Nhịp sống số

SAR-400, Robot hình dáng người của Nga lên trạm ISS

Theo báo Izvestia, Nga đã thiết kế chế tạo thành công "nhà du hành vũ trụ robot" hình dáng người (SAR-400) có khả năng làm việc trên quỹ đạo. Trong hai năm tới, robot sẽ được đưa lên ISS, và trong tương lai là lên Mặt Trăng, Sao Hỏa và các hành tinh khác.

SAR-400 lặp lại toàn bộ các động tác của người điều khiển và có thể tự thực hiện các công việc cơ khí đơn giản như vặn ốc vít, đánh cờ quốc tế, kiểm tra lớp vỏ xem có vết nứt. Tuy nhiên, các nhà du hành vũ trụ tin chắc là không robot nào có thể thay được con người.

Nhà du hành vũ trụ Sergei Avdeev cho rằng: “Ưu thế quan trọng nhất của con người là khả năng nhận biết thế giới xung quanh. Không có bất cứ máy móc nào làm được việc đó". Ông này ghi nhận là sẽ rất cần robot trong vũ trụ.

Avdeev giải thích: “Tính chất quan trọng của robot là, để điều khiển nó không cần mô hình hóa các hoạt động của các cơ cấu máy móc khác. Nó hoạt động y như người trong các hoàn cảnh tương tự. Nghĩa là không cần tính toán các cử động, có thể đơn giản là cứ làm như bạn vẫn làm bình thường”.

SAR-400 sẽ lên trạm ISS cùng phi hành gia Nga vào năm 2014.

Theo ông, tháng 11/2011, SAR-400 đã được thử nghiệm ở Trung tâm huấn luyện các nhà du hành vũ trụ tại thành phố Ngôi Sao, các nhà điều khiển đã dùng nó để vặn ốc vít, mở cửa lật của bản sao mô hình trạm ISS của Nga trên mặt đất, làm việc với tổ hợp luyện tập, nơi các nhà du hành vũ trụ tương lai luyện tập việc bước ra khoảng không vũ trụ.

Đồng thời Avdeev thừa nhận là ISS đối với robot này chỉ là giai đoạn quá độ: "Có những nhiệm vụ thú vị hơn giúp việc cho các nhà du hành vũ trụ trên trạm ISS nhiều. Vì vậy tôi coi việc robot lên trạm chỉ là một phép thử."

Chỉ huy các chương trình có người lái của Viện nghiên cứu khoa học chế tạo máy trung ương (TsNIIMash) của Roscosmos Oleg Saprykin cho biết, SAR-400 là robot vũ trụ đầu tiên của Nga trong 20 năm gần đây.

Saprykin giải thích: “Robot đã được chế tạo cho tàu coi thoi Buran và trạm vũ trụ Mir. Tuy nhiên không có sản phẩm nào được đưa vào vũ trụ. Từ đó đã không có công trình nghiên cứu nào nữa. Đây là thử nghiệm đầu tiên để tạo ra robot vũ trụ”.

Ông cho biết thêm, trên trạm ISS đã sử dụng các cơ cấu tự động hóa, nhưng để làm những công việc tiêu chuẩn liên quan đến di chuyển vật thể hoặc hàng hóa. Người Mỹ là những người đầu tiên đưa robot có hình dáng giống người, robot du hành vũ trụ lên trạm ISS, tuy nhiên robot này "sống" trong module của người Mỹ và thực tế không được sử dụng. Sau một số lần ra khoảng không vũ trụ đã phát hiện thấy robot này có một số trục trặc trong hệ thống điều khiển.

Ngoài ra, người Nhật đang định đưa robot Asimo lên ISS, robot sẽ trò truyện và giải tỏa áp lực tâm lí cho đội bay. Ngoài ra, người Đức cũng đang làm robot Justin để làm việc trong vũ trụ.

Nhà lãnh đạo bộ phận Moscow của Liên hiệp khoa học sản xuất NPO “Kĩ thuật robot có hình dáng giống người”, cơ quan đã thiết kế SAR– 400 theo đặt hàng của Roscosmos Andrei Nosov cho biết, khác với các công trình nghiên cứu của phương Tây, robot của Nga có đặc điểm là có khả năng chuyển đến người điều khiển không chỉ hình ảnh và âm thanh, mà cả toàn bộ các cảm giác, kể cả xúc giác.

Nosov giải thích: “robot này sử dụng công nghệ đặc biệt, nó truyền đi áp lực mà bề mặt tác động lên găng tay của robot. Người điều khiển nhờ robot thực chất có thể cảm nhận được bề mặt. Đó là những cảm giác không thể diễn đạt được”.

Ông này nói thêm, nguyên tắc này sẽ được sử dụng khi nghiên cứu các hành tinh khác– người điều khiển nhờ áo kiểu gilê đặc biệt chuyên dùng và cánh tay máy sẽ điều khiển robot, còn robot nhờ các máy quay, micrô và các cảm biến (sensor) khác sẽ chuyển hình ảnh lên máy ghi hình của kính đeo mắt, âm thanh lên tai nghe, còn cảm giác xúc giác lên găng tay.

Nosov bổ sung: “Thật ra, chúng tôi hiện chưa nghĩ ra sẽ truyền tín hiệu như thế nào. Từ Trái Đất đến Mặt Trăng ánh sáng đi hết 5 giây, đến Sao Hỏa là 15 phút. Nhưng chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này”.

Theo ông Nosov, để làm việc ở những khu vực xa xôi mà liên lạc đến đó có khó khăn sẽ sử dụng những chương trình siêu nhỏ dùng công nghệ siêu cảm nhận, lúc này robot nhận được vectơ chuyển động hoặc được giao nhiệm vụ, còn chính nó sẽ tự quyết định sẽ làm như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ đó. Ngoài ra, “bộ não” của robot có hình dáng giống người sẽ được cài đặt các chương trình tự động làm việc ở nhiều chế độ khác nhau.

Dmitry Medvedev đã “giao tiếp” với người tiền nhiệm của SAR-400 hồi tháng 12/2008 tại cuộc gặp gỡ thanh niên Nga lần thứ nhất. Khi đó tổng thống đã hứa sẽ chi cho lĩnh vực công nghệ tiên tiến mới hàng tỉ Ru. Tuy nhiên, Tổng thống Medvedev cũng lưu ý rằng ông chờ “sự đáp trả tương ứng thích hợp”.

Theo Đất Việt