Nhịp sống số

Sản phẩm CNTT 2012: Bạn có thể chờ đợi gì?

Sản phẩm CNTT 2012: Bạn có thể chờ đợi gì?

Từ thực tế và tốc độ phát triển đến chóng mặt của thế giới công nghệ, smartphone, máy tính xách tay máy tính bảng... sẽ thay đổi ra sao? Hãy cùng tưởng tượng xem.

Smartphone mỏng như thẻ tín dụng, pin 100 giờ

Chắc chắn những chiếc smartphone của ngày mai sẽ khác so với ngày hôm nay. Chúng ta thấy sự khác biệt rất lớn giữa chiếc DynaTAC 8000X cồng kềng của Motorola xuất hiện từ những năm 1980 và những chiếc điện thoại ngày nay. Smartphone đang hướng tới một tương lai với thiết kế ngày càng mỏng.

Điện thoại di động hỗ trợ công nghệ NFC, có thể thay thế cho các giấy tờ tùy thân

Một ngày nào đó, những chiếc điện thoại sẽ chỉ nhỏ như một chiếc thẻ tín dụng, có thể nhét vào trong ví như những loại thẻ khác. Tuy nhiên, cũng có thể con người sẽ không phải dùng đến ví nữa mà chỉ cần mang theo điện thoại được hỗ trợ công nghệ giao tiếp tầm ngắn NFC, có khả năng thay cho tất cả những loại giấy tờ, thường được cất giữ trong ví như chứng minh thư, thẻ tín dụng, visa. Hoặc chúng ta có thể đeo điện thoại trên cổ tay. Hiện trên thị trường đã có một số đồng hồ đeo tay thông minh chạy Android và nhiều hệ điều hành khác và do vậy có lẽ điện thoại đeo tay sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Hơn nữa, rất có thể smartphone trong tương lai gần sẽ trở thành thiết bị duy nhất đối với nhiều người. Smartphone sẽ có vi xử lí nhanh hơn, có nhiều bộ nhớ và dung lượng lưu trữ hơn. Sẽ chẳng còn nhiều người cần đến một chiếc laptop và máy tính để bàn khi smartphone của họ có vi xử lí lõi tứ tốc độ 3 GHz và 8 GB bộ nhớ RAM. Lúc đó họ chỉ cần thêm các thiết bị ngoại vi như màn hình hiển thị lớn hơn, bàn phím vật lí đầy đủ kích cỡ, chuột, máy in, máy scan, loa ngoài, TV,...

Rất có thể có một ngày bạn sẽ chỉ cần mang một chiếc điện thoại có kích cỡ như một thẻ tín dụng siêu mỏng và sử dụng kèm với những phụ điện và thiết bị này có thể hoạt động như một chiếc máy tính thông thường như có thể kết nối không dây với máy in, ổ cứng ngoài và bất cứ phụ kiện nào thông qua cổng USB.

Chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi một smartphone sinh học, có nghĩa là nó có những máy cảm biến được gắn trực tiếp vào não để bạn có thể thực hiện cuộc gọi và yêu cầu điện thoại thực hiện những nhiệm vụ khác chỉ bằng ý nghĩ và màn hình sẽ hiện với dạng ảo mà bạn có thể nhìn thấy được chứ không phải là màn hình vật lí. Smartphone sẽ luôn ở bên cạnh bạn, bạn sẽ không phải lo làm rơi hay bị lấy cắp. Bạn có thể kết nối với máy in và màn hình vật lí nếu bạn muốn để chia sẻ với mọi người.

Điều khiển smartphone bằng ý nghĩ (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi những thiết bị di động chẳng hạn như smartphone, máy tính bảng, ngày càng được cải thiện hơn về hiệu suất cũng như nhiều tính năng khác, thì cái giá phải trả đó là tuổi thọ pin.

Trong khi đó, tuổi thọ pin là một yếu tố rất được người tiêu dùng quan tâm. Trong năm 2011, một nhóm các nhà khoa học về kĩ thuật và công nghệ thuộc trường McCormick- Mỹ đã tìm ra giải pháp cho phép sử dụng pin lâu hơn gấp mười lần pin thông thường cũng như giảm đáng kể thời gian sạc pin, chỉ cần sạc trong vài phút mà thôi. Nếu như công nghệ mới này được áp dụng thì trong tương lai chúng ta có thể mong đợi một chiếc smartphone với tuổi thọ pin nên đến 100 giờ đồng hồ.

Laptop cuộn, laptop điều khiển bằng cách “vẫy tay”

Rolltop, laptop cuộn là một khái niệm rất lạ lùng và hấp dẫn, chiếc laptop này vẫn còn dưới dạng ý tưởng. Đây là một chiếc laptop có thể cuộn tròn lại, cực kì tiết kiệm diện tích cũng như tiện lợi cho việc vận chuyển.

Rolltop được thiết kế dưới dạng một màn hình tấm phẳng và có thể cuộn quanh một trụ trung tâm. Khi cần sử dụng, bạn chỉ việc trải “bó laptop” này ra. Thiết bị này sẽ có thể chia làm đôi, một là phần màn hình, một là phần bàn phím cảm ứng, để biến thành một chiếc laptop. Hoặc bạn có thể mở hết cỡ, để sử dụng như một chiếc máy tính bảng. Chưa hết, kèm theo máy còn có phần chân đế giúp Rolltop hoạt động như một màn hình máy tính. Khi không sử dụng, bạn có thể cuộn Rolltop như cuộn chiếu một cách gọn gàng và đeo nhẹ nhàng trên vai.

