Nhịp sống số

Nước Mỹ - từ Đông sang Tây (kỳ 5)

Kỳ 5: Thị trấn ma Calico

<>

Dọc hành trình du lịch miền Tây nước Mỹ có một địa điểm tham quan đặc biệt thú vị, đó là thị trấn ma Calico.

Khoảng hơn trăm năm trước, thị trấn Calico được xây dựng lên bởi những người làm giàu bằng việc kiếm tìm và khai thác các mỏ khoáng sản. Các mỏ bạc và nhôm đã được phát hiện ở nơi đây và Calico nhanh chóng trở thành một trong những thị trấn giàu nhất vùng.

Một ngôi nhà trong thị trấn Calico

Thị trấn Calico chính thức được khai sinh vào tháng 3 năm 1881 với 40 cư dân. Năm tiếp theo, năm 1882, dân số Calico tăng gấp hơn 7 lần, thị trấn có 300 người. Việc khai khoáng phát triển rất nhanh, Calico đã cung cấp cho thị trường một sản lượng lớn bạc có giá trị lên tới 86 triệu đô la, sản lượng nhôm có giá trị 45 triệu đô la trong khi dân cư của Calico vào lúc cao điểm nhất, năm 1887, cũng chỉ có 1200 người. Hai năm tiếp đó, dân cư ở Calico có sự thay đổi: năm 1888 dân số giảm xuống 500 người, năm 1889 lại tăng lên 800 người.

Vào thời kỳ hoàng kim nhất, thị trấn này có 22 xưởng sản xuất. Tuy nhiên sau khi các mỏ bạc và nhôm bị khai thác cạn kiệt thì cư dân cũng bỏ đi nơi khác sinh sống, vì vậy năm 1890 chỉ còn có 80 người dân sinh sống ở  thị trấn này. Việc khai khoáng và buôn bán vẫn được duy trì ở mức thấp và cố gắng hồi phục vào năm 1893 với dân số tăng lên 300 người nhưng không cải thiện được tình hình. Sau nhiều biện pháp cố gắng tìm cách duy trì thị trấn nhưng dân cư chỉ còn lại rất ít (năm 1951 – có 10 cư dân, năm 1981 – có 15 cư dân và đến 2001 – chỉ còn 8 cư dân), chính quyền đã quyết định biến thị trấn này thành một địa điểm tham quan du lịch và vận động cả sự quyên góp ủng hộ của các nhà hảo tâm để duy trì trị trấn như một di tích còn sót lại về một thời người ta đổ xô đến miền tây nước Mỹ để tìm vàng.

Cái tên thị trấn ma Calico (GhostCalicoTown) cũng được đặt để gợi trí tò mò của khách du lịch. Tuy nhiên chúng tôi đã không có may mắn được diện kiến bất kỳ con ma nào ở thị trấn này để thỏa trí tò mò. Có thể là chúng tôi đã đến Calico vào lúc giữa trưa, khi cái nắng gay gắt trên sa mạc miền tây nước Mỹ đẩy nhiệt độ lên đến hơn 40oC, nên các con ma của Calico cũng tìm chỗ để chốn nắng chốn nóng ở nơi nào đó.

Dọc con đường chính của thị trấn Calico, chúng tôi được chiêm ngưỡng những ngôi nhà mang dáng vẻ xưa cũ của hơn một trăm năm trước và hình dung về cuộc sống của những người dân miền viễn tây nước Mỹ xa xưa qua dáng điệu của những ma-nơ-canh đàn ông mang súng ngắn trễ hông, ngồng nghênh mũ phớt, quần bò trước cửa quán rượu hay những ma-nơ-canh phụ nữ búi tóc đang cặm cụi vá may bên cửa sổ. Nhạc vẳng ra từ những quán rượu, những nhà hàng cũ kỹ nhưng nhìn vào chỉ thấy bàn ghế, quầy bar mà không có khách hàng, cả người bán hàng cũng không.  Đứng trước một căn nhà gắn biển “Calico Leathers Works &  Idian Trading Post”, tôi cố gắng tìm một ai đó để hỏi có thể gửi một bưu thiếp từ đây về Việt nam hay mua một món quà lưu niệm làm từ da thuộc, nhưng vài người tôi gặp đều lắc đầu không biết, họ cũng chỉ là du khách đến tham quan. Thế ngoài những ma-nơ-canh, những cư dân ảo, thì cư dân thực sự của Calico đang sống ở đâu nhỉ?   

Điều đáng ngạc nhiên nhất khi tham quan thị trấn xưa cũ này là thông tin đọc được trong tờ hướng dẫn khách tham quan: vào thời kỳ hoàng kim nhất, thị trấn này đã có 22 xưởng sản xuất với 1200 dân cư bao gồm một khu dân cư người Hoa (China town). Người Trung hoa với khát vọng làm giàu đã đến miền viễn Tây nước Mỹ khai mỏ từ rất sớm và tạo lập nên những cộng đồng cư dân riêng của người Hoa trên đất Mỹ từ hơn trăm năm trước, mặc dù ngày nay không còn China Town trong Calico Town. 

Sa mạc miền Tây nước Mỹ

Kỳ sau: <>San Francisco<> - phố tây và phố tầu

<>Anna Nguyễn