Nhịp sống số

Nước Mỹ - từ Đông sang Tây (Kỳ 2)

Từ New York, trên đường đến Washington DC, chúng tôi ghé thăm Philadelphia. Đây là cố đô của Hoa Kỳ. Địa điểm tham quan đầu tiên ở thành phố này là nơi đặt quả chuông tự do.

<>

Chuông tự do là một trong những biểu tượng của nền độc lập của Hoa Kỳ. Theo lời giới thiệu của các hướng dẫn viên du lịch, cũng như thông tin bạn có thể đọc thấy ở Wikipedia, quả chuông này được đặt mua từ Công ty “Lester và Pack”, nay là "Whitechapel Bell Foundry", tại Luân Đôn, Anh Quốc vào năm 1752, và được đúc với huyền thoại - một câu thơ: "công bố tự do trên khắp xứ sở với toàn thể dân chúng sinh sống trên đó".

Tọa lạc tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, quả chuông này đã được người ta rung lên để đánh dấu sự ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ vào ngày 08 tháng 7 năm 1776. Chuông được treo nhiều năm trong gác chuông của Nhà tiểu bang Pennsylvania (nay gọi là Nhà Độc lập); chuông được sử dụng để triệu tập các nhà lập pháp cho các phiên họp và để báo cho các công dân đến các cuộc họp công cộng. Trong những năm 1830, chuông đã được chọn làm biểu tượng cho chủ trương xoá bỏ chế độ nô lệ, mọi người gọi nó là chiếc "Chuông Tự do".

Chuông tự do ở Philadelphia

“Nhưng tại sao quả chuông lại bị nứt?”. Đó là câu hỏi của các cháu nhỏ và cũng là câu hỏi chung của hầu hết khách đến tham quan. Câu trả lời từ các hướng dẫn viên là: Ban đầu chuông này bị nứt khi lần đầu tiên sau khi đến Philadelphia, và đã hai lần được đúc lại bởi những người thợ địa phương là John Pass và John Stow.

Tuy nhiên, việc giải thích của các hướng dẫn viên du lịch dường như chưa phải là câu trả lời đủ chính xác cho câu hỏi về cái sự nứt của chuông. Bởi lẽ chiếc chuông không phải là quá lớn và việc sửa chữa hàn gắn xóa đi vết nứt có lẽ không phải là quá khó đối với những người thợ lành nghề dù hành nghề cách đây hàng trăm năm. Nhưng người ta vẫn để lại vết nứt trên chiếc chuông. Phải chăng đó cũng là một thông điệp gửi tới muôn đời sau những câu hỏi về ý nghĩa của tự do:

-  Không có sự tự do nào là thực sự trọn vẹn?

-  Có quá nhiều người đã đến đánh chuông để mong cầu tự do nên nó phải nứt?

-  Có tự do nào mà không phải trả giá?

Đứng trước chiêc chuông nứt này chúng tôi liên tưởng đến quả địa cầu tại sân tòa nhà Liên hợp quốc ở New York mà chúng tôi vừa đến thăm chiều qua - nó cũng được thiết kế chế tạo ở dạng một quả địa cầu nứt vỡ, gần đó là mô hình một nòng súng bị uốn cong và thắt nút.

Dù là câu hỏi hay câu trả lời như thế nào thì chiếc chuông tự do ở Philadelphia vẫn là một chiếc chuông nứt và tại các cửa hàng lưu niệm trên các con phố đi bộ hay tại các sân bay bờ Đông và bờ Tây Hoa Kỳ, tất cả những chiếc chuông tự do xinh xắn được bán làm quà lưu niệm đều được mô phỏng theo mẫu chiếc chuông nứt này.

Kỳ sau:<> Lịch lãm Washington DC

<>Anna Nguyễn