<>>
Từ khoảng 40 năm nay, tại Pháp, người ta nói nhiều đến sự khủng hoảng của báo chí. Nhưng thực tế cho thấy, chỉ có nhật báo phát hành toàn quốc (quotidien national) mới lao đao, chứ hầu hết nhật báo vùng (quotidien régional) hay báo chuyên ngành và nhất là tuần báo đều không gặp khó khăn đáng kể.
Bất chấp những nỗ lực quảng cáo hết sức ấn tượng, từ ngày 14-12-2011, tờ báo ngày France Soir chỉ còn xuất hiện trên mạng. |
<>Hiện tình báo ngày ở Pháp>
Dựa trên các thống kê do tờ Info-Médias cung cấp (đặc biệt trong số 14, tháng 8-2008), nhìn chung báo ngày của Pháp thua xa các nước phát triển khác. Năm 2007, Pháp chỉ có 85 nhật báo (trong khi Đức có đến 386 tờ), số bản phát hành chỉ đạt 167 bản/1.000 dân, tức chỉ bằng một phần tư so với Nhật, đến 664 bản!
Do quá tốn kém về in ấn (40% giá thành) và phân phối (36%), giá báo ngày của Pháp bình quân đắt gấp ba lần so với Mỹ!
Năm 2010, ở Paris chỉ có ba nhật báo vượt 300.000 bản là Le Parisien (470.000 bản), Le Figaro (330.000 bản) và Le Monde (319.000 bản). Những con số phát hành trên thua xa nhật báo vùng Ouest-France có số lượng đến 768.000 bản. Chiếm một phần tư thị trường báo ngày, chín nhật báo xuất bản ở thủ đô Paris chỉ thu được 362 triệu euro tiền quảng cáo, tức thấp hơn rất nhiều so với 76 nhật báo vùng (1,08 tỉ euro), các đài truyền thanh (807 triệu euro) và nhất là truyền hình (3,4 tỉ euro). Ở Pháp, tiền thu được từ quảng cáo chỉ chiếm 41,6% doanh thu của các nhật báo, quá thấp so với Mỹ, đến 87,7%!
Tỷ lệ đọc báo của người Pháp ngày càng giảm: từ 77% năm 1977 xuống 43% năm 1988, rồi 36% năm 1997. Năm 2007, bình quân mỗi ngày một người Pháp dành ra 25 phút để đọc sách - báo, 2 tiếng rưỡi để nghe đài và 3 tiếng 20 phút để xem truyền hình. Nếu cho đến những năm 1990, các nhật báo chủ yếu bị các đài phát thanh và truyền hình cạnh tranh, thì từ khoảng mười năm nay lại có thêm nhiều đối thủ từ trên mạng và các nhật báo miễn phí như 20 minutes (700.000 bản), Metro (600.000 bản), Direct Soir (500.000 bản)...
Sự kiện tờ France Soir chỉ còn xuất hiện trên mạng từ ngày 14-12-2011 trở đi là một dẫn chứng thuyết phục cho hiện tượng suy yếu nói trên nếu biết rằng vào thời hoàng kim (1956-1958), tờ báo này bán được đến hơn 1,5 triệu bản. Nhưng từ đầu những năm 1960 trở đi số phát hành ngày càng giảm, đến mức "chết đi sống lại" mấy lần!
<>Làm sao để thu hút nữ độc giả?>
Theo bà Sylvie Debras, trong bài "Des journaux et des femmes" (Communications, n° 122), năm 1997 chỉ có 9% phụ nữ đọc báo ngày toàn quốc, tức xấp xỉ một nửa so với độc giả nam (17%). Trong khi đó, tỷ lệ đọc báo địa phương của phụ nữ là 35%, nam 41%. Thế mà, theo Olivier Donnat, trong cuốn Les Pratiques culturelles françaises (Các thực tiễn văn hóa của người Pháp, 1998), phụ nữ Pháp đọc sách nhiều hơn đàn ông Pháp: trong bốn phụ nữ, chỉ có một người không bao giờ đọc sách, nhưng với các "đấng mày râu" lại có đến hai trong ba người!
Mặt khác, 45% phụ nữ Pháp vẫn thường đọc một tuần báo dành cho phụ nữ, nên loại báo này rất phát triển ở Pháp. Điển hình là tờ Femme Actuelle hiện có số phát hành đến 1,1 triệu bản, vượt xa các tuần báo Pháp nổi tiếng như Paris-Match (688.000 bản), Le Nouvel Observateur (534.000 bản), L'Express (534.000 bản)...
Sylvie Debras cho rằng, sở dĩ phụ nữ ít đọc báo ngày toàn quốc, chủ yếu do chúng được viết cho... đàn ông đọc, với góc nhìn và quan niệm của đàn ông, từ cách chọn tin tức, nội dung bài vở... cho đến cách viết. Trong khi đó, ngược lại, các báo dành cho phụ nữ nói nhiều về họ, nói với họ và theo quan điểm của họ. Theo bà, nói chung tất cả các nhật báo đều tập trung vào nam giới (masculino-centré), phải chăng vì hầu hết đều do đàn ông lãnh đạo? Nhận xét này, trong chừng mực nào đó, cũng có giá trị tham khảo cho các loại báo khác, trừ các báo dành cho phụ nữ.
Theo điều tra năm 2006 của Hiệp hội các nhà báo nữ Pháp (AFJ), 83% các chuyên gia hay phát ngôn nhân được báo chí Pháp phỏng vấn đều là đàn ông, tức cao hơn bình quân thế giới và châu Âu (đều 79%). Năm năm sau, cũng không thay đổi gì hơn, trong báo cáo do hai bà Michelle Reiser và Brigitte Grésy trình bày vào đầu tháng 12-2011 vừa qua cũng cho thấy, chỉ có 18% các chuyên gia và người phát ngôn được các phương tiện truyền thông trích dẫn là phụ nữ.
Jim Chisholm, nhà tư vấn quốc tế về truyền thông, nhận thấy từ đầu những năm 2000 những tờ báo vượt qua được khủng hoảng là do chinh phục thành công độc giả nữ (năm 2010, độc giả nữ của tờ Le Monde chẳng hạn, chiếm 41%). Vì 80% các quyết định chi tiêu trong gia đình là do phụ nữ, nên Jim Chisholm đi đến kết luận "đối với các phương tiện truyền thông nói chung và đối với báo chí nói riêng, hướng đến phụ nữ là biện pháp sống còn" về phát hành cũng như về quảng cáo. Thế mà, dựa trên các thông tin mà ông tập hợp được, ở Mỹ trong số những người có trách nhiệm biên tập của báo chí Mỹ, chỉ có 16% là phụ nữ. Và trong danh sách 300 tổng biên tập và chủ báo ở Mỹ chỉ có 12 người là nữ!
<>Nguyễn Trọng Nghĩa>
(Theo TBKTSG)