544 pixel (gấp đôi các đời PSP trước đây). Nhờ trang bị màn hình OLED, Vita cho chất lượng hình ảnh rất tốt ở góc nhìn rộng, video và game hiển thị sắc nét, sáng rõ và sống động.
Về tổng thể, hệ thống phím bấm của Vita có thiết kế tương tự các bản PSP truyền thống: bên trái là cụm 4 phím điều hướng (d-pad) và cần anlog quen thuộc. Các phím điều hướng đã được thu nhỏ lại so với trên tay cầm DualShock thông thường. Cần analog được bọc cao su, cho cảm giác bám tốt hơn hẳn cần analog cũ có dạng nhám. Ở bên phải, chúng ta có cần analog thứ 2 bên cạnh các phím chức năng truyền thống, hứa hẹn các pha “action” tiện lợi hơn, tương tự như với tay cầm DualShock thực thụ.
Các phím Home, Select, Start không có nhiều thay đổi. Ngoài ra, Vita được bị nút PlayStatio, cho phép truy cập nhanh màn hình Home. Tổ hợp phím PlayStation + Start cũng cho phép chụp màn hình. Phía trên máy, như thường lệ, là 2 phím Left + Right. Nút tăng giảm âm lượng cũng được dịch chuyển lên khu vực này. Nút tắt/mở kết nối Wireless và điều chỉnh độ sáng đã biến mất.
Các cổng kết nối của Vita gồm khe gắn thẻ SIM cho kết nối 3G, khe gắn thẻ game, khe thẻ nhớ, cổng sạc, cổng gắn phụ kiện, ngõ xuất âm thanh 3.5mm và một microphone dùng cho voice chat. Chạy quanh thân máy là một đường viền kim loại tạo ấn tượng sang trọng cho Vita.
Mặt sau máy là bàn rê cảm ứng đa điểm và 2 miếng cao su nằm ở 2 bên để người chơi đặt tay vào khi không dùng đến bàn rê. Mặt sau Vita cũng được gắn một camera phụ bên cạnh camera chính ở mặt trước.
Về cấu hình, Vita được trang bị bộ vi xử lí ARM Cortex A9 4 lõi, chip đồ họa SGX52MP4+ bộ nhớ 128MB, RAM 512MB (gấp đôi PS3). Với cấu hình này, Vita hứa hẹn mang lại các game có hình ảnh sắc nét và nhiều hiệu ứng đồ họa phức tạp ngang ngửa PS3.
Thời lượng pin
Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một máy chơi game di động là thời gian hoạt động. Với thử nghiệm của Engadget, Vita trụ được 3 giờ chơi game liên tục và mất khoảng 1.5 giờ để sạc đầy lại. Với một bài thử nhẹ nhàng hơn: 1 giờ chơi game, lướt mạng xã hội Twitter, nghe nhạc và xem phim, Vita hoạt động được trong 5 giờ trước khi cạn pin.
Thời lượng đo được bên trên chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc nhiều vào tần suất sử dụng 3G. Nếu bạn truy cập ứng dụng Near (mạng xã hội định vị của riêng Vita) và các ứng dụng 3G khác, thời gian sử dụng sẽ ngắn hơn nhiều. Pin của Vita không thể tháo rời, hơn nữa Sony chưa cung cấp bộ sạc dự trữ, do đó bạn sẽ phải mang theo dây sạc thường xuyên nếu chơi game liên tục.
Game
Nhìn chung, đợt game đầu tiên trên Vita tận dụng khá tốt ưu điểm của hệ máy này, cho trải nghiệm tuyệt vời đối với nhóm thử nghiệm tại Engadget.
Uncharted – Golded Abyss: tựa game chủ lực, đồ họa đẹp và hiệu ứng phong phú, khai thác hiệu quả các thao tác cảm ứng.
Ultimate Marvel vs Capcom 3: đồ họa 2D rực rỡ tương tự các phiên bản trên hệ máy khác. Thao tác hơi khó do phím d-pad trên Vita có kích thước nhỏ.
Dynasty Warriors- Next: hiệu ứng đẹp mắt, khung hình tương đối ổn định dù máy phải dựng hình nhiều đối tượng cùng lúc, các trận chiến ác liệt đúng như phong cách truyền thống của dòng game này.
Chất lượng camera
Camera phía trước có độ phân giải 640x480 pixel, được trang bị tính năng lấy nét tự động (auto-focus), tuy nhiên chất lượng hình ảnh khá tệ do camera của Vita được thiết kế cho game thực tại ảo. Tính năng chụp hình cũng chưa xuất hiện. Nhìn chung, camera của Vita là bước lùi so với các thiết bị di động hiện nay.
Phần mềm và trình duyệt
Giao diện của Vita tương đối trực quan và mượt mà. Sony đã từ bỏ giao diện dạng XBMC, thay vào đó là giao diện bong bóng tối ưu cho thao tác cảm ứng. Số lượng biểu tượng (bong bóng) sẽ tăng lên khi bạn gắn thẻ game vào máy. Hiện tại bạn chưa thể di chuyển vị trí các biểu tượng theo ý muốn, các bong bóng này được sắp xếp cố định.
Trình duyệt web của Vita là điểm trừ không đáng có. Quá trình nạp trang web rất chậm, hơn nữa các nội dung như chữ, hình ảnh sẽ biến mất khi bạn cuộn trang và chỉ xuất hiện trở lại khi bạn rời ngón tay khỏi màn hình. Vita cũng không hỗ trợ Flash, khiến trải nghiệm web không khả quan hơn PSP bản cũ là bao.
Giá thành
Vita có giá tương đối cao với một cỗ máy chuyên chơi game di đông: 385USD tại thị trường Nhật Bản (3G/Wifi). Phiên bản sắp ra mắt tại Mĩ sẽ có giá 350USD, kèm thẻ nhớ 4GB và game Little Deviants. Bản Wifi (không có 3G) tại Canada sẽ lên kệ với giá 299USD. Nintendo 3DS hiện đang được bán với giá rẻ hơn nhiều, từ 165USD.
Tổng kết