Dù mới chỉ ở dạng ý tưởng nhưng chúng ta vẫn có quyền mong đợi thiết kế độc đáo này sẽ thành hiện thực vào năm 2012.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mong đợi sự xuất hiện ngày càng nhiều của những thiết bị công nghệ mới như laptop 3D không cần kính. Công nghệ 3D không kính giúp người dùng có thể xem các hình ảnh ba chiều trực tiếp trên màn hình mà không cần thêm phụ kiện.

Thiết bị chơi game Microsoft Kinect, điều khiển bằng chuyển động

Hay công nghệ nhận dạng chuyển động, Microsoft Kinect đã giúp người dùng có thể sử dụng các động tác để ra lệnh cho máy hay chơi các trò chơi. Và trên các mẫu máy tính xách tay, công nghệ này cũng đang dần được áp dụng. Sony hiện đã đưa nhận dạng chuyển động vào các dòng laptop Vaio mới hay dòng máy để bản Vaio L gần đây. Tuy nhiên, việc nhận dạng chuyển động vẫn chỉ dừng lại ở bước đầu tiên như vẫy tay qua lại để điều khiển trình xem ảnh, chuyển bài hát. Chuyển động được nhận diện qua webcam đặt phía trước. Công nghệ này sẽ sớm được nâng cấp trong thời gian tới. Và tới lúc đó, rất có thể chúng ta sẽ điều khiển thiết bị của mình từ xa mà không cần cầm tay vào điện thoại.

Máy tính bảng “ lắp ghép” và uốn lại được

Máy tính bảng dù mới xuất hiện không lâu nhưng đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người trên thế giới. Bản thân nó hiện nay đã là một siêu phẩm của loài người. Nhưng còn trong tương lai, thiết bị này sẽ “biến hóa” ra sao?

Mỏng và cuộn lại được. Rất có thể vì hiện nay đã xuất hiện rất nhiều công nghệ màn hình dẻo và có thể cuộn lại được. Và điều người dùng mong chờ là công nghệ này sẽ thực sự xuất hiện trên một thiết bị nào đó như máy tính bảng. Phòng thí nghiệm Innovation+Bermer Labs đã tạo ra được một chất liệu có thể uốn cong được như giấy. Kết hợp với nỗ lực nghiên cứu thiết kế bộ vi xử lí theo mẫu chuỗi DNA của các kĩ sư IBM và dự án sản xuất pin dẻo công nghệ nano của Đại học Stanford, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi một chiếc máy tính bảng có thể cuộn gập như một cuốn sách mỏng trong tương lai không xa.

Theo giáo sư ngành khoa học máy tính Lin Zhong của Đại học Rice, các thiết bị di động sau một thập kỉ nữa sẽ có các cảm biến được đeo hoặc thậm chí cấy trong cơ thể người để cảnh báo trước các nguy cơ về sức khỏe như đột quỵ, đau tim cho người sử dụng.

Ý tưởng Mobikom của nhà thiết kế Kamil Izrailov đem đến một khái niệm về một thiết bị vô cùng linh hoạt, người sử dụng có thể lắp đặt tùy theo nhu cầu sử dụng như xếp hình trò chơi Lego vậy. Thiết bị sẽ được thiết kế với nhiều phần hình vuông khác nhau. Mỗi phần này đều có nguồn điện và bộ vi xử lí riêng. Càng sử dụng nhiều phần, cấu hình và sức mạnh xử lí của thiết bị càng cao, người dùng có thể tạo nên máy tính bảng hay điện thoại thông minh tùy ý thích.

Ngoài ra, máy tính bảng và máy tính xách tay có đối tượng người dùng tương đối giống nhau và hiện 2 loại thiết bị này đều đang có xu hướng phục vụ đầy đủ nhất những nhu cầu của người sử dụng để họ có thể chỉ cần dùng một trong 2 thiết bị này. Những hệ điều hành như Windows 8 được thiết kế để có thể áp dụng được cho cả máy tính để bàn, laptop và máy tính bảng với màn hình cảm ứng. Một chiếc máy tính bảng có thể biến thành một máy tính xách tay khi được gắn với một bàn phím vật lí. Các máy tính xách tay ngày càng trở lên mỏng hơn và nhẹ hơn để có thể gọn nhẹ như máy tính bảng.

Máy tính bảng của Pixel Qi, chạy bằng năng lượng mặt trời

Một sáng kiến mới cũng được cho là một lựa chọn rất tốt cho tương lai đó là máy tính bảng chạy năng lượng mặt trời. Công ty Pixel Qi đã phát triển một tấm pin mặt trời sử dụng các phiến pin công nghệ mới, hiệu năng cao có thể cung cấp điện cho cả màn hình lẫn bo mạch chủ. Tấm pin này có thể cung cấp đủ năng lượng cho các máy tính bảng hay các thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) sử dụng ít năng lượng có thể hoạt động tốt. Nếu như công nghệ này được phát triển hơn nữa và áp dụng được cho máy tính bảng có hiệu suất hoạt động cao, vi xử lí nhanh và màn hình sáng, độ phân giải cao, chúng ta sẽ không còn phải lo ngại về dung lượng pin khi sử dụng máy tính bảng nữa.

Theo ICTnews