id="post_message_13114767">
Trang tin VR-Zone vừa đưa ra thông tin về mẫu thử máy tính bảng của Intel với tên gọi Red Ridge. Mẫu thử này dùng vi xử lí x86 Medfield xung nhịp 1,6GHz, RAM LP-DDR2 1GB, màn hình 10,1" độ phân giải 1280 x 800. Các kết nối khác gồm có Wifi, Bluetooth, FM, khe đọc thẻ nhớ microSD. Chiếc máy này chạy hệ điều hành Android Honeycomb và sẽ được cài đặt sẵn Android 4.0 Ice Cream Sandwich khi ra mắt. Trang tin này cho biết điểm số đánh giá đo bằng ứng dụng nền Java Caffeinemark 3 của Red Ridge là 10.500 điểm, không tệ khi so sánh với điểm số của NVIDIA Tegra 2 là 7.500, của chip Qualcomm Snapdragon MSM8260 là 8.000 và của Samsung Exynos là 8.500. VR-Zone cho biết nhiều cuộc thử nghiệm đã được tiến hành và hiệu suất hoạt động của máy rất tốt. Hiện chưa có thông tin gì về việc sản xuất đại trà hay sản phẩm thương mại dùng Nền tảng System-on-Chip Medfield của Intel.
Một khía cạnh quan trọng không kém hiệu suất đó là mức độ tiêu thụ điện. Nền tảng System-on-Chip Medfield dùng trên máy tính bảng của Intel dùng 2,6W điện ở chế độ nghỉ và đang được cải thiện để nhắm đến mức 2W. Thao tác nặng nề nhất đó là phát phim HD 720p bằng định dạng của Adobe Flash tiêu hao 3,6W, dự kiến khi đến tay người dùng thì con số này sẽ giảm còn 2,6W. Mới đây, Intel đã giới thiệu một thiết bị tham chiếu dành cho những điện thoại và máy tính bảng dùng chip Medfield sẽ ra mắt trong năm 2012.
Intel đã sát nhập 4 phân nhánh của chính mình là Viễn thông di động, Công nghệ không dây di động, Netbook/Tablet PC và Siêu di động thành một đơn vị duy nhất có tên "Truyền thông và di động", được dẫn đầu bởi Mike Bell và Hermann Eul. Sản phẩm đầu tiên của đơn vị này là một con chip tích hợp nhiều tính năng (System on Chip - SoC) sản xuất trên dây chuyền công nghệ 32nm với tên gọi Medfield. Medfield là thế hệ SoC thực thụ đầu tiên của Intel và là giải pháp có tính tích hợp cao cho các thiết bị di động. Chip Medfield sẽ nhắm trực tiếp vào các đối thủ như SoC A của Apple, Tegra của NVIDIA, Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung hay OMAP của Texas Instruments. Medfield sẽ được thiết kế dựa trên kiến trúc vi xử lí x86 (tương tự như những con chip dành cho máy tính hiện nay đến từ Intel và AMD) chứ không phải là kiến trúc ARM như các đối thủ của mình.
QUẢNG CÁO