Nhịp sống số

Phát triển CPĐT: Tối ưu nội lực, “điện tử hóa” hệ thống hành chính

Trung tuần tháng 7/2012, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 10 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo lần này sẽ tập trung vào các nền tảng xây dựng một nền “Hành chính phục vụ” - vấn đề đang dành được nhiều quan tâm trong quá trình triển khai CPĐT.

 

Dựa vào những phân tích, nhận định về thực trạng triển khai cung cấp dịch vụ công hiện nay tại Việt Nam và những kinh nghiệm triển khai CPĐT từ các quốc gia đi trước, Hội thảo sẽ tập trung đi sâu vào những phân tích, nhìn nhận của các lãnh đạo, chuyên gia CNTT hàng đầu trong và ngoài nước để nâng cấp hạ tầng công nghệ hỗ trợ cho các chương trình cải cách thủ tục hành chính (CCHC), xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho quốc gia, đưa ra các giải pháp xây dựng mô hình quản lý hành chính hiệu quả, mô hình hợp tác công - tư trong việc thực hiện triển khai dịch vụ công cũng như các kế hoạch phát triển chất lượng, năng lực của các cán bộ công nhân viên.

 

Trước sự kiện sắp tới, cùng điểm lại đôi chút về thực tế CPĐT tại Việt Nam.

 

Phát triển CPĐT: Không chỉ là hình thức



 

Thực tế vài năm trở lại đây, việc triển khai CPĐT tại Việt Nam được các tỉnh thành thực hiện khá nghiêm túc và bài bản, từ những năm 2008 trở lại đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã xuất hiện những cụm từ như: “Bắc Ninh điện tử”, “Hải Phòng điện tử”, “Quảng Ninh điện tử”, “Nghệ An điện tử”… Việc các tỉnh, thành phố sớm hiện thực hóa một tương lai CPĐT thể hiện vai trò rất lớn từ thông tin, truyền thông. Tuy lộ trình thực hiện CPĐT vẫn đang “chập chững”, trên đà tịnh tiến dần, bởi chủ yếu qua những chuyến đi thực tế của PV tạp chí Xã hội Thông tin, thì ở các tỉnh thành, khối các cơ quan Nhà nước, mà chủ yếu là các cơ quan đầu ngành mới dần kiện toàn khâu Tin học hóa văn phòng.


 

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng và nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao để vận hành CPĐT vẫn là những câu hỏi hóc búa dành cho các cơ quan bộ ngành chính phủ. Trên thực tế, nhận thức của các cán bộ, công chức về an ninh mạng còn khá kém; có không ít các lãnh đạo, cán bộ còn xem nhẹ những lỗ hổng về bảo mật trong hệ thông mạng của cơ quan mình.

 

Tuy nhiên, xét về tổng thể, khoảng 3 năm trở lại đây, việc triển khai CPĐT được thực hiện nhanh chóng, bài bản và có nhiều thành tựu. Như đã nói ở trên, ngoài việc các tỉnh thành tự nâng cao ý thức về kiện toàn bộ máy, ứng dụng những sản phẩm, giải pháp CNTT-VT mới; thì khối các cơ quan Chính phủ, Nhà nước cũng thể hiện vai trò đi đầu trong triển khai CPĐT. Khối các cơ quan cấp bộ, văn phòng Chính phủ đã thực hiện hội họp trực tuyến diện rộng, mà đơn vị thực hiện triển khai các giải pháp Hội nghị truyền hình trực tuyến là VNPT làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Từ các cuộc họp giao ban tại văn phòng Chính phủ, tới các Hội nghị chuyên đề lớn tại các bộ như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ… đều thực hiện hội nghị trực tuyến, cầu truyền hình. Và chất lượng hội họp không thua kém của nước ngoài (khi mà lĩnh vực Hội nghị trực tuyến, nửa đầu những năm 2000 còn khá mới mẻ ở Việt Nam), việc điều hành, chuẩn bị và vận hành trang thiết bị bài bản, thể hiện chuyên môn hóa cao.

 




Trong buổi họp báo mới đây, công bố về sự kiện Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 10, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Trong lộ trình xây dựng và triển khai CPĐT, tính đến nay, một trong những tồn tại lớn đó là việc tạo kết nối liên cơ quan nhằm tối ưu hóa trao đổi văn bản, văn thư là chưa có. Do vậy, vài năm trở lại đây, mà chính thức từ năm 2011, khối các cơ quan Nhà nước, cơ quan cấp Bộ đã tăng cường sử dụng văn bản điện tử, và Bộ TT-TT là một trong những đơn vị đi đầu trong việc điện tử hóa văn bản hành chính, tiến tới không còn giao dịch bằng văn bản giấy tương lai không xa. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về việc “Tăng cường giao dịch văn bản điện tử” trong khối các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, để sớm hiện thực vấn đề này thì cũng cần có lộ trình chứ không thể làm một sớm một chiều”.

 

Như vậy, có thể thấy nhận thức và sự quan tâm từ cơ quan các cấp tới phát triển CPĐT là rất cao, nghiêm túc, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Nhà nước trong sự nghiệp CNH-HĐH.

 

Những lợi thế


 

Dễ nhận thấy, không chỉ có sự quan tâm và nhận thức đúng đắn về vai trò ứng dung tối ưu, hiệu quả CNTT-VT trong việc triển khai CPĐT từ khối các cơ quan Nhà nước, từ các tỉnh, thành phố; mà việc ứng dụng có hiệu quả CNTT-VT trong các lĩnh vực thể hiện khá rõ. Có thể lấy ví dụ điển hình, thông quan và hải quan điện tử chỉ khoảng 2 năm trở lại đây đã dần trở thành “thói quen” của người dân tại các tỉnh, thành phố áp dụng; điển hình có thể kể đến những đơn vị như hải quan tại các cửa khẩu ở Hà Giang, Lạng Sơn, hải quan Hải Phòng, hải quan Đồng Nai…




 

“Thực hiện hải quan điện tử, cái được lớn nhất là doanh nghiệp giảm thời gian làm thủ tục XNK, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới. Giờ đây doanh nghiệp được thực hiện nộp lệ phí và viết biên lai theo tháng thay vì từng lần như thủ tục hải quan truyền thống. Các dữ liệu khi khai báo sẽ đồng bộ với dữ liệu trong hệ thống xử lý tự động của hải quan, tạo thuận lợi cho việc truy cập, thanh khoản thuế XNK sau này. Năm 2011, Cục Hải quan Đồng Nai đã có bước phát triển với việc triển khai thủ tục HQĐT theo hướng tối đa hóa doanh nghiệp tham gia, mở rộng nhiều loại hình và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh cải cách.


 


Về  ‘‘mất’’, với phương thức quản lý mới đã hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và cán bộ làm công tác XNK, điều đó cũng làm mất đi sự phiền hà”. (tham khảo bài phỏng vấn ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, báo Đồng Nai).


 





Bên cạnh đó, nguồn lực hiện nay của chúng ta đáp ứng khá tốt những nhu cầu cho việc triển khai CPĐT, tại Đại hội CNVC mới đây của một đơn vị thành viên (thuộc Tập đoàn VNPT), Phó tổng giám đốc Tập đoàn, ông Phan Hoàng Đức nhận định: “Chúng ta đang có nguồn lực CNTT-VT rất tốt, được đào tạo có chiều sâu, và tập đoàn VNPT vẫn luôn khẳng định là một trong những mũi nhọn về CNTT-VT, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển CNTT-VT của đất nước. Chúng ta cần khai thác tối ưu nguồn nội lực hiện tại, sức trẻ và sự thích nghi, nắm bắt nhanh chóng những tiến bộ công nghệ của nguồn lực hiện tại sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về CNTT-VT, của mọi lĩnh vực, ngành nghề”.



 

Nói về nguồn nhân lực CNTT, hiện nay Việt Nam có hơn 13 triệu học sinh, sinh viên và học viên học nghề, chưa kể đội ngũ cán bộ, kỹ sư lành nghề được đào tạo chuyên sâu, có cơ hội thực tế nhiều tại nước ngoài và nắm bắt khá tốt những chuyển giao công nghệ, đã có những đóng góp tích cực trong nước. Thêm nữa, tại cuộc Hội thảo Quốc gia về Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Nam 2011 diễn ra ngày 07/01/2012 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định “nguồn lực” trên chính là lực lượng nòng cốt để hình thành nên 16-20 triệu công dân điện tử trong giai đoạn 2015-2020, với các kỹ năng công nghệ thành thạo và nền tảng tri thức mạnh để kéo xã hội đi theo.

 


Như vậy, có thể nói, việc thực hiện CPĐT tại Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc, chắc chắn sẽ sớm hiện thực hóa một đất nước ngày càng có nhiều những công dân điện tử “lành nghề”, nghiêm túc từ nhận thức đến thực tế.


 
Ngọc Linh (tổng hợp)

Nguồn ảnh: Internet